Trừng phạt học sinh và lòng yêu thương

Trừng phạt học sinh và lòng yêu thương
Trước khi dùng bất cứ hình phạt nào với trẻ, bạn phải chắc chắn rằng, nó biết và tin rằng bạn yêu thương nó. Nếu không, mọi hình phạt sẽ chỉ là một sự trút giận và đứa trẻ sẽ không bao giờ “tâm phục, khẩu phục”…

Mấy ngày nay, mạng xã hội lại rần rần lên tiếng về vụ cô giáo ở Thường Tín (Hà Nội) phạt học sinh quỳ. Khá bất ngờ khi lần này, số người ủng hộ hành động của cô giáo lại nhiều hơn số người phản đối.

Phản đối hay ủng hộ, theo tôi, đều cần phải nhìn từ cái gốc của nó: Cô giáo phạt vì ghét, hay vì thương học trò?

Những người phản đối việc xử phạt bằng cách bắt quỳ, như mọi khi, vẫn là lý do trẻ cần được tôn trọng. Những người có tư tưởng này cho rằng, quỳ là một hình thức làm nhục học sinh, không có tác dụng răn đe và không khiến trẻ tâm phục khẩu phục. Đây cũng là ý kiến của một phụ huynh có con bị phạt quỳ. Theo những ý kiến này thì cần có giải pháp “vừa dạy, vừa dỗ” chứ không nên phạt.

Một số người cũng cho biết, họ dạy con họ “không bao giờ quỳ gối” trước người khác, bất kể người đó là ai.

Ngược lại, những người ủng hộ cô giáo cũng có cái lý của họ. Theo “trường phái” này thì vì không thể “dỗ” được nữa nên bất đắc dĩ, cô giáo phải phạt quỳ. Hầu hết những người ủng hộ cô giáo đều cho biết, hồi còn nhỏ, họ bị giáo viên phạt quỳ, đánh… khá nhiều nhưng trong lòng họ đến nay không hề oán giận mà vẫn biết ơn thầy cô giáo. Họ cũng cho rằng, thời buổi hiện nay, các gia đình đang quá nuông chiều con cái. Họ lo ngại rằng, không trao quyền phạt cho giáo viên, học sinh sẽ như “những ông vua con” không biết sợ ai, lớn lên dễ hư hỏng, bất hiếu.

Có ý kiến thậm chí còn cho rằng, quỳ là hành vi xám hối, giúp trẻ tự ăn năn về tội lỗi của mình. Cho nên, khi học sinh có lỗi, giáo viên bắt quỳ là “chuyện bình thường".

Nhiều người chia sẻ, nhờ hồi nhỏ bị đánh, bị quỳ mà lớn lên “thành người”, biết suy nghĩ, sống có trách nhiệm.

Tôi là người phản đối kiểu dạy trẻ bằng roi vọt, và đã từng khóc vì con bị cô giáo tát trước lớp khi viết sai chính tả. Nhưng tôi cũng đã từng 2 lần bắt con nằm sấp và cầm roi vụt vào mông.

Lần thứ nhất, đó là hồi cấp I khi phát hiện con nói dối. Còn lần thứ hai là khi con có hành động thể hiện sự tức giận, hỗn láo với bác bảo vệ ở trường.

Trong 2 lần ấy, thì về sau, tôi ận hận khi đã đánh con vì tội nói dối. Đó là vì khi đã tìm hiểu kỹ càng, tôi biết rằng, việc nói dối của một đứa trẻ cấp I không phải là hành vi cá biệt, nghiêm trọng đến mức phải quá lo lắng. Ngoài ra, việc nói dối của trẻ thường có nguyên nhân từ việc sợ người lớn, và muốn thay đổi trẻ, chính người lớn phải thay đổi trước.

Nhưng với lần thứ hai, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cho rằng tôi đã đánh 2 roi rất xứng đáng, dù sau khi đánh con tôi đã rất đau lòng. Tôi muốn con tôi phải kịp thời khắc cốt ghi tâm một điều, đó là không bao giờ được hỗn láo với người lớn tuổi, càng không được coi thường người nghèo.

Nhưng dù là đánh con hay chỉ là mắng, thì ngay trước và sau đó, tôi luôn cho con biết rằng, tôi yêu thương nó, cũng không vì những lỗi lầm của nó mà tôi ghét bỏ, giận hờn.

Tôi nghĩ, không chỉ với cha mẹ mà với cả các thầy cô giáo, chúng ta có thể phạt trẻ, nhưng đi kèm với đó phải là tình thương. Bằng bất cứ cách nào, trước khi cầm chiếc roi lên hay bắt trẻ quỳ xuống, chúng ta phải khiến trẻ cảm nhận và tin tưởng tuyệt đối rằng, chúng ta thương yêu trẻ. Khi trẻ cảm nhận được tình thương của cha mẹ, thầy cô, thì khi bị trách phạt, lúc đầu chúng có thể phản ứng, có thể giận hờn, trách móc, nhưng sau đó chúng sẽ hiểu.

Những người đã trưởng thành ngày nay hay kể chuyện trước đây bị bố mẹ, bị thầy cô đánh mắng mà nay lớn lên không hề hận thầy cô, vẫn yêu thương kính trọng, trở về thăm hỏi. Tuy nhiên, không thể áp chuyện ngày xưa của chúng ta lên lớp trẻ bây giờ. Mỗi một thời, sẽ phải có những cách giáo dục phù hợp. Hơn nữa, thử hỏi thầy cô của chúng ta ngày xưa có khác thầy cô của bọn trẻ bây giờ không? Tất nhiên vẫn có nhiều thầy cô thương yêu trẻ thật lòng, nhưng không ít giáo viên chỉ coi nghề giáo là một nơi kiếm sống thuần túy. Họ đến với nghề không phải vì yêu trẻ, mà vì tiền.

Kinh tế thị trường không loại giáo dục ra khỏi mối quan hệ “tiền trao cháo múc”. Ngày xưa, trẻ con đứa nào cũng nhà nghèo như nhau nên giáo viên đối xử cũng công bằng. Ngày nay, những cảnh bất công trong đối xử của giáo viên với trẻ do sự quan tâm của phụ huynh với cô cũng ở nhiều mức khác nhau. Tình trạng trẻ đi học thêm thì biết đề trước, được điểm cao không phải là hiếm. Vậy thì, với những giáo viên này, việc trừng phạt học sinh sẽ không có ý nghĩa giáo dục. Trong mắt những đứa trẻ, thầy cô giáo đó chỉ là những người “bán hàng” mà cha mẹ chúng đã bỏ tiền ra mua.

Kiếm sống bằng nghề giáo không có gì là xấu, nhưng nếu chỉ làm giáo viên với một mục đích duy nhất đó thì người thầy, người cô rất khó có được sự tôn trọng của học sinh. Giống như với cha mẹ, đánh con cái chỉ vì nghĩ mình đẻ ra nó mình có quyền sẽ khó lòng khiến đứa con “ngấm” được lời dạy. Với giáo viên, trừng phạt đi kèm sự khinh bỉ, coi thường, trừng phạt với mục đích làm nhục, làm nhụt chí phản kháng của trẻ, thì sẽ không bao giờ nhận lại được sự tôn trọng của học sinh.

Thương yêu mới giúp nhân lên mầm thiện. Khi thương yêu, nếu bạn phải đành lòng đánh trẻ 1 roi, lòng bạn sẽ đau đớn. Khi thương yêu, bạn đánh trẻ một roi, trẻ chạy đằng trước rồi sẽ vòng lại ôm bạn từ phía sau. Khi cảm nhận đủ nỗi đau của việc trừng phạt trẻ, cũng như niềm hạnh phúc khi ôm đứa trẻ ấy trong tay, bạn sẽ biết khi nào cần phạt và phạt như thế nào là đúng. Nếu không, thì mọi lý thuyết về việc “đánh phạt trẻ là cần thiết” sẽ trở nên phản tác dụng.

Nhưng ngược lại, phản đối mọi hình phạt đối với học sinh một cách cứng nhắc sẽ dẫn đến sự thờ ơ, vô trách nhiệm chỉ để bảo toàn công việc của cá nhân giáo viên và hậu quả là trường học chỉ là nơi đứa trẻ đến để “nhồi” kiến thức. Mọi sự giao tiếp giữa giáo viên và học sinh sẽ chỉ còn là sự trao đổi hàng hóa đơn thuần.

Theo Theo Vnmedia
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.