Gian lận trong kỳ thi THPT năm 2018: Không thể để chìm xuồng, bưng bít

Cần xử lý nghiêm minh các vi phạm trong gian lận thi cử vừa qua
Cần xử lý nghiêm minh các vi phạm trong gian lận thi cử vừa qua
TP - “Nếu là cán bộ đảng viên, trước tiên anh cần phải có tinh thần tự giác, báo cáo cơ quan tổ chức cán bộ, cơ quan nơi mình công tác và cũng có thể xin lỗi nhân dân. Nhưng trên thực tế, vẫn chưa có ai thừa nhận như vậy cả, mà họ chỉ thanh minh, kêu oan, nói mình vô tội”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong xoay quanh vụ gian lận thi cử vừa qua.

Một trong những vấn đề được cử tri quan tâm, gửi tới kỳ họp Quốc hội tới đây là yêu cầu xử lý nghiêm minh và công khai danh tính những trường hợp liên quan đến gian lận thi cử. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Gian lận trong kỳ thi THPT năm 2018: Không thể để chìm xuồng, bưng bít ảnh 1 đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Vụ gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bức xúc rất lớn trong dư luận và nhân dân trong cả năm qua. Đây là vụ việc gây chấn động trong xã hội, không phải chỉ là việc của riêng tỉnh, thành phố nào, mà đã trở thành mối quan tâm của người dân cả nước. Chính vì vậy, theo tôi cần phải công khai danh tính với dư luận về các trường hợp liên quan đến gian lận thi cử, không có gì là “vi phạm nhân thân” ở đây cả.

Hiện đã có những người liên quan đến vụ việc bị khởi tố, bắt tạm giam. Những người đó có vi phạm hay không, vi phạm ở mức độ nào thì phải chờ kết quả điều tra. Tuy nhiên, những vi phạm trong thi cử như vụ việc vừa qua thì yêu cầu đầu tiên đưa ra là phải công khai, minh bạch, không thể chấp nhận chuyện bưng bít, bao che vi phạm. Thậm chí dư luận còn lo ngại vụ việc sẽ bị chìm xuồng. Điều này không thể để xảy ra được.

Tại sao những thí sinh được nâng điểm lại chủ yếu là con em cán bộ, những người có quyền, có tiền mà không phải là những trường hợp gia đình công nhân, nông dân? Do vậy, cần công khai, minh bạch và trả lời cho công luận rõ. Còn nếu cứ im ỉm, không giải quyết, không công bố gì thì người dân không thể đồng tình.

Nói đến việc chìm xuồng, nhiều ý kiến cũng lo ngại về sự công tâm, khách quan, hoặc những khó khăn có thể xảy ra khi cơ quan công an tỉnh đó làm. Trong khi đó, những trường hợp liên quan lại chủ yếu là cán bộ quan chức của địa phương?

Tôi rất tin tưởng vào cơ quan tố tụng của các địa phương, trong đó có các tỉnh có xảy ra vi phạm vừa qua. Thực tế, Bộ Công an cũng có rất nhiều việc cần giải quyết, bên cạnh đó, cơ quan điều tra mỗi tỉnh cũng có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, cơ quan điều tra địa phương khi làm việc xong, phải báo cáo Bộ Công an, vì đây là sự việc lớn được cả nước quan tâm, theo dõi.

Trong vụ việc này, Bộ Công an sẽ phải kiểm tra, giám sát, xác minh, xem có sự công tâm, khách quan hay không. Nếu họ làm rõ, công khai với dư luận và nhận được sự đồng tình, ủng hộ thì thôi. Còn nếu không đồng tình thì Bộ Công an phải vào cuộc, tham gia sâu hơn để xử lý vụ việc, trả lời dư luận.

Qua báo chí phản ánh, phụ huynh các trường hợp vi phạm, được nâng điểm chủ yếu là cán bộ, đảng viên, quan chức của địa phương. Theo ông vấn đề trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở đây ra sao?

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên đã có quy định của Ban Chấp hành T.Ư Đảng rồi. Đã là cán bộ, công bộc của dân thì phải nêu gương từ trong công việc, đến gia đình và xã hội. Bản thân phụ huynh, người thân các trường hợp vi phạm đó có tác động gì không, có hối lộ không, có dùng quyền lực để nâng điểm cho con em mình hay không? Đúng sai thế nào cần phải chờ vào kết luận của cơ quan điều tra, nếu kết luận lúc này sẽ thiếu cơ sở.

Tuy nhiên, nếu là cán bộ đảng viên, trước tiên anh cần phải có tinh thần tự giác, báo cáo cơ quan tổ chức cán bộ, cơ quan nơi mình công tác. Anh cũng có thể nói rõ rằng: “Tôi không đúng, tôi đã sai, tôi xin nhận khuyết điểm và mong được sự tha thứ của xã hội, của người dân”. Nếu cán bộ vi phạm mà xử lý được như vậy thì sẽ rất nhân văn.

Nhưng trên thực tế, theo như tôi biết, hiện vẫn chưa có ai thừa nhận như vậy cả, mà họ chỉ thanh minh, kêu oan, nói mình vô tội. Chính vì vậy càng cần sự vào cuộc mạnh mẽ, nhanh chóng của cơ quan điều tra, để làm sáng tỏ từng trường hợp liên quan. Nếu họ không vi phạm cũng là dịp để thanh minh cho họ. Còn nếu có tác động nâng điểm thì phải xử lý nghiêm minh. Tùy mức độ cụ thể mà xem xét xử lý hành chính hay hình sự.

Cũng có người đặt ra vấn đề từ chức khi xảy ra vụ việc này. Song văn hóa từ chức của ta chưa có. Dù chúng ta rất khuyến khích việc này, nhưng quy trình từ chức chưa quy định rõ ràng, cụ thể như các nước. Nhưng việc này vẫn cần phải có sự tự giác của cán bộ quan chức. Nếu thấy mình không đúng, không hoàn thành nhiệm vụ thì nên xin từ chức, đó cũng là liêm sỉ cần có của người cán bộ.

Một kỳ thi công bằng, nghiêm túc luôn là một đòi hỏi chính đáng của người dân. Nhưng nếu như trong kỳ thi sắp tới tiếp tục tái diễn gian lận trong thi cử, thì câu chuyện trách nhiệm sẽ phải xem xét cụ thể như thế nào?  

Khi vụ gian lận trong thi cử xảy ra, dư luận xã hội đã phản ứng rất mạnh và đã có nhiều ý kiến về kỳ thi “2 trong 1” hiện nay. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn bảo lưu, vì cho rằng, phương pháp đó hữu hiệu, hợp lý. Đồng thời ngành giáo dục nói sẽ thay đổi cách thức triển khai, từ coi thi, chấm thi đến giám sát thi để không xảy ra tiêu cực.

Nếu làm được như vậy thì sẽ rất tốt. Tuy nhiên nếu có tiêu cực xảy ra trong kỳ thi năm 2019 này thì tư lệnh ngành phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, giám đốc sở GD&ĐT ở những tỉnh, thành phố xảy ra vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm, hoặc ít nhất là trách nhiệm liên đới. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh và dư luận, nhân dân mới tin tưởng vào nền giáo dục cũng như công tác thi cử của chúng ta hiện nay.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.