Trung-Nhật vờn nhau trên biển Hoa Đông

Trung-Nhật vờn nhau trên biển Hoa Đông
TP - Ngày 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói trên kênh NHK rằng, qua các kênh ngoại giao, ông khẳng định chính quyền Mỹ có cùng quan điểm với Nhật Bản về cách thức giải quyết căng thẳng trên biển Hoa Đông.

> Tướng Nhật phân tích ý đồ của Trung Quốc ở Hoa Đông
> Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Sau khi Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng bằng những biện pháp đe dọa.

Nhật Bản đã yêu cầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp Quốc cứu xét xem vùng phòng không này có đe dọa lưu thông hàng không khu vực hay không.

Theo các nhà phân tích, động thái của Nhật Bản là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm kêu gọi sự ủng hộ quốc tế trong nỗ lực giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Không chỉ Nhật Bản, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang cố gắng kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Một số chuyên gia cho rằng, Nhật Bản được trang bị tốt nhất cho nhiệm vụ này: Được lãnh đạo bởi một thủ tướng mới có quan điểm cứng rắn, có nền kinh tế mạnh, lại được sự hậu thuẫn của Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp việc liên tục tăng cường sức mạnh lực lượng không quân và tuần tra bờ biển, cũng như hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản có vẻ vẫn chưa tìm được giải pháp đối phó hữu hiệu với người láng giềng khổng lồ đang trỗi dậy.

Các nhà phân tích nhận định, không động thái nào của Trung Quốc được hoạch định đẩy lên đến mức độ gây ra xung đột vũ trang, nhưng mưu đồ của họ đã gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực.

Trên biển Đông, Trung Quốc đã đẩy Philippines khỏi một bãi cạn, bằng cuộc tiến công ồ ạt của các đoàn tàu cá được hộ tống bởi các tàu hải giám, ngư chính và tàu chiến. Nhiều chuyên gia an ninh và quan chức Nhật Bản nói rằng, Trung Quốc hiện cách tân chiến lược này, áp dụng trên biển Hoa Đông, với mức độ căng thẳng hơn do thường xuyên sử dụng máy bay.

Khi một số tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng nước gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 14 tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản đã lập tức họp khẩn. Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo bị triệu tới để nhận lời phản đối gay gắt, phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản mô tả đó là hành động “xâm lấn” chưa có tiền lệ.

Các tàu Trung Quốc sau đó rút đi, nhưng thời điểm nọ đã cảnh báo giai đoạn đầu của chiến lược đại dương cơ bản của Trung Quốc - chiến lược tiến vào các vùng biển mới, sẵn sàng đương đầu sự phản kháng giận dữ, cải biến chiến thuật biển người thành hoạt động bình thường trên biển, nhiều nhà phân tích nhận định.

Các tàu Trung Quốc giờ đây hằng tuần băng qua các vùng nước xung quanh những hòn đảo do Nhật Bản quản lý, khiến Tokyo luôn trong tình trạng quan ngại, phản đối nhưng chưa đến mức báo động.

Giới chức Nhật Bản cho rằng cần phải nhìn tham vọng biển của Trung Quốc trước thời điểm tháng 9/2012, để thấy rõ xu hướng hoạt động của họ trong nhiều năm trên biển Hoa Đông.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, năm 2004, hằng tháng, máy bay Nhật Bản mới phải cất cánh chặn máy bay Trung Quốc. Năm 2007, hằng tuần, họ phải tung chiến đấu cơ đối phó. Đến năm 2013, chuyện này diễn ra trung bình hơn một lần mỗi ngày.

Thục Ninh
Theo Washington Post

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG