Hôm 8/1, hồ dung nham trên miệng núi lửa Kilauea ở Hawaii, Mỹ, phun trào, bắn tung những mảnh vụn đá núi lửa vào không trung. Tuy nhiên, vào cuối ngày, trên rìa hố Halema'uma'u ở độ cao 110 m tính từ mặt hồ dung nham, Tim Orr, nhà địa chất học ở Trạm quan sát Núi lửa Hawaii (HVO), phát hiện một vật kỳ lạ.
"Nó có dạng hình cầu, bên trong rỗng hoàn toàn và phía ngoài là lớp vỏ thủy tinh mỏng rất dễ vỡ", Janet Babb, nhà địa chất học kiêm cán bộ thông tin ở trạm quan sát, chia sẻ với The Huffington Post.
Các nhà khoa học gọi vật thể tìm được là "nước mắt lạnh của Pele" để chỉ nữ thần lửa của Hawaii và những phân tử thủy tinh hình giọt nước mắt tạo thành khi dung nham nóng chảy nguội nhanh. Quả trứng dài hơn một centimet nhiều khả năng bắn ra từ hồ dung nham sau vụ phun trào, khi mặt hồ sục sôi dữ dội.
Sụt lở đá và những sự kiện hậu phun trào diễn ra tương đối phổ biến ở hồ dung nham. Chúng xảy đến bất ngờ, khiến dung nham nóng chảy, mảnh vụn đá và tàn tro văng lên cao. Theo HVO, sự kiện hôm thứ 6 là vụ phun trào thứ ba của núi lửa Kilauea trong vòng một tuần.
Babb cho biết có nhiều loại mảnh vụn bắn ra từ hồ dung nham. Ngoài "nước mắt của Pele", dung nham còn hình thành "tóc của Pele" - những sợi mảnh màu vàng giống thủy tinh dễ vỡ và "tảo biển của Pele" - các tấm thủy tinh núi lửa hình thành dưới tác động của gió.