Ý kiến dân phải mang tính quyết định
Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, đa số ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước. Những vấn đề đưa ra trưng cầu phải ở tầm quốc gia, còn những vấn đề mang tính địa phương, hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Một số ý kiến khác thì cho rằng, có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực thì Quốc hội vẫn quyết định trưng cầu ý dân nhưng chỉ cần tổ chức ở khu vực đó, ví dụ như xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án kinh tế xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố.
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: Vấn đề gì được đề nghị trưng cầu ý dân? Ông Ksor Phước cho rằng, một số vấn đề không thể đưa ra trưng cầu ý dân, như việc chia tách lãnh thổ quốc gia, bàn giao lãnh thổ cho nước khác, hoặc vấn đề thành lập nhà nước khác… “Dứt khoát một số điều không thể cho phép đưa ra trưng cầu ý dân”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị phân biệt rõ, giữa trưng cầu ý dân với lấy ý kiến nhân dân khác nhau ở chỗ nào? Vấn đề nào cần đưa ra trưng cầu ý dân? “Không phải cái gì cũng đưa ra trưng cầu ý dân. Làm như vậy có khi không khả thi, lại còn gây lãng phí”, ông Sơn nhìn nhận. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa lấy ý kiến và trưng cầu ý dân.
“Khi nào phải trưng cầu ý kiến nhân dân? Đó là những cái vượt thẩm quyền Quốc hội, hoặc thuộc thẩm quyền nhưng Quốc hội thấy việc này nếu quyết định thì chưa đủ sức mạnh pháp lý nên phải trưng cầu ý dân và sẽ quyết định theo ý kiến của nhân dân”, ông Hiển nói, đồng thời cho rằng những vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ, hay vai trò lãnh đạo thì không thể đưa ra xin ý kiến nhân dân được. Trong luật cần phải khẳng định điều này. Luật pháp mà cứ mập mờ, hiểu thế nào cũng được thì rất nguy hiểm”, ông Hiển khẳng định.
Cùng mối quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu: Việc gì, cấp độ nào thì cần trưng cầu ý dân? Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Những việc tuy thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng thấy việc này phải trưng cầu ý dân, rồi căn cứ vào đó quyết định thì sẽ trưng cầu ý dân. Nghĩa là Quốc hội tôn trọng người dân đã bầu ra mình. Khi trưng cầu ý dân, ý kiến của nhân dân phải mang tính quyết định”.
Chỉ đặt tên bằng tiếng Việt
Ngày 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nhiều ý kiến từ phía người dân đã đề nghị bổ sung quy định: “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái”.
Đồng tình với quy định đặt tên không quá 25 chữ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, việc đặt tên cho con quá dài sẽ gây ảnh hưởng đến làm hồ sơ sau này. Ngược lại, ông Hiển đề nghị không nên quy định việc đặt tên với người không quốc tịch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cùng quan điểm và cho rằng, nhiều ca sĩ người Việt nhưng lại cứ lấy tên tây, cần phải khắc phục tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai góp ý, luật không cần phải quy định tên đệm, vì khi ghi “Họ và tên” đã được hiểu bao gồm cả chữ đệm. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị không nên thêm quy định này. Vì nếu quy định sẽ phải thay đổi căn cước, thay đổi toàn bộ dữ liệu quốc gia về dân cư, rất rắc rối, lại không đồng bộ trong hệ thống pháp luật...
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc quy định chữ đệm cả thế giới đang áp dụng chứ không riêng gì Việt Nam. Một số nước còn bắt buộc phải lấy tên bố làm tên đệm. Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn được giữ nguyên quy định này. Với người không quốc tịch, theo ông Cường, những trường hợp này được coi là người không thuộc công dân nước nào, lại thường trú ở Việt Nam nên phải đưa vào để quản lý.
Liên quan việc chuyển đổi giới tính, hiện vẫn có hai loại ý kiến. Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định chuyển đổi giới tính, song cũng có ý kiến đề nghị không thừa nhận quyền này.
Theo dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép”. Cụ thể, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.