Chưa thống nhất sửa Luật Bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/5. Ảnh: Dũng Nguyễn
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/5. Ảnh: Dũng Nguyễn
TP - Sau khi đưa ra nhiều ý kiến vào chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định trình ra để QH quyết định có nên sửa Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không.

Đề nghị sửa theo hướng linh hoạt

Chủ trương sửa Điều 60 Luật BHXH được đưa ra xuất phát từ việc công nhân của Công ty Pouyuen Việt Nam và một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60 của luật này.

Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ báo cáo UBTVQH, kiến nghị QH xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng.

Theo Bộ trưởng Chuyền, việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết BHXH một lần, đáp ứng nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn, có nhu cầu nhận một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, theo bà Chuyền, nếu người lao động nhận bảo BHXH một lần thì khi hết tuổi lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hằng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già.

Trước đề xuất trên, Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH đưa ra hai phương án. Một là tán thành với đề xuất của Chính phủ, cho phép người lao động nghỉ việc sau thời gian một năm được hưởng BHXH một lần, tuy nhiên, cần có lộ trình để nâng dần điều kiện thời gian nghỉ việc từ 2-3 năm mới được nhận BHXH một lần. Phương án hai, giao cho Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện chính sách này. 

“Việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng đối tượng, làm tăng thêm số người không có lương hưu khi về già, đồng thời, về lâu dài, nhà nước phải tăng chi từ ngân sách cho chính sách đối với người cao tuổi không có lương hưu”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, sự việc xảy ra vừa qua không phải lần đầu. Việc người lao động muốn được hưởng trợ cấp một lần xuất phát từ thực tế, chẳng hạn như người lao động cần có một khoản tiền để chữa bệnh, hoặc có tiền đóng học phí khi con vào đại học. Một số ngành như dệt may, thủy hải sản, người lao động chỉ làm 10 năm là bị sa thải, phải về quê. Do vậy luật phải sửa theo hướng linh hoạt hơn, nếu khó khăn quá người lao động có thể được nhận trợ cấp một lần. Trên cơ sở đó, ông Chính đề xuất phương án QH ban hành nghị quyết cho phép tạm dừng điểm A, khoản 1 Điều 60 và điểm A khoản 1, Điều 77 của Luật BHXH.

Cân nhắc trước khi quyết định

Hôm qua, đa số các ý kiến trong UBTVQH cho rằng cần phải cân nhắc trước khi quyết định có nên sửa Điều 60 Luật BHXH hay không. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Điều 60 là đúng chủ trương, phù hợp xu hướng tiến bộ trên thế giới, nhằm hướng tới chiến lược an sinh lâu dài cho người lao động. Việc xảy ra phản ứng của một bộ phận người lao động trong thời gian qua, theo bà Ngân chỉ là “hơi cá biệt”, mặc dù số lượng người phản ứng rất đông. 

“Vì sao chỉ có một bộ phận phản ứng chứ không phải tất cả người lao động trên toàn quốc? Một bộ phận đó có đại diện cho người lao động cả nước muốn lãnh bảo hiểm một lần hay không? Cần bình tĩnh, phân tích kỹ trước khi đưa ra quyết định chứ không thể vội vã”, bà Ngân đề nghị.

Đề cập đến nguyên nhân người lao động xuống đường phản đối, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, có nguyên nhân từ việc tuyên truyền chưa tới. Ông Phúc đề nghị cần phải thận trọng trước khi đưa ra quyết định, không nên vừa có phản ứng đã vội sửa ngay. Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc KSor Phước, đây là lần đầu tiên có một cuộc đình công phản đối thẳng vào một điều luật cụ thể. Do vậy QH cũng phải lắng nghe và có thái độ kết luận rõ về việc này.

Cùng quan điểm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, QH sẵn sàng sửa, nhưng phải có giải trình rõ và báo cáo ra QH. Trước mắt, từ nay đến năm 2016, các bộ, ngành cần tuyên truyền, vận động thật tốt. Đến tháng 10/2015, nếu thấy không thực hiện được phải điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn.     

Chốt lại buổi làm việc, UBTVQH quyết định Chính phủ phải báo cáo việc này ra QH. Ngoài việc tuyên truyền thật tốt, UBTVQH cũng đề nghị phải xử lý nghiêm minh những hành vi kích động, lôi kéo người lao động.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.