Guzmán đã vượt ngục qua một đường hầm tinh vi, trang bị đầy đủ ánh sáng, quạt thông gió và cả một chiếc mô tô chạy trên đường ray. Theo cựu lãnh đạo cơ quan hải quan và di trú thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ Jim Dinkins, phải mất từ 18 tháng đến 2 năm mới hoàn thành được một đường hầm dài 1,5 km như vậy.
Các chuyên gia an ninh khẳng định, đường hầm mà Guzmán sử dụng để vượt ngục dựa trên mẫu thiết kế công phu và huy động sức lực của rất nhiều người. Nhà điều tra Joe Garcia (Mỹ) cho biết, đường hầm chạy trốn khỏi nhà giam Altiplano dài hơn bất kỳ địa đạo nào mà chính quyền phát hiện ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico.
Cơ quan chức năng Mexico cho biết, Guzmán là một chuyên gia về hầm và địa đạo trong giới tội phạm Mexico. Trong hơn 25 năm điều hành đường dây buôn ma túy quốc tế, y đã chỉ đạo xây cả trăm đường hầm lớn và tinh vi giữa Mỹ và Mexico.
Bộ trưởng Nội vụ Mexico Migual Angel Osorio Chong cho rằng, trùm ma túy chắc chắn phải có sự trợ giúp của các quan chức nhà tù để đào thoát. Theo một nguồn tin, Guzmán đã chi 50 triệu USD để xây dựng đường hầm cũng như để hối lộ các quan chức nhà tù. Vụ vượt ngục xảy ra vào thời điểm giới tư pháp và chính trị Mexico đang cân nhắc từ chối yêu cầu dẫn độ trùm ma túy của Mỹ.
Tại Mỹ, Guzmán đối mặt 35 tội danh, bao gồm buôn lậu ma túy, tội phạm có tổ chức, rửa tiền… Trùm ma túy đã suýt bị dẫn độ về Mỹ năm 2001 khi hắn tẩu thoát khỏi nhà tù Puente Grande ở phía tây Mexico. Yêu cầu dẫn độ mới nhất của chính quyền Mỹ là vào tháng 1/2015. Bất chấp 60% người Mexico tán thành việc dẫn độ trùm ma túy sang Mỹ do lo sợ hắn có thể lại vượt ngục, Tổng chưởng lý Mexico Jesus Murillo Karam nói rằng, nguy cơ Guzmán vượt ngục lần thứ hai “không tồn tại”.
Ông Karam tuyên bố, việc giam giữ Guzmán là vấn đề “chủ quyền quốc gia” và nói rằng, Mỹ có thể có Guzmán một khi hắn đã thụ án ở Mexico “khoảng 300-400 năm”.
Sau khi Guzmán trốn thoát, chính quyền Mexico đã treo giải 4 triệu USD, trong khi lực lượng an ninh tiếp tục chiến dịch truy lùng với sự giúp đỡ của các quốc gia láng giềng.