Đại tá Igor Klimov thuộc Không quân Nga hiện đóng quân ở căn cứ Hmeymim xác nhận rằng, quân đội nước này đã triển khai trực thăng tấn công Mi-24 sang Syria. Đây được xem như là một phần trong chiến dịch không kích IS.
Theo chia sẻ của Đại tá Klimov, các trực thăng tấn công Mi-24 đang làm nhiệm vụ tuần tra quanh khu vực căn cứ Hmeymim cũng như đảm nhận các nhiệm vụ tìm kiếm hay cứu hộ. Còn theo quan sát của phóng viên kênh RT, Mi-24 thường bay tuần tra theo từng cặp, bay ở độ cao cực thấp.
Mi-24 là một cái tên không lạ trong "làng" trực thăng tấn công hạng nặng trên thế giới. Kể từ khi chính thức tham chiến lần đầu ở Ehiopia năm 1977, và đặc biệt là cuộc chiến của Liên Xô tại Afhganistan, trực thăng tấn công Mi-24 luôn reo rắc nỗi kinh hoàng không kể xiết lên đầu những kẻ đối địch với nó. Không chỉ là thứ vũ khí săn lùng, tiêu diệt bộ binh, xe tăng địch, Mi-24 cũng từng lập không ít chiến công bắn hạ cả trực thăng, máy bay phản lực (trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq).
Trực thăng tấn công Mi-24 là thiết kế độc đáo của nhà máy chế tạo trực thăng Mil Moscow, khoảng 2.300 chiếc được sản xuất từ 1969 tới nay và phục vụ ở hơn 30 quốc gia. Nhắc tới Mi-24, người ta còn gọi nó là "xe tăng bay", "cá sấu bay" (vì hình dáng ngụy trang giống cá sấu).
Trên chiến trường, Mi-24 được đánh giá là có độ sống sót cao với nhiều phần được bọc thép chống đạn. Ví dụ như buồng lái có thể chống đạn súng máy hạng nặng 12,7mm – loại vũ khí mà Mi-24 sẽ phải đối đầu khi thường xuyên tác chiến ở tầm thấp.
Mi-24 được trang bị hai động cơ tuốc bin trục Isotov TV3-117 công suất 4.400 mã lự cho tốc độ bay tối đa 335km/h, tầm bay 450km, trần bay 4.900m.
Tất nhiên, điểm đáng sợ nhất Mi-24 là sức mạnh hỏa lực kinh người của nó. Trên Mi-24 thiết kế hai cánh nhỏ trên thân với 6 điểm treo cho phép mang nhiều loại vũ khí khác nhau như: rocket, tên lửa chống tăng, pod súng máy và thậm chí là bom hàng không (ít có loại trực thăng tấn công nào có khả năng tương tự).
Loại Mi-24 mà Nga triển khai ở Syria thuộc biến thể Mi-24P được trang bị khẩu pháo hạng nặng GSh-23L cỡ 23mm nòng kép đặt cố định bên phải buồng lái máy bay, thay vì khẩu pháo có xoay đặt đầu mũi. Pháo GSh-23L đạt tốc độ bắn 3.400-3.600 phát/phút, có khả năng bắn hạ được cả xe thiết giáp hạng nhẹ.
Giá treo của Mi-24P có thể mang gunpod UPK-23-250 với pháo 23mm GSh-23L nòng kép hoặc gunpod GUV-8700 với cụm hỏa lực gồm khẩu súng máy 6 nòng 12,7mm, hai súng máy 7,62mm hoặc súng phóng lựu 30mm. Trong tác chiến chống quân IS, đây sẽ là những vũ khí chế áp tuyệt vời buộc quân IS phải chui rúc trong các công sự phòng ngự. Việc ló mặt ra là hành động “điên rồ, tự sát”.
Ngoài ra, các giá treo có thể mang các bệ phóng rocket B-8V20 với đạn rocket S-8 cỡ 80mm với tầm bắn 1-4km.
Cận cảnh đạn rocket trên Mi-24P rời bệ phóng.
Đặc biệt, trực thăng Mi-24P cũng có khả năng không kích IS bằng bom FAB, ODAB, RBK, ZAB. Đây là tính năng hỏa lực mà các trực thăng phương Tây không làm được. Nó sẽ rất phù hợp khi cần không kích các mục tiêu lớn như trung tâm chỉ huy, kho vũ khí của IS.
Phiến quân IS được cho là sở hữu khoảng vài chục xe tăng T-54, T-62 và cả T-72. Nhưng với sự xuất hiện của “hung thần diệt tăng” Mi-24 thì có lẽ IS sẽ phải thường xuyên giấu xe tăng để bảo toàn tính mạng. Khi mà Mi-24 có thể mang các tên lửa chống tăng 9K114 Shturm với tầm phóng tới 5km.
Sức tấn công của một chiếc trực thăng Mi-24 đã rất đáng sợ…
…thì sức mạnh từ một “bầy” Mi-24 sẽ khiến quân địch chỉ có nước chui vào hầm, công sự “khóc và cầu nguyện”.