Kết thúc có hậu của câu chuyện buồn ấy là ông được quy đổi 17 năm tù oan ấy thành 55 triệu đồng tiền truy lĩnh lương và 45 triệu tiền bồi thường những vật dụng của gia đình ông bị tịch thu năm 1955. Năm 1997, cũng như nhà văn kiêm tình báo gia Vũ Bằng, ông Nguyễn Phổ được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhì.
Ông Phổ cũng kịp làm cái việc là trong một chuyến đi Nam thăm bà con, ông ghé qua người đồng đội, nhà văn Vũ Bằng. Anh Tuấn kể lại rằng dạo ấy nhà văn túng quá phải đi bán thuốc Tây lẻ. Có mấy bận bị tịch thu ráo, mất cả vốn lẫn lãi! Nhưng trong mớ hành trang của ông Phổ mang ra Bắc sau chuyến đi xa ấy, nặng chịch một tập sách của ông bạn ngày trước trong tổ điệp báo tặng.
Tôi cũng từng được nghe anh con trai nhà văn Vũ Bằng nói lại là nhà văn hồi ấy túng quá, không thể ra thăm Bắc! Đau đáu những thương nhớ mười hai như thế nhưng từ hồi đi Nam, rồi đất nước thống nhất, chưa một lần quay ra thăm đất Bắc và cứ nấn ná đợi một dịp lành nào đó? Để rồi năm 1985 vĩnh viễn nằm lại xứ trời Nam với lọ tro lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm.
...Trên hai ban thờ cụ ông với cụ bà hương đang ngún khói. Dường như tít trên kia đang tỏa xuống chúng tôi cái nhìn độ lượng, bao dung.
Có nhớ anh Tuấn (nhắc ở kỳ trước) có kể cho nghe cái đoạn cụ bà năm 1982 quyết định xuống tóc vào tu ở tịnh xá Tòng Lâm (thành phố Hồ Chí Minh) đạt tới chức Tỳ khoeo ny, pháp danh là Trí Tuệ. Mãi năm 1997, ông Phổ trở bệnh nặng mới ra Bắc...
Cũng cần nhắc lại, thời gian ông Phổ mới bị bắt, một ngày nọ, người nhà ông Phổ, nghe theo lời mách đã tìm đến ông Trần Quốc Hương. Nhưng tìm đâu thấy vị cứu tinh ấy? Người phụ trách tổ điệp báo của ông Phổ thời điểm đó đang hoạt động ở trong Nam. Có thể chính là những ngày đen tối ông Mười Hương đang nằm trong nhà lao Chín Hầm của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn?
Anh Tuấn đưa tôi coi bản sao một lời chứng.
Đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Đăng, nguyên đại đội trưởng đơn vị PC 256, Tiểu đoàn 610A, Trung đoàn 75 người chỉ huy trực tiếp nhóm điệp báo thời gian hoạt động nội thành...
Từ Phòng thông tin này (Phòng Thông tin Hoa Kỳ - XB) rất nhiều tài liệu quan trọng đã được Nguyễn Phổ sao chụp và đưa đến các hòm thư liên lạc để chuyển ra chiến khu. Sáu năm hoạt động trong lòng địch, nhóm điệp báo này đã đưa được rất nhiều tài liệu có giá trị ra ngoài cho tới ngày giải phóng Thủ đô mà vẫn không bị lộ...
Trong câu chuyện, người con trai ông Phổ đã bật khóc khi nhắc đến cái ơn của bác Hương đã từng tất tả kiên trì đi gõ các cửa để minh oan trả lại danh dự và quyền lợi cho gia đình Nguyễn Phổ!
Từng ít nhiều là nạn nhân của những nghi kỵ, hiểu lầm nên với đồng đội bạn bè từng gặp oan trái, ông Mười Hương với trực giác bén nhạy đã có những xử sự khôn khéo…
Mãi sau này, anh Tuấn thông tỏ hết thì chưa hẳn nhưng đã thấm được phần nào cái nghề tình báo luôn tiềm ẩn những gian nan thua thiệt qua chính cuộc đời người cha truân chuyên. Nhất là sau năm 1975, được chứng kiến vài lần cuộc hội ngộ giữa bố anh với người thầy tình báo Mười Hương. Như bác Hương, công lao, thành tích từng ấy, ngần ấy mà khi trở lại miền Bắc sau 6 năm nếm trải địa ngục trần gian ở Chín Hầm nhưng Mười Hương không phải được hít thở ngay không khí tự do. Tại sao Mười Hương được tha và tha một cách dễ dàng như thế? Bao nhiêu câu hỏi xoắn bện về ông ở những cấp quản lý. Ông như bị cách ly ở K5 Quảng Bá (nơi dành cho các cán bộ từ chiến trường ra) hàng tháng trời. Hơn ai hết, ông Mười Hương hiểu và tuân thủ những nguyên tắc ngặt nghèo của ngành… Nhưng sao lâu thế? Và thời gian đó ông đương rất cô đơn. Vừa bị nghi kỵ cộng thêm nỗi đau người vợ từ thuở tao khang trong thời gian ông hoạt động và bị giam cầm đằng đẵng trong ngục Chín Hầm đã ngoặt hướng đời sang một phía khác không cùng ông nữa… Trong người không một mảnh giấy tờ, ông đánh liều tìm đến cấp trên trực tiếp tuyển mộ ông vào ngành khi đó là ông Trần Hiệu đang đương chức Viện Phó Viện KSND Tối cao. Nhưng vì ông không có giấy tờ tùy thân nên bảo vệ không cho gặp.
May sau đó, ông đã trở lại công việc cũ với cương vị cao hơn, phụ trách tình báo kỹ thuật trước khi lên đường trở lại miền Nam.
Nghe những đoạn có hậu của gia cảnh ông Phổ, mỗi đoạn như thế lại bất chợt nghĩ ngay đến người có cặp mắt với những ánh nhìn ấn tượng của ông Mười Hương mà tôi có dịp gặp thời điểm ông là Trưởng ban Nội chính T.Ư. Cứ như một thứ biệt nhỡn để tìm lọc được biết bao nhà tình báo chiến lược xuất sắc đi vào sử sách, vào văn học, thậm chí đã trở thành huyền thoại tình báo trong nước và quốc tế.
Dõi xa, nhìn ra có lẽ xuất phát từ cái tâm lành? Tâm ấy đã bầu nên tầm Mười Hương.
Ông Mười Hương từng phụ trách an ninh Lễ Tuyên ngôn độc lập 2/9 tại Quảng trường Ba Đình (còn ông Nguyễn Hữu Đang đảm nhận trọng trách tổ chức buổi lễ, người từng nhiều năm hoạt động cùng nhau thời gian khó) nên khi Nguyễn Hữu Đang bị hàm oan ông đã tích cực khéo léo can thiệp. Ông Nguyễn Tài, con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, một cán bộ công an trung kiên từng bị giam cầm trong sào huyệt Mỹ- Thiệu khi được thả cũng bị nghi ngờ, tố giác… Ông Mười Hương đã tích cực can thiệp. Sau này ông Nguyễn Tài được minh oan, được phong tặng Anh hùng LLVT là lãnh đạo ngành Hải quan và công an với chức tổng cục trưởng và thứ trưởng.
Dẫu hiếm hoi nhưng ông Mười Hương đã có con mắt xanh nhân ái trong việc cởi bỏ những oan sai cho đồng chí mình.
Diễm phúc cho làng tình báo nước Việt từng có một vị tiên chỉ như ông Mười Hương! Một nhân chứng sống, một cuốn sử sinh động minh chứng một thời cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta có những huyền thoại Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ...
Ông là tác giả của những tác phẩm lớn ấy. Và còn từng song hành với những nhân vật khuất lấp truân chuyên thua thiệt như Nguyễn Phổ, người con trai thứ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh?
Năm 1997, cũng như nhà văn kiêm tình báo gia Vũ Bằng, ông Nguyễn Phổ được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhì.