Truân chuyên nhà tình báo Nguyễn Phổ

Ông Mười Hương
Ông Mười Hương
TP - Căn phòng không mấy thoáng rộng trong khu tập thể quân đội Nghĩa Tân dường như đượm chút hương lửa của sử? Ban thờ được coi là vị trí trang trọng lấp lánh khung kính chân dung nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Và người con trai thứ 8 của cụ Vĩnh, nhà tình báo Nguyễn Phổ.

( Tưởng nhớ thủ lĩnh tình báo Mười Hương, Trần Quốc Hương)

Kỳ I:  Tốt nhập cung

Trong làn khói hương, tôi bồi hồi nhớ lại đoạn hồi ức của nhà văn Vũ Bằng.

… Cái ngày mà nhà văn Vũ Bằng leo phắt lên căn gác nhà cụ Vĩnh. Học giả kiêm nhà văn, nhà báo, nhà dịch giả tài hoa Nguyễn Văn Vĩnh đang thu lu trước mẹt bún chả. Vừa ăn vừa đọc cho ba người tùy phái. Một gã chép bài khảo cứu gì đó. Người kia thì chép cho cụ bài báo. Còn người thứ 3 chép cái đoạn cụ vừa ăn vừa dịch cuốn Manon Lescaut (Mai Nương Lệ Cốt).

Thuở ấy chắc cụ Vĩnh chả thể tưởng tượng ra, cái anh chàng Vũ Bằng mảnh khảnh vẫn thường hầu cụ rất mực đó lại có ngày cùng hoạt động với người con trai thứ 8 của mình là Nguyễn Phổ trong Tổ điệp báo Hà Thành?

Cậu con trai thứ 8 Nguyễn Phổ (sinh 1917) không có điều kiện theo đòi thêm nghiệp chữ nghĩa vì thời điểm ấy gia cảnh nhà cụ Vĩnh đã sa sút. Cậu phải học nghề tại nhà in Teresa (sau này có tên Trung Bắc Tân Văn và bây giờ là nhà máy in Tiến Bộ) cái công đoạn sắp chữ, tráng ảnh kẽm do chính cụ Vĩnh mang từ Pháp về cho ngành ấn loát nước nhà.

Thời gian làm việc ở nhà in, cậu đã được đồng chí Mười Hương (sau này là Trần Quốc Hương, Trưởng Ban Nội chính Trung Ương) giác ngộ. Nhà cậu cũng là địa điểm mà đồng chí Mười Hương và nhiều người khác nữa tá túc trong thời kỳ hoạt động bí mật.

Đầu năm 1948, được đồng chí Mười Hương giới thiệu, Cục tình báo thuộc Nha Liên lạc Thủ tướng Phủ (bây giờ là Tổng Cục II Bộ QP) đã trù tính từ lâu một nước cờ là cho tốt nhập cung!

Truân chuyên nhà tình báo Nguyễn Phổ ảnh 1 Ông Mười Hương (phải) và ông Nguyễn Phổ

Nhập cung? Là cần thiết lắm cái việc lựa chọn những tay thợ cứng nghề để đánh vào những cơ sở in ấn ở nội thành Hà Nội.

Nguyễn Phổ đã được lựa tuyển vào mạng lưới tình báo quân đội là như thế.

Nước cờ của cấp trên đã không lạc. Một thời gian sau, cùng với những móc nối này khác, tay thợ ảnh kẽm xuất sắc Nguyễn Phổ được tuyển vào làm tại Phòng Thông tin Mỹ.

Phòng Thông tin thực chất là một cơ quan tình báo. Tại đó khâu in ấn có nhiều tài liệu mà Việt Minh cần đến.

Nguyễn Phổ không đơn độc. Một người trong tổ điệp báo Hà Thành mà Nguyễn Phổ được phép biết và liên lạc rồi sau này chơi thân với nhau là nhà văn Vũ Bằng.

… Hướng về gian thờ đang thẳng vút lên những làn khói hương, tôi để ý đến tấm hình đã bợt bạt vì năm tháng chụp ông Nguyễn Phổ và ông Trần Quốc Hương.

Bên tôi là chủ nhà, anh Nguyễn Văn Tuấn. Anh sinh 1952 nhưng ngó già hơn tuổi.

Ngó khuôn mặt với những nét điềm tĩnh và giọng nói trầm trầm đều đều như là thản nhiên của anh Tuấn, tôi đang cố hình dung ra cái đoạn mà tai họa bỗng dưng úp chụp lên cái gia đình bé nhỏ của ông Nguyễn Phổ!

Một đám cháy bất ngờ lan ra trong phân xưởng (sau này mới biết là do chập điện) ở Nhà máy in Tiến Bộ. Nhà chức việc qua điều tra đã kết luận nguyên nhân cháy xuất phát từ cái tủ  đựng đồ của ông Phổ!

Mà ông Phổ đang là hạng công chức lưu dung! Mà ông trước đây lại từng làm cho Phòng thông tin Mỹ. Mà Mỹ đang phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ phá hoại Tổng Tuyển cử âm mưu chia cắt lâu dài đất nước.

Khám nhà ông, người ta tìm thấy vài thứ vật liệu in ảnh kẽm cũ rích từ trước. Chừng ấy chứng cớ đủ cho ông Phổ đi đứt! Mặc kệ những lời kêu oan của ông, ngày 29-9-1955 ông Phổ bị bắt và vào tù!

…17 năm bố anh trong tù cũng là thời gian bao nhiêu tao loạn ập xuống mái ấm gia đình này. Ngôi nhà ở 25 Nguyễn Gia Thiều của gia đình ông Phổ bị tịch thu. Bảy đứa con, đứa lớn nhất 12 tuổi, bé nhất mới 5 tháng cùng với bà nội (vợ cả cụ Vĩnh) khi ấy đã gần 80 tuổi và vợ ông, tất thảy 9 người phải chen chúc trong diện tích 18 mét vuông ở ngõ Liên Trì.  Làm gì có tiêu chuẩn tem với phiếu thời bao cấp cơ cực?  Vợ ông Phổ lúc ấy mới 35 tuổi đang làm ở một cơ quan thuộc khu Hàng Cỏ bị buộc thôi việc. Phải kiếm cách để nuôi lũ con thơ dại, bà bươn bả đi học nghề y tá. Nhưng học xong lại chẳng nơi nào nhận. Chạy vạy mãi, bà mới xin vào làm một hợp tác xã may mặc quận Đống Đa.

 Đến bữa, nhà anh Tuấn là một nồi rau tướng, khi luộc, khi quấy sền sệt với chút gạo. Nhưng mỗi khi ló mặt ra khỏi nhà là phải chạm, phải đối mặt ngay với những cái lườm nguýt của hàng phố, của chúng bạn trong lớp bố nó làm gián điệp đi tù rồi!  Học rất giỏi, nhưng cả bảy anh chị em không ai được vào đại học vì phải trĩu một cái lý lịch đen ngòm là con một tên gián điệp!?

 Cô con gái đầu, may xin vào được 10+3, sau đi dạy cũng đỡ đần cho mẹ ít nhiều. Người con trai nhớn, anh Sử không được vào  đại học, lấy máu viết đơn xin đi bộ đội nhưng không được duyệt. Xin đi nông trường trên Điện Biên nhưng mấy tháng sau bị phát hiện lý lịch có vấn đề bị đuổi về địa phương. May có tí hoa tay sau đi vẽ thuê cho Sở văn hóa. Cạy cục mãi, cô Hồng em anh Sử mới xin vào được một đơn vị TNXP đảm bảo cầu phà ở tuyến lửa khu Tư... Cô con gái thương bố ấy có bận lăn xả chặn xe một số vị chức sắc để đưa đơn từ.

 Nhưng giời cũng có mắt. Bảy đứa con, may sao hết thảy lành lặn không khuyết một ai trong những tháng năm đạn bom tao loạn ấy.

Anh Tuấn đang nói đến cái diện tích 18m2  cho 9 người ấy. Trên diện tích ấy, ba cặp vợ chồng là anh trai Tuấn, Tuấn và em trai Tuấn. Hết thảy việc cưới xin ngủ nghê, sinh con đẻ cái cũng trên cái diện tích ấy! Cái giường một duy nhất chỉ xuất hiện khi ông Phổ ra tù. Bởi khi ra tù ông mắc chứng lao rất nặng, phải một năm nằm trong bệnh viện, chẳng thể nằm đất được.

  Lại nói về ông Phổ, tòa tuyên ông 15 năm tù. Do cải tạo tốt, ông được giảm án 2 lần, quy đổi ra thời gian là 5 năm 6 tháng. Nhưng không hiểu sao, ông vẫn phải ở thêm trong trại 2 năm so với mức án cũ. Ngày 30 tháng 10 năm 1972,  ông Phổ được tự do sau 17 năm 1 tháng và 1 ngày oan khuất khi bước sang cái tuổi 56.

 Sau nhiều lần vất vả kêu nài ở các cấp có thẩm quyền phải mất đến 6 năm, ngày 28-3-1978, Tòa giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên ông vô tội và phục hồi mọi chế độ quyền lợi.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.