> Bài 1: Đội cứu trợ y tế khẩn cấp
Bài 2: Những bờ vai rung lên trong rừng cờ
Một trung tâm di tản tại Rikuzentakata. |
Trung tâm thành phố bị xóa sổ
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân ra khỏi máy bay xuống Rikuzentakata là mặt đất ngập ngụa bùn lầy và hàng núi rác rưởi. Cả khu vực này đã bị xóa sổ bởi sóng thần. Ngay cả những tòa nhà vẫn còn đứng được cũng đều biến thành đống đổ nát.
Một tòa chung cư năm tầng ngập bùn và một chiếc thuyền bị mắc kẹt ở tầng trên cùng của tòa nhà. Tôi không thể tin vào mắt mình.
Mùi gì vậy? Đó là mùi từ đám cháy trong đống đổ nát xộc thẳng vào mũi cay xè.
Cả khu vực đổ nát hỗn độn nhưng yên lặng đến ghê người. Nghe được tất cả những tiếng vang của loa phóng thanh và tiếng trực thăng của lực lượng cứu hộ của quân đội đang đảo trên bầu trời.
Tuyết rơi phủ kín lên các đống đổ nát. Tuyết lặng lẽ rơi suốt ngày đêm. Chân tôi bỗng run lập cập vì sợ hãi chứ không phải do cảm lạnh. Dù thế, tôi đã cố dành được một phút mặc niệm. Đáng ra chúng tôi nên đến sớm hơn.
Trước khi đến các vùng để di tản dần hoặc bệnh viện, chúng tôi đi một vòng thành phố.
Chỗ này từng là khu mua sắm, đây vốn là bưu điện, nơi này từng phục vụ món mì ramen tuyệt vời, đây vốn là quảng trường, trường mầm non… Tất cả đã thành đống đổ nát.
Nạn nhân còn sống sót cho biết, cơn sóng thần cao khoảng mười lăm mét tràn qua và nuốt chửng mọi thứ. Nhiều người bị cuốn trôi khi chuẩn bị, khi chạy.
Mỗi năm người Nhật chúng tôi đều có nghi lễ tôn giáo để tỏ lòng kính trọng đại dương, và chúng tôi đã luôn luôn sống với lòng biết ơn, nhưng đối với đại dương giờ đây liệu có còn lòng kính trọng? Người dẫn đường đã rơi nước mắt khi chúng tôi bước đi.
Cờ đỏ
Nhìn cận cảnh thảm họa, nước mắt tôi chực trào ra nhưng tự hứa không khóc trong bất kỳ tình huống nào. Vì vậy tôi quay mặt đi và nhìn lên trời.
Tôi bước theo người dẫn đường với những bàn tay nắm chặt lại và những bờ vai rung lên.
Gió thổi qua, một bức ảnh màu nâu đỏ và thiệp chúc mừng năm mới với hình ảnh một em bé rơi xuống chân tôi.
Cứ một hai bước lại thấy một lá cờ đỏ rung trong gió. Tôi không thể đếm nổi.
“Những lá cờ màu đỏ được cắm như vậy để đánh dấu những nơi mà thi thể đã được tìm thấy”, người dẫn đường giọng nghẹn lại.
Một bà cụ trạc tuổi bà ngoại tôi đứng trước lá cờ:
- Cô y tá từ Tokyo thân mến, từng có ngôi nhà ở đây mà sau chiến tranh, chồng tôi đã làm việc rất vất vả để xây nên. Ông chưa bao giờ bị ốm nhưng giờ ông đã chết…
Tôi bật khóc.
Y tá trưởng nhóm chạy như bay đến và kéo tôi lôi ra phía sau một chiếc xe và trách mắng tôi nặng nề. Tôi nghĩ, dù có gặp phải bao nhiêu rắc rối, tôi vẫn sống trung thực với cảm xúc của mình từ lúc này.
Trên ti vi, người ta chỉ phát cảnh quay trong một khoảnh khắc nhất định, nhưng chúng tôi nhìn thấy tất cả, tới chân tơ kẽ tóc từng chi tiết và những gì ẩn chứa phía sau hình ảnh.
Những gì tôi chứng kiến từ thực tế mà truyền hình không đưa hoặc không được hiển thị, là nơi này đã bị tàn phá thảm khốc. Khi chúng tôi đi bộ với người hướng dẫn, các lực lượng cứu hộ liên tục di dời các đống đổ nát và thường tìm thấy xác chết trong những đống bùn.
Dưới chân đội cứu hộ, một số bộ phận thi thể liên tục được tìm thấy.
Mỗi lần tìm thấy thi thể, lực lượng cứu hộ lại cùng đặt bàn tay của họ chồng lên nhau rồi cầu nguyện. Và với những gì tương tự đã chứng kiến, chúng tôi cũng siết chặt tay nhau để cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số.
Kỷ vật còn sót lại của một gia đình Ảnh chụp ngày 17-3. |
Ngày đầu ở khu di tản
Tôi đã có ngày làm việc đầu tiên khá bận rộn tại khu vực di tản. Đo huyết áp cho từng người cao tuổi, cung cấp thuốc theo tình trạng sức khỏe của họ. Ấn tượng duy nhất trong tôi là ở trung tâm lúc này có rất nhiều người già. Một bà cụ quay trở lại cầm lấy tay tôi và tôi cảm nhận sự xúc động của bà khi bà nói: “Cháu chắc cũng tầm tuổi con gái cô. Cháu có bàn tay thật ấm áp”. Bà cụ nhắm chặt mắt lại một lúc để cảm nhận.
Một ông già luôn nắm chặt hai tay và liên tục nói lời cám ơn tôi.
Một cụ ông khác, nằm liệt giường nhưng cố ngồi dậy và tặng tôi nụ cười tươi.
Trẻ em ăn cơm trong từng tô nhỏ, chậm rãi nhai từng miếng.
Một em bé được bọc trong tấm chăn ngủ ngon lành.
Trong suốt quá trình khám sức khỏe, hầu hết mọi người đều kêu: “Tôi không thể ngủ trong phòng tập thể dục”; “Tôi đã không thể liên lạc với người thân và điều đó khiến tôi mất ngủ”. Nhiều người bị huyết áp cao.
Cứ như vậy cho đến lúc trời tối, tôi không nhấc cánh tay lên được nữa. Khoảng chục khu di tản như vậy nhưng có quá nhiều khu vực và các trạm sơ cứu mà chúng tôi đã không đến thăm khám được. Sau này tôi mới biết rằng trong ngày đầu tiên, một mình tôi đã đo huyết áp cho hàng trăm người dân. Nhưng nỗ lực không bao giờ đủ bởi có rất nhiều người cao tuổi bị cao huyết áp mà tôi đã không thể đo được cho họ. Tôi làm việc liên tục giống như từ khi bước vào căn buồng lúc mờ sáng rồi bị giữ lại trong đó cho đến khi trở ra thì đã là nửa đêm.
Tại các địa điểm di tản quá chật chội, đông đúc và tất nhiên không có chỗ cho chúng tôi ngủ. Đêm đầu tiên, không phân biệt nam nữ, chúng tôi bị xếp ép vào nhau như cá mòi xếp hộp tại một căn nhà tiền chế đơn giản mới dựng cạnh nhà xác.
Cả ngày đã kiềm chế không rơi nước mắt, vì vậy tôi quấn mình trong chiếc khăn tắm và khóc cho đến sáng.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, một quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xác minh nội dung nhật ký của nữ y tá công tác tại thành phố Rikuzentakata, Iwate trong thời gian từ ngày 16 đến 23-3 là có thật. Nữ y tá này công tác tại một bệnh viện Chữ thập đỏ, nơi có nhiệm vụ hỗ trợ y tế trong các tình huống khẩn cấp và thảm hoạ. Ông này cho biết thêm, Blog đã gây tiếng vang trong cộng đồng người Nhật, giúp mọi người có cái nhìn chân thực hơn về thảm hoạ và tình cảm ấm áp của nữ y tá. Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) xác minh nội dung nhật ký đăng trên blog tiếng Nhật JKTS là có thật và được một tình nguyện viên dịch sang tiếng Anh. |
(Còn nữa)