Trong thế giới ảo

Trong thế giới ảo
TP - “Trăm năm trong cõi người ta/Cái gì không biết thì tra Google” - TS Huỳnh Văn Thông, chủ nhiệm khoa Báo chí- Truyền thông (ĐH KHXH& NV TPHCM) đã mở đầu bài tham luận bằng câu thơ “dân gian” mới mà tôi đoán chắc là do những người trẻ dùng internet nghĩ ra, để minh chứng sinh động sự thâm nhập sâu sắc của mạng toàn cầu đến đời sống xã hội.

> Lại xuất hiện clip sex của nữ sinh
> Giải mã sự nổi loạn của người trẻ
> Bắt ổ nhóm phát tán phim sex trẻ em lớn nhất thế giới

Chủ đề của hội thảo, vừa diễn ra tại Biên Hòa, Đồng Nai là “Tính tự chủ của học sinh trong thời đại đa truyền thông”là vấn đề vừa cũ vừa mới. Cũ vì ảnh hưởng to lớn của internet cả tích cực lẫn tiêu cực đã được nói nhiều và có thể nói ít ai không cảm nhận được.

Nhưng thời gian gần đây, liên tục có những sự vụ khiến dư luận giật mình, những “sự cố lộ hàng” của ca sỹ này, diễn viên nọ, clip phòng the của nữ sinh A, nam sinh B, hay những cảnh hành hạ động vật, nữ sinh đánh ghen... tất thảy đều được tung lên mạng và vô tình những điều này tích tụ thành mối ác cảm với mạng toàn cầu trong một bộ phận dân chúng, nhất là những người đã làm cha, làm mẹ.

Đặt vấn đề về tính tự chủ của học sinh hay giới trẻ trong thời đại đa truyền thông vì thế vẫn hoàn toàn là vấn đề thời sự. TS Huỳnh Văn Thông nói, chúng ta mới chỉ dạy học sinh các kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng các phần mềm... nhưng chưa ai nghĩ đến chuyện hướng dẫn học sinh sử dụng internet lành mạnh, bổ ích. Nếu có, cũng là cách huấn thị của người ngoài cuộc bằng một loạt giáo điều và khẩu hiệu.

“Nhưng người lớn không thể suốt ngày theo sát con cái họ, “cầm tay chỉ việc”trong chuyện lướt web của con cái”, một nhà nghiên cứu nói. Ông cho rằng, điều cần làm là trang bị , khơi cho học sinh, sinh viên để họ hình thành cho mình những hệ thống giá trị. Đây là kim chỉ nam hay bộ cẩm nang giúp người trẻ tự định hướng, biết phân biệt tốt, xấu trong thế giới vô hình nhưng hữu hình của môi trường internet. Tức là minh định trong thế giới ảo.

Internet nói riêng hay truyền thông đa phương tiện nói chung là thành tựu vĩ đại của nhân loại. Xét ở góc độ kỹ thuật, đó là phương tiện. Con dao cũng là phát minh, là phương tiện hữu ích của con người. Nhưng con dao cũng có thể gây ra tai họa, tùy vào mục đích sử dụng. Nhưng không vì thế mà cấm bà nội trợ, bác nông dân, bác sỹ dùng dao.

Nhà báo Phan Văn Tú, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Đồng Nai, đơn vị đồng tổ chức hội thảo nói trên cho rằng, “không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như trong cuộc sống hôm nay, truyền thông đa phương tiện bỗng dưng biến mất. Bởi nó đã trở thành một phần của cuộc sống chính chúng ta, và đặc biệt, thế hệ trẻ.

Vấn đề là những người lớn, những cơ quan có trách nhiệm và những nhà truyền thông chân chính cần biết giúp các em “sống chung với net” trong cuộc chơi truyền thông hôm nay từ nhận thức, hành vi để khai thác thế mạnh và lợi ích của công cụ ấy, môi trường ấy cho việc phát triển bản thân”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG