Trong ngày sinh Lênin, nghĩ về một chính sách

TPO - Tôi biết đến Lênin từ khi còn rất bé. Nhà tôi có bộ ảnh chất liệu lụa tuyệt đẹp in màu tại Trung Quốc đầu những năm 60, hình các vị lãnh tụ Marx, Engels, Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Bố tôi nâng niu cất trong một cái rương, khi mới 5 – 6 tuổi, tôi vẫn thường lục ra xem.

Được bố dạy cho biết đọc trước khi đi học nhân một đợt ông về phép, tôi đọc bất cứ cái gì rơi vào tay trong điều kiện nông thôn cuối những năm 60. Trong đó có một cuốn truyện tranh thơ về Lenin in màu đến giờ tôi vẫn còn nhớ nhiều đoạn: Tháng Giêng năm một nghìn chín trăm hăm bốn / Giữa mùa đông tuyết cóng nước Nga / Bác Hồ mặc tấm áo mùa thu mỏng / Đi trên đường tuyết trắng Mátxcơva / Từ Pari vượt muôn trùng sông núi / Người đến đây mong được gặp Lênin/ Vị lãnh tụ vô sản toàn thế giới / Người đứng đầu nước Xô Viết đầu tiên…

Tôi và cả một thế hệ đã được nuôi dưỡng, lớn lên trong bầu không khí có hình ảnh và tinh thần yêu quý Liên Xô, yêu quý Lênin như thế.

Lớn lên, đi học ở Liên Xô, tôi đã học và tự đọc nhiều về thân thế, sự nghiệp của ông. Tôi cũng đã hai lần vào lăng để thành kính đi qua, nhìn ông yên nghỉ trong chiếc hòm kính đã non thế kỷ.

Lần đầu, giữa những năm 80 khi còn là sinh viên. Một chuyến viếng thăm vào kỷ đông lạnh giá trong dòng người đông đúc. Đó là vĩ nhân đầu tiên tôi được đến ở một khoảng cách gần như thế mặc dù ông không còn sống.

Lần thứ hai, cách đây cũng đã 7 năm, tháng 11/2013. Trở lại Mátxcơva, tôi tò mò là không biết Lăng Lênin thế nào, và thi hài của ông lúc đó ra sao nên lại vào Lăng.

Trong ngày sinh Lênin, nghĩ về một chính sách ảnh 1 Hình ảnh Lăng Lênin nhìn từ phía ngoài (Ảnh được tác giả chụp vào ngày 20/11/2013)

Việc canh giữ Lăng và thi hài của Lênin vẫn được thực  hiện rất nghiêm cẩn mặc dù nghe nói không còn kinh phí từ ngân sách nhà nước Liên bang Nga.

Để vào Lăng, chúng tôi phải qua kiểm tra an ninh, gửi lại vật dụng cá nhân, điện thoại, máy ảnh từ chỗ cách xa hơn nửa cây số.

Vào lăng giờ không còn phải xếp hàng như xưa nhưng thời điểm tôi đến cũng không phải là quá vắng. Trong lòng Lăng, tôi thấy một không khí trang trọng với lối đi trải thảm đỏ, và tiếng nhạc nhẹ nhàng, du dương rất gợi trong không gian tĩnh lặng.

Mặc dù có tấm biển nhắc người thăm không được dừng lại, tôi vẫn dừng một chút để ngắm Lênin và thấy rằng thi hài và gương mặt ông vẫn ở tình trạng tuyệt vời, như một người đang nằm ngủ mặc dù đến lúc đó ông đã qua đời ngót 90 năm.

Phút nấn ná của tôi khiến đội bảo vệ phải bận tâm. Một viên công an từ đâu đó xuất hiện, nhắc khẽ rất lịch sự: “Xin mời đi tiếp!”.

Trong ngày sinh Lênin, nghĩ về một chính sách ảnh 2 Lênin yên nghỉ trong Lăng

Hôm nay là đúng 150 năm ngày sinh của Lênin. Tôi ngồi nghĩ về sự nghiệp và di sản của ông. Nghĩ về di sản tư tưởng, về mấy chục tập dày tác phẩm của ông mà dù học ở Liên Xô chúng tôi cũng chỉ nghiên cứu một phần cực nhỏ, giờ nhớ lại một vài mà tôi từng đến thư viện nhà trường đọc, ghi lại tóm tắt và trích dẫn một số đoạn quan trọng phục vụ cho những buổi seminar (thảo luận ở lớp, ở tổ) như Bút ký triết học, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Nhà nước và Cách mạng, Chính sách kinh tế mới, Thà ít mà tốt…

Rồi di sản Cách mạng. Một cuộc Cách mạng Tháng Mười “long trời, lở đất” và nhà nước công – nông đầu tiên trên thế giới, bước đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành nên khối XHCN, cũng là một trong những yếu tố quyết định tiến trình lịch sử nhân loại thế kỷ 20 và có ảnh hưởng lâu dài đến lịch sử nhân loại.

Di sản của ông quá to lớn để có thể nghĩ bao trùm! Tôi chỉ tập trung vào một: Chính sách kinh tế mới (NEP).

Trong ngày sinh Lênin, nghĩ về một chính sách ảnh 3 Hình ảnh Lênin tại Bảo tàng Lenin ở Phần Lan

Tôi nghĩ chính sách mà ông chủ trương và lãnh đạo áp dụng ở nước Nga Xô viết bắt đầu từ năm 1921 có nhiều cái rất giống những cải cách, đổi mới mà chúng ta đang áp dụng. Tất nhiên, tôi vừa nói một điều theo lô gíc ngược, phải nói lại là chính sách của ta có nhiều cái giống NEP thì mới xuôi.

Sau khi lãnh đạo thực  hiện chính sách Cộng sản thời chiến, bắt buộc giải tán các bất động sản ruộng đất và cưỡng ép trưng thu thặng dư nông nghiệp để ngăn chặn nạn đầu cơ lương thực, giúp chính quyền Xô Viết có nguồn lực vượt qua được cuộc Nội chiến, đến năm 1921, Lênin thấy cần phải thay đổi chính sách và đưa ra Chính sách kinh tế mới.

Nội dung của NEP là nhà nước cho phép nền kinh tế thị trường giới hạn được tồn tại. Công việc kinh doanh tư nhân nhỏ được cho phép kèm theo một số cải cách về thể chế, quy định chính trị theo hướng dân chủ hoá. Điều quan trọng nhất là nông dân Nga (chiếm đến 80% dân số) được bán lương thực thặng dư ra thị trường tự do. Nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu những lĩnh vực quan trọng mà Lênin cho là "chỉ đạo tối cao" nền kinh tế: các ngành công nghiệp nặng như than, thép và luyện kim cùng với các thành phần ngân hàng và tài chính.

Những cải cách này lập tức làm nền kinh tế Liên Xô khởi sắc. Liên Xô nhanh chóng trở thành nước sản xuất nhiều lúa mì nhất thế giới.

Tôi nghĩ NEP là mô hình đầu tiên của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như thuật ngữ mà ngày nay chúng ta dùng.

Trong ngày sinh Lênin, nghĩ về một chính sách ảnh 4 Tư tưởng Lênin: Nhân dân và Đảng thống nhất (Chữ trên pa nô)

Sau khi Lênin mất vào năm 1924, cuộc đấu tranh về đường lối trong Đảng dẫn đến việc Liên Xô chấm dứt NEP vào năm 1929 để chuyển sang mô hình kinh tế tập thể tập trung, kế hoạch hoá cao độ.

Mô kinh kinh tế tập trung, kế hoạch hoá có thể trong một thời gian ngắn giúp ban lãnh đạo tài năng, rất kiên quyết và có thể nói là dữ dội hồi đó của Liên Xô xây dựng một cường quốc có tiềm lực đủ để trụ vững và chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, nhưng tôi nghĩ nó lại cũng triệt tiêu những động lực phát triển, khiến cho chế độ Xô Viết không thể tồn tại và cạnh tranh lâu dài với chế độ ở các nước tư bản.

Nhớ và nghĩ để cảm tầm vóc vĩ đại của Lênin.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.