Trớ trêu khi vợ/chồng cùng dắt bồ vào quán cafe

Thấy chồng tay trong tay cùng người phụ nữ khác bước vào quán cà phê mà vợ không thể nói được gì vì tuy vẫn còn ở chung nhà, trên giấy tờ vẫn là vợ chồng, nhưng họ đã thỏa thuận giường ai nấy ngủ, đời ai nấy lo. Chính vợ cũng đôi lần hò hẹn với người này người kia khiến chồng tức nghẹn…

Nem - chả đụng mặt

Sau nhiều năm sống với nhau không hợp, thường xuyên chiến tranh nóng lạnh có đủ, vợ chồng chị Quỳnh Nhi (34 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) và anh Huy Vũ quyết định ly thân một thời gian.

Căn nhà đang ở là do hai vợ chồng cùng xây dựng sau khi cưới, khá rộng rãi thoải mái, nên tâm lý cả hai chưa ai muốn dọn ra ngoài thuê nhà. Tuy nhiên, trước tiên là phải giải quyết khâu… ngủ. Chắc chắn là ngủ riêng chứ không thể cứ ở chung phòng ngột ngạt như từ trước đến nay. Anh Vũ sửa soạn lại phòng làm việc thành phòng ngủ của mình. Cả hai còn thỏa thuận, cho đến khi chính thức ly hôn, trước mặt con cái, cả hai không được bày tỏ bất kỳ thái độ gì, có gì không đồng thuận thì ra quán cà phê nói chuyện. Họ cũng có kế hoạch sẽ ở chung nhà trong vòng một-hai năm, sau đó sẽ mua một căn hộ nhỏ cho anh Vũ, còn chị Nhi và hai con sẽ ở lại căn nhà này. Đến lúc đó sẽ ra tòa ly hôn. Trong thời gian này, việc ai nấy làm, đường ai nấy đi, giường ai nấy ngủ, cơm ai nấy ăn, chỉ chia sẻ chi phí nuôi con 50-50.

Thời gian đầu, chị Nhi có cảm giác như được giải thoát. Bấy lâu nay phải ngủ chung phòng khiến chị căng thẳng và mất ngủ triền miên. Còn lịch sinh hoạt của anh Vũ thay đổi hẳn. Anh đi sớm về khuya, nhiều hôm đến nửa đêm mới về đến nhà mà không cần "xin phép" vợ như trước. Những ngày đầu chị Nhi còn mặc kệ, nhưng liên tục cả tuần chị bỗng đâm lo, tối nào cũng chập chờn chờ cửa chồng… sắp cũ. Được một thời gian ngắn, chị tự nhủ, mình phải cho mình cơ hội. Thế là chị cũng bắt đầu ra ngoài đi chơi, hẹn hò bạn bè, có cả nam giới. Lần đầu tiên sau bao năm kết hôn, ra ngoài ăn tối với một người đàn ông không phải là chồng mình, cảm giác phức tạp khó tả, vừa hồi hộp vừa xấu hổ. Ngồi trò chuyện với người ta mà tim chị cứ đập liên hồi, mắt cứ ngó chung quanh như sợ ai bắt gặp. Rồi chị tự nhủ, ai thấy cũng vậy thôi, chị và anh đã thỏa thuận ly thân rồi cơ mà!

Hình như trời bất dung gian. Một buổi tối nóng bức, chị chạm mặt anh trong quán cà phê, thấy anh tay cầm tay người phụ nữ khác đi vào quán. Anh cũng nhìn thấy chị đang ngồi trò chuyện vui vẻ với một người đàn ông nơi cái góc lãng mạn có nến và hoa. Cả hai cố tỏ ra bình thản gật đầu chào nhau như hai người bạn, có vẻ hai nhân vật thứ ba không hề hay biết gì. Tối hôm đó không hiểu sao cả hai đều về sớm, không ai nói với ai một lời như mọi khi, nhưng chị Nhi có cảm giác không khí nặng nề hơn gấp bao nhiêu lần.

Trớ trêu khi vợ/chồng cùng dắt bồ vào quán cafe ảnh 1

Không thể trách cứ

Vợ chồng chị Ánh Hồng (30 tuổi, Q.Phú Nhuận) cũng ở trong tình trạng ly thân, đang còn ở chung nhà và chuẩn bị ly hôn. Dù đã thỏa thuận là không ai được can thiệp đến đời nhau, nhưng do vẫn ở chung nhà, nên việc cơm nước, giặt giũ chị Hồng vẫn lo chu đáo. Sau giờ tan sở, chị tất tả về đón con, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, loanh quanh với con chờ chồng về. Chỉ có hai điều khác là họ không còn chung chăn gối và những cuộc trò chuyện chỉ diễn ra qua tin nhắn điện thoại. Anh đi làm về, ăn trong im lặng, nếu có cần nói với nhau thì thường là câu cụt, không có chủ ngữ, nội dung chủ yếu liên quan đến con cái. Nhiều lúc thấy không khí gia đình ngột ngạt, chị cũng muốn nhanh chóng giải thoát cho xong, nhưng nghĩ lời hứa của chồng sẽ cố gắng mua cho mẹ con chị căn nhà nhỏ trong thời gian tới rồi giải quyết, chị cố kiên nhẫn chờ, vì không muốn ảnh hưởng đến sự bình yên của con.

Mùa hè vừa rồi, chị Hồng cho con đi nghỉ mát cùng cơ quan ở Mũi Né. Hai hôm trước chồng chị đi công tác chưa về. Qua tin nhắn, anh thông báo là có công trình ở Bến Tre. Khi đoàn công ty của chị đang chờ nhận phòng, chị bỗng giật thót khi thấy bóng dáng ai như chồng mình cùng một người phụ nữ khác trong khu resort. Chị vội chạy nhanh theo và suýt nữa tim chị ngừng đập khi nhận ra đúng là anh.

Chị đứng tần ngần, đầu óc quay cuồng, chưa biết xử lý như thế nào. Chẳng lẽ vào thẳng phòng đó, gõ cửa hỏi cho ra lẽ. Chị lấy quyền gì bây giờ? Nhưng cứ đứng trơ ra không làm gì thì chị không cam tâm. Chị nhắn tin: “Sao anh nói đi công tác Bến Tre? Sao anh nói dối trắng trợn như vậy? Có tôi và con ở đây, cũng may là con không nhìn thấy!”. Anh trả lời ngắn gọn: “Có gì về nhà nói. Hãy nhớ lại thỏa thuận của chúng ta”.

Cần sự rạch ròi

Một mối quan hệ đi tới thỏa thuận ly thân là đã có vấn đề nghiêm trọng, người trong cuộc thôi không chấp nhận hoàn cảnh cũ nữa, muốn tìm một giải pháp. Tuy nhiên, đã ly thân mà vẫn chung sống là điều khó, vì vẫn còn va chạm, cảm xúc bị thách thức. Nếu đó là cảm xúc tiêu cực thì càng gia tăng dị ứng, nếu vẫn còn tình cảm thì khó chịu, muốn can thiệp mà không nói nhau được nữa. Vì vậy, điều quan trọng là bản thân mỗi người phải có thái độ rạch ròi.

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm tư vấn Hồn Việt), những cuộc hôn nhân đã ly thân mà vẫn chung một mái nhà nghĩa là không đến nỗi quá bi kịch, hai người trong cuộc vẫn còn khả năng đối thoại. Vì vậy, trước khi thỏa thuận ly thân, hai người nên ngồi lại bàn bạc kỹ mọi giải pháp, mỗi người cũng nên tự vấn mình để nhìn rõ xem mối quan hệ này đã đi tới đâu. Những câu hỏi cần được đặt ra chẳng hạn như mình có thể làm gì để cứu vãn? Có muốn cứu không? Những được mất khi mỗi người một ngả? Có nên công khai tình trạng này với con cái không? Diễn tuồng “mọi việc bình thường” với con cái trong khi lòng đầy bức xúc, liệu con cái có được tôn trọng không? Hai người vẫn duy trì sự chung đụng có làm cho mình mắc kẹt trong tình cảm đang bế tắc không?

Hãy trả lời những câu hỏi đó một cách trung thực và hợp với thực tế của gia đình mình nhất. Nên giải quyết khủng hoảng hôn nhân trước khi bắt đầu mối quan hệ khác. Lao vào mối quan hệ mới lúc này, chỉ làm rối và mắc thêm sai lầm, vì khi đó tâm trạng và cảm xúc của ta ở trạng thái không bình thường, có xu hướng tìm kiếm sự bù đắp do cô đơn, yếu đuối mà không suy xét đến nhiều giá trị khác. Trốn mình trong tình cảm mới, không muốn đối mặt để giải quyết vấn đề cũ sẽ làm cho ta khó biết cảm xúc thật sự của mình với cuộc hôn nhân hiện tại. Mà đã khó nhận biết thì dễ dẫn đến những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến bản thân và cả gia đình.

Theo Phụ nữ online
MỚI - NÓNG