Nhường cơm sẻ áo
Sau sạt lở, 38 hộ dân nóc Tắk Lang (thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My) được di dời đến nơi ở mới, được bà con trong thôn nhường đất để các hộ dựng nhà tạm. Trong khó khăn bộn bề, người dân nương tựa nhau qua cơn khốn khó.
Chủ tịch UBND xã Trà Don, ông Trần Vĩnh Thơ, kể: Nhà cửa hầu như bị vùi lấp sau sạt lở, dân làng nóc Tắk Lang trắng tay chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Nhận được tin, dân làng thôn 1 và các thôn xung quanh không ai bảo ai hô hào nhau chung tay cùng sẻ chia khó khăn, cưu mang giúp đỡ bà con gặp nạn. Chỉ trong vài ngày, những bà con mất nhà cửa, tài sản được dân làng đùm bọc, không ai bị đói rét, thiếu cái ăn, cái mặc. Những căn nhà tạm nhanh chóng được dựng lên tại các địa điểm an toàn trên nền đất của các gia đình khác hiến tặng.
“Những ngày đầu, nếu không có sự đoàn kết, đùm bọc của bà con, dân làng Tắk Lang khó vượt qua được mất mát. Chính quyền hỗ trợ một phần, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tương thân tương ái của bà con trong cơn hoạn nạn”, ông Thơ cho biết.
Chị Hồ Thị Nga (32 tuổi, người Ca Dong) - một hộ dân nóc Tắk Lang - nhờ sự giúp đỡ của dân làng đến nay đã dựng được nhà tạm để ở. Căn nhà tạm bằng tôn, nứa khoảng 10m2 là công sức của dân làng, giúp gia đình chị với 5 nhân khẩu có chỗ tá túc tạm thời. Dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng gia đình chị vơi đi nỗi lo về chỗ ở sau thiên tai. “Tuần đầu tiên, cả nhà phải đi tá túc, ăn uống cậy nhờ vào bà con lối xóm. Sau đó, chính quyền hỗ trợ thêm, nên gia đình và dân làng không còn lo chuyện ăn uống nữa. Nhưng để làm lại nhà, ổn định lại cuộc sống gia đình chưa biết xoay xở thế nào, vì tài sản hầu như đã bị vùi sâu dưới đất đá”, chị Nga thở dài.
Và khi cuộc sống dần ổn định, bà con thôn 1 lại hô hào nhau chung tay đào đất, làm nền, tạo mặt bằng mới để sớm dựng nhà khi chính quyền có chính sách hỗ trợ và các đoàn thiện nguyện giúp đỡ.
Từ Trà Don, vòng qua nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) chỉ khoảng 10km thế nhưng phải mất gần tiếng đồng hồ di chuyển mới có thể tới nơi vì đường sá vẫn còn sạt lở nghiêm trọng. Nóc Ông Sinh bị xóa sổ, khiến 8 người chết, người dân còn lại được di dời về mặt bằng cách nền đất cũ khoảng 200m. Chính quyền huyện Nam Trà My đang huy động máy móc, phương tiện khẩn trương san ủi, tạo mặt bằng để dân làng làm nhà mới, kiên cố, đủ sức chống chịu, ứng phó với thiên tài để ổn định cuộc sống. Việc tạo mặt bằng, dựng nhà đang chạy đua để hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm nay.
Nhường đất lập làng
Nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) là tâm điểm thiệt hại khi bão số 9 đổ bộ vào ngày 28/10. Hai tháng sau trận lở núi kinh hoàng, 9 thi thể người dân được tìm thấy, nhưng vẫn còn 13 thi thể, trong đó có Bí thư xã Trà Leng ông Lê Hoàng Việt vẫn chưa được tìm thấy. Nỗi đau chưa biết đến bao giờ nguôi ngoai.
Tuyến đường lên trung tâm xã Trà Leng bị đứt gãy tại vị trí nóc Ông Đề đã được thông, nhưng dấu vết trận sạt lở kinh hoàng vẫn còn đó. Trên nền đất cũ của 15 hộ gia đình, một bàn thờ tạm được đặt ngay ngắn để người dân qua đường thắp hương cho những người xấu số. Những chân nhang chạy dài dọc các phiến đá lớn. Phía xa, nơi chân núi, những nấm mồ đã được xây lên, hương khói nghi ngút một góc rừng. Khung cảnh vẫn tang thương, nặng trĩu.
Sau 2 tháng trời đào, xới tung cả khu vực, cuộc tìm kiếm thi thể người mất tích tại đây đã dừng, lực lượng chính quy đã rút. Lực lượng của chính quyền địa phương vẫn triển khai tìm kiếm dọc các sông hồ, khe suối trong vô vọng. Những ánh mắt buồn u uất của dân làng vẫn hàng ngày dõi theo, ngóng chờ.
Ngày 22/12, một khu tái định cư mới được chính quyền huyện Nam Trà My khởi công xây dựng để sớm làm nhà, bố trí nơi ở cho người dân xã Trà Leng mất người thân, mất nhà cửa sau sạt lở.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: Sau sự cố thiên tai khiến cho hàng chục hộ dân xã Trà Leng bị vùi lấp, cuốn trôi nhà cửa cùng tài sản, UBND huyện đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm để lập khu tái định cư cho bà con. Đến nay, huyện đã chọn được vị trí bãi đất an toàn với diện tích 6ha. Điều khá bất ngờ là phần diện tích 6ha tái định cư cho người dân Trà Leng lại thuộc địa phận xã Trà Dơn.
"Khi biết Trà Leng gặp khó khăn về tìm kiếm mặt bằng, chính quyền và nhân dân xã Trà Dơn đã thống nhất sẻ chia, nhường 6ha đất để huyện bố trí chỗ ở cho người dân xã Trà Leng. Một nghĩa cử hết sức cao đẹp của đồng bào miền núi", ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My
Ông Mẫn chia sẻ: Khi biết Trà Leng gặp khó khăn về tìm kiếm mặt bằng, chính quyền và nhân dân xã Trà Dơn đã thống nhất sẻ chia, nhường 6ha đất để huyện bố trí chỗ ở cho người dân xã Trà Leng. Một nghĩa cử hết sức cao đẹp của đồng bào miền núi.
Khu vực tái định cư sẽ được phân 80 lô đất, mỗi lô có diện tích 200m2 để các hộ dân xã Trà Leng mất nhà, sống trong vùng nguy cơ cao dựng lại nhà, di dời đến đây. Trước mắt, UBND huyện sẽ hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 (xã Trà Leng) ở khu tái định cư với mức 150 triệu đồng/hộ từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn ủng hộ của mạnh thường quân cả nước. Đồng thời, UBND huyện sẽ tập trung đầu tư hạ tầng dân sinh như điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông… để bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Theo ông Mẫn, cùng với sự chia sẻ của nhân dân cả nước, sau thiên tai, mất mát đau thương cuộc sống người dân Trà Leng đã dần ổn định. Ngoài hỗ trợ về vật chất, việc ổn định tâm lý, tinh thần của người dân sau thảm họa là một việc chính quyền đang nỗ lực hết mình. “Tai ương quá khủng khiếp, khó khăn nhất của chính quyền lúc này là xoa dịu, ổn định tâm lý cho bà con để tránh những hệ lụy về sau”, ông Mẫn cho biết.