Không còn sợ tiêm
Ghé UBND xã Phước Lộc, hỏi chuyện bạch hầu của 10 năm trước, ông Hồ Văn Long, Phó Chủ tịch xã hồ hởi nói: “Bạch hầu đã lùi xa. Bà con nay tiêm phòng đầy đủ. Dân làng không còn bỏ chạy vì sợ tiêm như trước đây”.
Vẫn nhớ như in gần 10 năm trước, khi dịch bùng phát, cánh phóng viên chúng tôi có mặt ở tâm dịch bạch hầu thôn 8A, 8B sớm nhất để đưa tin. Những chuyến xe cứu thương chở người bệnh, người có dấu hiệu bệnh đi cách ly chữa trị, lần đầu tiên xuất hiện, hú còi inh ỏi núi rừng làm bà con vừa hoang mang vừa tò mò.
Để khám, tiêm phòng cho bà con đồng bào Bh'noong nơi đây, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh đã vào tận thôn 8A, 8B trực tiếp vận động, rồi gấp rút chiếu phim về tiêm chủng để trực quan sinh động cho bà con xem. Máy chiếu với màn hình lớn được dựng lên. Tối đó, dân làng lần đầu tiên quây tụ để xem cảnh người đồng bằng chích ngừa. Sáng kiến này lập tức có hiệu quả, để hôm sau, dân làng đã bắt đầu để nhân viên y tế tiêm ngừa, không còn bỏ chạy lên rừng khi được thông báo tiêm.
“Dạo đó, anh em cán bộ xã được yêu cầu về thôn, vén áo tiêm trước mặt dân để bà con tin và làm theo. Với người dân vùng cao đó là cả một quá trình thay đổi không dễ gì làm được trong một sớm một chiều”, ông Long cho biết.
Thời điểm dịch bùng phát, những cư dân của núi rừng tin vào thần linh tổ chức cúng bái linh đình, chính quyền vã mồ hôi vận động. Ông Long cho biết: Bao đời dân làng sống giữa núi rừng, thiên tai dịch bệnh chết chóc nên hủ tục đã ăn sâu vào tâm thức của người dân. Dịch bạch hầu bùng phát, người chết sau khi đau họng, cổ họng sưng to càng làm người dân tin đó là do thần linh trách quở nên nhiều nhà cúng. Việc tâm linh chính quyền không thể can thiệp mà chỉ vận động.
Hóa giải vùng đất dữ
Vào thôn 2 giữa trưa, màu xanh của cây cối đã phủ lên những mảnh vườn, ngôi làng không còn trơ trọi giữa đất đá nham nhở như trước đây. Tiếng trẻ thơ nô đùa, xen lẫn tiếng nhạc xập xình, bản làng giữa núi rừng Trường Sơn thêm sức sống mới.
Hồ Thị Não bên người cháu Hồ Văn Tường mồ côi mẹ sau dịch bạch hầuẢnh: Nguyễn Thành |
Ngay đầu lối vào thôn 2, khu vườn của vợ chồng chàng trai trẻ Hồ Văn Đức 27 tuổi um tùm cây trái. Gà quấn đầy chân, Đức nở nụ cười hiền khô tiếp khách xa ghé nhà. Xuống thành phố Tam Kỳ học nghề điện nhưng không xin được việc, không có vốn, Đức về quê lập gia đình rồi dẫn vợ con vào lập nghiệp đã được 2 năm nay. Hỏi chuyện dời nhà từ trung tâm xã vào vùng đất từng ám ảnh chết chóc để khởi nghiệp, Đức cho biết: Trước đây, nhiều người bảo vùng đất này là đất dữ nên có dịch bệnh, người chết nhưng Đức không tin. Nhiều người tính chuyện rời làng đi nhưng Đức suy nghĩ khác. Đức bảo, đất đầu thôn 2 khá bằng phẳng, gần khe suối, có địa thế phù hợp để trồng trọt, chăn nuôi nếu chịu khó, đất sẽ không phụ lòng người.
Hơn 2 năm về làng, Đức lấy ngắn nuôi dài, trồng chuối, nuôi gà, lợn để dần ổn định kinh tế gia đình. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm tòi đến nay mô hình chăn nuôi của Đức đã bước đầu cho thu nhập. Giống gà bản địa to hơn nắm tay, nặng không quá 1 kg, được Đức nhân giống tại nhà đang giúp vợ chồng trẻ có nguồn thu ổn định.
Thôn 2, xã Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) sạch đẹp giữa núi rừng Ảnh: Nguyễn Thành |
Vợ chồng Hồ Thị Não (26 tuổi) và Hồ Văn Lý (27 tuổi) cùng nhóm thợ vừa động thổ đào móng để bắt đầu xây nhà kiên cố trên nền nhà cũ. Hai vợ chồng tích góp được 40 triệu đồng, các chính sách, chương trình của Nhà nước hỗ trợ thêm 60 triệu, nên vợ chồng quyết định làm nhà để ổn định cuộc sống, không lo mưa bão, sạt lở.
Gần 10 năm trước, dịch bạch hầu đã cướp đi tính mạng của 3 anh, em ruột của Lý là Hồ Văn Xe, Hồ Thị Nảy và Hồ Văn Quý. Cùng lúc mất 3 người thân, ám ảnh bệnh tật, ban đầu Lý và gia đình tính chuyện dời làng đi nơi ở khác. Nhưng được chính quyền vận động, trạm y tế tiêm phòng, khi ổ dịch bạch hầu được dập, hai vợ chồng và con cái khỏe mạnh nên đã thay đổi ý định. Đến nay, cuộc sống của hai vợ chồng đã ổn định nhờ trồng trọt và chăn nuôi.
Bà Hồ Thị Nỉ, Trưởng thôn 2, chia sẻ: Sau dịch bệnh, thiên tai, cuộc sống người dân đang dần đổi thay. Điện lưới, đường bê tông đã được đầu tư xây dựng vào tận từng nóc nhà. Internet, điện thoại thông minh cũng đã có, giúp người dân tiếp cận với bên ngoài nhiều hơn, thay đổi được nhận thức rất nhiều. “Dân đã không còn sợ chích ngừa, ai đau ốm thì đến trạm xá, bệnh viện chứ không cúng bái như trước nữa”, bà Nỉ cho biết.
Quấn lấy hai vợ chồng là cậu nhóc Hồ Văn Tường nay 10 tuổi. Tường chính là con trai của chị Hồ Thị Nảy, chị gái của Lý. Ngày chị Nảy mất vì bạch hầu, Tường còn đang bế trên tay. Não nhớ lại, ngày đó chị mất, Não phải bồng cu Tường đi khắp các thôn xin sữa bú. Nhưng ngặt nỗi, bà con sợ lây dịch bệnh nên nhiều người ngại, tìm cách từ chối. Để có tiền nuôi cháu, Não phải kêu gọi quyên góp từ dân làng để mua sữa về cho cháu uống. Mẹ mất, bố đi lấy vợ và đi ở nơi khác, Tường sống cùng gia đình vợ chồng Não từ bé đến nay, được ăn học như bao đứa trẻ khác. Tường giờ đã xem cả hai là bố mẹ của mình.
Hồ Văn Lý kể lại chuyện mất người thân do dịch bạch hầu cách đây gần 10 năm trước |
“Nó lớn lên bằng tình thương yêu, đùm bọc của dân làng. Cháu sớm chịu nhiều thiệt thòi, dù cùng lúc nuôi 3 đứa con nhưng 2 vợ chồng vẫn luôn dành hết yêu thương cho cháu. Chỉ mong cháu và các con sẽ được học hành đến nơi để thay đổi số phận, tương lai tươi sáng hơn”, Não cho biết.