Mẹ đang bận, đã bảo đừng đến gần, cu cậu cứ rón rén đến. Mẹ đe: Lại mon men đến đấy. Cu cậu lấy được từ mon men. Nhưng vài ngày sau, cậu lại lảng vảng đến gần mẹ, vừa cười cười làm thân, vừa nói, nhưng nói ra thì lại thế này: Mẹ ơi, con men mon đến mẹ.
Men mon. Rõ là một cách nói ngược.
Tôi cứ hình dung, khi ở trường tiểu học, cu cậu và các bạn có lúc sẽ chơi đùa với chữ. Chúng sẽ bày ra trò tìm những từ có thể nói ngược. Bên A sẽ xướng lên một từ, nếu có thể nói ngược thì bên B phải đáp lại bằng từ nói ngược đó. Nếu đấy là từ không thể nói ngược mà bên B cứ liều đáp thì B thua một điểm. Rồi đến lượt bên B xướng lên một từ cho A đáp. Cứ thế.
Nó sẽ tương tự thế này:
A: Bảo đảm. B: Đảm bảo.
A: Trò chuyện. B: Chuyện trò.
A: Yêu thương. B: Thương yêu.
A: Mơ mộng. B: Mộng mơ.
Đấy là những từ có thể đảo ngược vị trí mà ý nghĩa vẫn tương tự. Giống như từ mênh mông sau đây:
Để chiều buồn mông mênh mênh mông
Thôi còn còn gì ước mong?
(Lời bài hát Sang sông, Phan Huỳnh Điểu)
Còn đây là những từ mà nếu đảo ngược vị trí, thì bên đáp sẽ bị mất điểm:
Sâu sắc - Sắc sâu.
Lâm ly - Ly lâm.
Kể ra mấy ví dụ như vậy, để dẫn đến việc tôi đã được một trận bất ngờ thế nào khi thấy phụ đề tiếng Việt trong một bộ phim ca nhạc, dựng theo tác phẩm kinh điển của Pháp. Người dịch đã cố ép từ để cho hợp với nốt nhạc, họ tự lý sự rằng lời ca phải chấp nhận ép vào khuôn của giai điệu:
Trước gian nan em không hề núng nao…
Em với anh một lời kết cam…
Trong khoảnh khắc đầy hân hoan,
sướng sung…
Có thể có độc giả phải cau mày. Còn tôi thì vừa xem phim ấy vừa cười phá lên, dù trên màn ảnh các nhân vật đang rên rỉ khóc than (than khóc). Sự làm mới từ ngữ của người dịch này đúng là theo kiểu tạo chữ của chú bé kể trên: “Men mon con đến bên mẹ”.
Nhân tiện nói chuyện lời ca ép vào nốt nhạc. Tiếng Việt phức tạp ở chỗ nhiều dấu nhiều thanh, rất nhiều khi làm khó cho nhạc sĩ. Lời ca không chỉ biểu đạt nội dung, không chỉ biểu đạt cảm xúc và tư tưởng, mà lời ca còn phải hợp với thanh với dấu. Không thế thì sẽ thành ngọng như ông Tây nói tiếng Việt. Hãy cùng nhau nhớ lại một số lời ca không khớp dấu, chỉ là nhân chuyện cho vui:
Đoàn Vế Quốc quân một lần ra đi…
Hàng Đào ríu rít Hàng Đương, Hàng Bạc, Hàng Gái (làm gì có Hàng Đương và Hàng Gái nhỉ).
Thôi ngù đi em, mưa ru em ngù, tay em kết nù, nuôi trọn một đời…
Chi tai cai dong sông quê suốt tháng năm cứ rọi núi Hồng… (sáu âm tiết đầu giống như một cô Tây ngòng ngọng tiếng Việt: chỉ tại cái dòng sông quê).
Cũng chỉ cần gợi ra đến thế, người đọc sẽ nhớ lại và nối dài một danh sách những câu ca có thể làm ta cười, có thể làm ta ưu tư, tùy theo.