'Trò chơi chiến tranh' mới của IS

Một trò chơi chiến tranh mới của IS, có thể giết chết hàng chục nghìn người đồng thời gây di hại đến vài chục năm sau.

Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4 vừa diễn ra tại Washington D.C, Mỹ, cả Tổng thống Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đều cùng lên tiếng cảnh báo về "một trò chơi chiến tranh mới do IS tổ chức, có thể giết chết hàng chục nghìn người đồng thời gây di hại đến vài chục năm sau". "Trò chơi chiến tranh" này chính là những chiếc máy bay không người lái (drone) mang theo chất thải hạt nhân.

Lời cảnh báo tương tự cũng được một tổ chức tình báo tư nhân đưa ra cùng với nhận định: Công nghệ rẻ tiền và dễ sở hữu như drone đặc biệt rất thích hợp cho những nhóm khủng bố nhỏ có nguồn tài chính ít ỏi đang ẩn náu kín đáo ở Mỹ và các nước phương Tây.

Mua drone dễ như mua máy bay đồ chơi

Ở Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, drone được bán tự do. Phần lớn những loại drone này nặng từ 6-10kg, có tầm hoạt động thấp, bán kính điều khiển chỉ khoảng 1,5km, cao độ dưới 200m, tốc độ bay tối đa từ 40-60km/giờ.

Năm 2015, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành quy tắc cập nhật cho các drone, trong đó người sử dụng không cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, và được bay cao tối đa 120m. Bên cạnh đó, drone có quyền bay ở bất cứ nơi nào trong toàn nước Mỹ ngoại trừ những vùng cấm bay, các căn cứ quân sự và một số thành phố lớn, nơi đã có quy định cấm sử dụng drone. Tuy nhiên, người điều khiển drone chỉ được bay vào ban ngày và phải giữ cho nó nằm trong tầm nhìn - nghĩa là không quá 1km.

Để có giấy phép điều khiển drone, chỉ cần đăng ký trên trang web của FAA kèm theo 5 USD tiền lệ phí. Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy ở Mỹ hiện có khoảng 1,4 triệu chiếc drone đang hoạt động, chỉ riêng trong năm 2015 đã có khoảng 700.000 chiếc drone được bán ra.

'Trò chơi chiến tranh' mới của IS ảnh 1

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang yêu cầu những người sử dụng drone giải trí phải đăng ký chi tiết thiết bị, song những quy định về sự sở hữu những chiếc drone nặng hơn 25kg vẫn chưa được ban hành. Ở Anh, nhà chức trách yêu cầu những địa điểm nhạy cảm, như sân bay, toà nhà chính quyền, cảng, nhà máy điện hạt nhân và mạng lưới cung cấp điện, phải được quy định là những "vùng cấm bay" và mọi chiếc drone phải có firmware để tự động khoá hệ thống điều khiển không cho nó bay vào những khu vực này.

Trong khi đó, người ta có thể dễ dàng mua những chiếc drone trên các trang mạng như Amazon với giá chỉ vài nghìn USD. Như chiếc Owl Eye (mắt cú) chẳng hạn, bán kính điều khiển của nó khoảng 1,5km, bay cao tối đa 300m, tốc độ 60km/giờ, hoạt động trên không liên tục 1 tiếng đồng hồ và có thể mang theo một khối lượng nặng 3kg.

Thủ tướng Cameron nói: "Cho tới nay, chúng tôi đã có nhiều bằng chứng về việc IS dự tính tiến hành các cuộc tấn công bằng drone vào các thành phố ở Anh, và những kẻ khủng bố mà chúng ta đang phải đối mặt muốn giết càng nhiều người càng tốt thông qua vũ khí bẩn". Chất thải hạt nhân dạng bột được nó phun xuống một thành phố hay thị trấn nào đó và hậu quả là cư dân ở những nơi ấy sẽ phải di tản đi nơi khác trong nhiều năm, chưa kể một số bệnh ung thư sẽ phát sinh nếu hít thở hoặc ăn uống những thực phẩm có dính chất thải này.

Phát biểu của ông Cameron không phải là không có cơ sở bởi lẽ cảnh sát đã thu được tại nơi ở của 2 trong số những kẻ đánh bom tự sát xảy ra ở thủ đô Brussels, Bỉ vừa qua là Ibrahim và Khalid El Bakraoui, có những đoạn video quay bằng drone, ghi lại toàn cảnh nhà riêng, mọi chuyện đi lại của giám đốc chương trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân Bỉ và nơi chứa chất thải hạt nhân Flanders.

Năm 2014, lúc chiếm thành phố Mossul, Iraq, IS đã lấy được gần 40kg uranium cấp thấp tại Đại học Mosul. Mặc dù các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng, độc tính của số uranium này rất hạn chế nhưng nếu IS sử dụng trong cuộc tấn công, nó sẽ gây ra những hoảng loạn tâm lý nghiêm trọng. Bên cạnh đó, có những bằng chứng cho thấy thông qua mạng Internet, IS đã mua được chất thải hạt nhân từ một số cơ sở y tế. Vài vụ mua bán như vậy đã bị các cơ quan tình báo Anh, Mỹ phát hiện và ngăn chặn nhưng cũng có những vụ trót lọt.

Một quan chức an ninh Anh cho biết: "Kịch bản là một tên khủng bố giả như chủ của một nông trại, dùng drone để kiểm tra vườn cây của mình nhưng thực tế là phát tán chất thải hạt nhân. Qua những tài liệu thu được, chúng tôi biết IS đang có kế hoạch mua những loại drone thông dụng, ít bị để ý".

Ông Chris Abbott, giám đốc điều hành của nhóm phân tích tình báo Anh Quốc Open Briefing đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ IS sử dụng drone vào những cuộc tấn công khủng bố. Theo Open Briefing, hiện đã có những chiếc drone dễ tiếp cận với chi phí thấp mà những chiến binh IS nằm ẩn mình ở các quốc gia phương Tây - bị hạn chế về nguồn lực và năng lực - có thể mua được.

Ngoài việc mang chất thải hạt nhân, drone công suất lớn còn có thể  mang "bom ống", chứa từ 5-10 kg chất nổ. Một vụ khủng bố bằng một loạt những chiếc drone sẽ gây hậu quả chẳng khác gì nhiều phần tử đánh bom tự sát tấn công cùng một lúc vào nhiều mục tiêu tại cùng một thời điểm.

Làm cách nào vô hiệu hóa drone mang "bom bẩn" hoặc chất nổ?

Nhóm Open Briefings mô tả một kịch bản khủng khiếp: IS sẽ phóng một loạt những chiếc drone nhỏ bé tấn công vào một sự kiện thể thao lớn như, thả xuống nhiều thiết bị nổ vào đám đông bên dưới mặt đất. Nhóm của Abbott bao gồm nhiều cựu chuyên gia quân sự và sĩ quan tình báo, chuyên theo dõi sự phát triển của thiết bị drone trong vài năm trở lại đây. Những gì mà nhóm của Abbott nhìn thấy là công nghệ rẻ tiền và dễ sở hữu đặc biệt rất thích hợp cho những nhóm khủng bố nhỏ có nguồn tài chính ít ỏi cũng như khả năng hạn chế đang ẩn náu kín đáo ở Mỹ và phương Tây.

Abbott khẳng định: "IS đã sử dụng drone ở Iraq và Syria để thu thập thông tin tình báo hết sức thành công. Bọn chúng hiện đang cạnh tranh trực tiếp với Al Qaeda và ấp ủ âm mưu tấn công một số mục tiêu phương Tây. Một cuộc tấn công drone vào sự kiện thể thao lớn sẽ gây hậu quả cực kỳ khủng khiếp. Những chiếc drone của IS sẽ được trang bị camera cho phép bọn chúng quay phim cuộc tấn công đang diễn ra và sau đó đưa hình ảnh lên Internet để tuyên truyền".

'Trò chơi chiến tranh' mới của IS ảnh 2

Chris Abbott, Giám đốc điều hành của nhóm phân tích tình báo Open Briefing.

Hồi tháng 1/2016, nhóm của Abbott đã công bố một báo cáo thông qua Dự án Kiểm soát từ xa đặt trụ sở tại thành phố London nước Anh, trong đó phân tích những chiếc drone cỡ nhỏ rất dễ được sở hữu như thế nào cũng như bàn luận về khả năng của bọn khủng bố. Báo cáo đã thúc đẩy các nhà lập pháp Anh gấp rút đề ra biện pháp chống lại chúng. Tuy nhiên, Abbott cảnh báo: "Nếu bắn hạ những chiếc drone trên bầu trời trong môi trường đô thị hay trên sân vận động đông người thì nguy cơ thiệt hại là rất cao".

Ngoài ra, Abbott cũng đề cập một chiếc drone có thể đe dọa mục tiêu giá trị cao như là lãnh đạo chính trị. Năm 2013, một chiếc drone nhỏ mang camera hạ cánh xuống ngay trước mặt Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà đang phát biểu tại cuộc mít tinh ở Dresden. Chiếc drone thuộc sở hữu của tổ chức gọi là German Pirate Party được sử dụng để chống đối chính sách gián điệp của chính quyền Đức.

Hồi tháng 4/2015, một chiếc drone nhỏ mang mẫu cát phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukishima của Nhật Bản hạ cánh trên mái toà nhà văn phòng Thủ tướng Abe Shinzo ở Tokyo.

Chris Abbott lập luận rằng, những cuộc tấn công drone có mục tiêu và được chuẩn bị chu đáo sẽ rất khó ngăn chặn được. Cho dù hệ thống phòng thủ có thể vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường GPS của một chiếc drone, bọn khủng bố vẫn có thể phóng nó từ xa như một tên lửa hành trình để diệt mục tiêu.

'Trò chơi chiến tranh' mới của IS ảnh 3

Những chiếc drone loại này có thể mua dễ dàng qua những trang mạng.

Giới chuyên gia an ninh tin rằng, IS đã thu được khoảng 41kg uranium mức thấp từ Đại học Mosul ở Iraq sau khi chúng chiếm được thành phố này hồi năm 2014. Một sự thật khác không thể chối cãi là vật liệu phóng xạ bị "người bên trong" tuồn ra từ cơ sở y tế và bán cho bọn khủng bố thông qua "web đen" bí mật trên Internet.

Theo các chuyên gia IAEA, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, có khoảng 2.800 vụ buôn bán trái phép, sở hữu bất hợp pháp và mất cắp các nguyên liệu hạt nhân.

Thực tế nêu trên khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande phải lên tiếng: "Nguy hiểm lớn nhất là việc các tổ chức khủng bố như IS có thể sở hữu các vật liệu để chế tạo bom bẩn. Nhưng sự nguy hiểm không phải nằm ở chỗ chúng ta đánh giá quá cao các mối đe dọa, mà là coi thường quản lý các chất thải hạt nhân".

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG