Phía bên dòng Kênh Tẻ, con đường cập sông Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM tấp nập những gánh hàng hoa cho ngày 8/3. Lom khom giữa nhốn nháo người bán, người mua là những nữ cửu vạn chuyên nghề bốc vác thuê. “Cả đời tôi chưa bao giờ biết đến ngày này”- chị Lê Thị Thanh Thúy, làm nghề khuân vác ở khu vực Kênh Tẻ, buồn bã nói.
10 tấn đè vai mới đủ ăn
Cứ vào khoảng 9 giờ sáng hằng ngày, đường Trần Xuân Soạn lại tấp nập chị em cửu vạn. Nơi đây, mấy mươi năm nay là điểm đến của hàng trăm tàu thuyền, sà lan chở hàng hóa cập vào. Nghề bốc vác có từ đó. Họ chủ yếu khuân vác phân bón từ các sà lan ở miền Tây về lên các xe tải và ngược lại.
“Làm gì có ngày 8/3 với chúng tôi vì đâu có ngày nghỉ. Chúng tôi mà nghỉ thì lấy gì nuôi gia đình, con cái. Đối với chúng tôi, chỉ cần ngày nào kiếm về đủ tiền trang trải cuộc sống cho cả nhà thì đã là ngày 8/3 rồi”.
Nhắc đến câu chuyện vào nghề của mình, chị Thúy chỉ mỉm cười cho rằng đây là cái duyên. Năm 20 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị phải làm đủ nghề từ giúp việc nhà, phụ bán quán ăn,… Nhưng dù có làm thường xuyên cũng không đủ ăn. Một lần được người bạn giới thiệu, chị đến xin tham gia một nhóm lao động khuân vác “bán sức” để kiếm tiền. Lúc bấy giờ, chỉ có mỗi chị là nữ xin vào nên các anh đều ái ngại.
“Một anh kêu tôi thử vác một bao phân bón xuống ghe hàng để thử “tay nghề”. Lúc đó, chưa quen, nên tôi bị đuối sức. Thấy tôi không được khỏe mạnh như cánh đàn ông, nhiều người khuyên đừng chọn việc này. Nhưng sau khi nghe kể về hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, các anh đã mềm lòng chấp nhận cho tôi vào nhóm”- chị Thúy kể lại. Ban đầu họ cho chị khuân vác trọng lượng nhỏ, làm việc cũng cầm chừng nhưng sau đó quen việc thì tăng dần khối lượng. “Đến bây giờ, tôi có thể làm ngang tầm với các anh ở đây” – chị Thúy khoe.
Phải mang vác 50kg với số lượng lớn là công việc hằng ngày của các chị
Cũng theo chị Thúy, nghề khuân vác không hề nhẹ nhàng và đơn giản như người đứng ngoài thấy. Nếu chỉ vác 1, 2 bao thì không xá gì. Hằng ngày, phải vác vài trăm bao, mỗi bao có trọng lượng 50kg thì đó là một công việc vừa phải đòi hỏi sức khỏe và sức bền của người cửu vạn.
“Lúc đầu vào nghề, tôi phải khuân vác những hàng nông sản, rồi hàng hóa… bất kỳ thứ gì miễn sao có tiền để trang trải cho cuộc sống. Có khi chưa quen, ban đầu chỉ làm được một buổi còn một buổi thì nghỉ do quá đuối sức. Có đêm về nhà, bị đau nhức bả vai đến mất ngủ. Rồi bong gân, trật khớp do mang vác nặng cũng là điều không xa lạ khi vào nghề này”- chị tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Thuyền, 47 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang, cũng có thâm niên trên 20 năm mưu sinh bằng nghề cửu vạn. Một ngày, chị không nhớ mình phải vác bao nhiêu bao tải phân bón. Chị kể, làm khuân vác sướng nhất là vào mùa nắng, mặc dù nóng bức và bị đen da nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với mùa mưa.
“Khi trời mưa ẩm ướt, việc di chuyển trên những thanh ván để xuống sà lan rất khó vì hay bị trơn trượt”- chị Thuyền kể. “Có lúc mưa trơn trượt, khi vác xuống sà lan thì bị trượt té, làm bao phân rơi xuống kênh. Lúc đó, mình phải bù tiền cho người ta. Vậy là cả ngày hôm đó không kiếm được ra tiền mà còn phải mất thêm tiền” - chị nhớ lại.
Theo các cửu vạn, họ thường làm khoán. Một xe tải chở phân bón trung bình khoán cho một nhóm cửu vạn có giá 800.000 đồng. Số tiền này, khi hoàn tất sẽ được chia lại cho từng thành viên trong nhóm. Theo anh Nguyễn Thành Lâm, một nam cửu vạn nơi đây, tiền sẽ được tính theo đơn vị tấn, mỗi tấn được khoảng trên dưới 20.000 đồng.
“Vì vậy, để kiếm khoảng 200.000 đồng/ngày, chị em cần phải vác đủ 10 tấn hàng. Nếu muốn có thêm tiền thì phải vác nhiều hơn nữa”- anh Lâm cho biết. Còn chị Thuyền cho rằng trung bình mỗi này chị em ở đây kiếm được chừng 150.000 – 200.000 đồng. Nếu mỗi ngày may mắn, làm cật lực thì kiếm được tối đa 300.000 đồng.
Gánh nặng đôi vai, gánh nặng gia đình
Nỗi thất vọng, khi chủ hàng không cần khuân vác bằng sức người
Dù thời đại công nghiệp hóa, nhiều chủ xe, tàu thuyền và sà lan trang bị hệ thống băng chuyền tải tự động. Nhưng nghề cửu vạn vẫn chưa “chết” hẳn. Theo chị Thúy, họ dùng băng chuyền để giảm sức người dần, lượng người có nhu cầu về khuân vác cũng giảm đi, chuyển sang nghề khác nhưng may mắn không phải chủ thuyền nào cũng có thể làm băng chuyền tự động. “Thế là mình còn việc để làm”- chị nói và chia sẻ thêm: “Nhưng sợ một ngày nào đó, người ta không còn cần khuân vác nữa thì không biết làm gì để nuôi gia đình, con cái”.
Khi được hỏi điều gì níu giữ chị với nghề nhất, chị Thúy chỉ trả lời ngắn gọn: “gia đình”. Cũng vì hoàn cảnh éo le, cơ cực khiến chị làm nghề này. Và cũng vì chính gia đình đã níu giữ chị sống tiếp với nghề. Năm 25 tuổi, chị gặp anh rồi kết hôn. Anh là một thương binh xuất ngũ, nhưng rồi khi trở về, anh bị thất lạc giấy tờ và đến nay không nhận được sự trợ cấp đối với thương binh. Rồi một ngày, anh bị viêm phổi nặng và mất khả năng lao động. Gia đình với 4 miệng ăn giờ chỉ trông chờ vào đôi vai chị gánh vác. Hai con đang tuổi ăn, tuổi học đó là điều khiến chị nhiều đêm trăn trở.
“Nhiều khi Tết đến, muốn mua vài bộ đồ mới cho chồng, con mà không có tiền. Lúc đó buồn tủi ghê lắm. Vì quanh năm chỉ làm đủ ăn qua ngày. Thấy con cái thua thiệt so với bạn bè, mình khổ tâm. Nhiều đêm nghĩ có vậy mà trào nước mắt nhưng cũng không biết làm cách nào khác” - chị Thúy ngậm ngùi kể.
Lo cho cuộc sống, lo cho miếng ăn của gia đình là điểm chung nhất của những người phụ nữ làm nghề bốc vác ở đây. “Có những khi về nhà, hay tin con cần tiền đóng học là mình có động lực để cố gắng vác nhiều hơn, kiếm thêm đồng tiền về để lo cho con ăn học”- chị Hồ Thị Duyên, một cửu vạn, nói. Đối với các chị, gánh nặng đôi vai đang gánh vẫn còn quá nhẹ so với gánh nặng gia đình. “Miễn sao con chóng thành tài, sống có ích và không đi vào con đường của cha, mẹ chúng là cảm thấy an ủi rồi”, chị Duyên bộc bạch.
Theo chị Nguyễn Thị Thuyền, mấy năm trước khu này nữ khuân vác rất nhiều nhưng có một số không trụ nổi nên phải chuyển công việc khác. “Kể ra nghề này quá nặng nhọc, nhưng biết làm gì bây giờ, vì đã quen rồi”- chị Thuyền, nói. Theo chị, làm việc riết rồi thành quen. Ngày nào không mang vác là cảm thấy uể oải, khó chịu lắm! Nhưng dù có nặng nhọc vẫn mong có việc để làm, kiếm tiền. “Có những ngày may mắn nhưng cũng có ngày không có hàng, nhiều chị em ngồi đợi từ sáng đến chiều lòng buồn rười rượi. Coi như hôm đó không kiếm được đồng nào” - chị Thuyền tâm sự.