Triều Tiên thử hạt nhân, Trung Quốc càng rơi vào thế khó

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hôm 23/4. Ảnh: Rodong Sinmun
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hôm 23/4. Ảnh: Rodong Sinmun
TP - Sau khi CHDCND Triều Tiên bất ngờ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và cũng là vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay, Trung Quốc có thể sẽ gặp những thách thức phức tạp chưa từng thấy trong chính sách với nước láng giềng “khó bảo”, với Hàn Quốc và Mỹ, giới quan sát nhận định.

Vụ thử hạt nhân hôm qua của Triều Tiên được coi là cú giáng mạnh vào Trung Quốc - nước đồng minh lớn duy nhất và đối tác kinh tế chính của Triều Tiên, khi Bắc Kinh ngày càng bị chỉ trích là không làm đủ để ngăn cản chương trình tên lửa và hạt nhân cũng như các hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng.

Giờ đây, mối quan hệ thân thiết kéo dài 3 thập kỷ tiếp tục xuống dốc, dù đã có những nỗ lực hàn gắn quan hệ kể từ chuyến thăm đến Bắc Kinh vào tháng 6 vừa qua của ông Ri Su-yong - Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và cũng là cựu Bộ trưởng Ngoại giao.

Với đà tiến triển nhanh chóng trong phát triển năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng, vụ thử lần này sẽ giúp củng cố logic đằng sau kế hoạch Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa đến Hàn Quốc, giới chuyên gia và quan chức nhận định. Đối với Bắc Kinh, lời phản đối của họ trước việc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được đưa đến ngay cửa nhà họ đang mất sức thuyết phục. Từng có nhiều lo ngại rằng, việc Trung Quốc phản đối dự án tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc có thể dẫn đến chia rẽ trong sự thống nhất của cộng đồng quốc tế chống lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo vào tháng trước, Bắc Kinh gần như đã ngăn cản những nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm đưa ra biện pháp đáp trả, nhằm giải quyết vấn đề THAAD. “Đây thực sự là tình thế thất vọng đối với Trung Quốc khi Triều Tiên đã dội gáo nước lạnh vào tâm trạng hân hoan sau hội nghị thượng đỉnh G20”, báo Hàn Quốc Korea Herald dẫn lời ông Choi Kang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Asan, Hàn Quốc, nói trong một cuộc hội thảo tại Seoul.

“Trung Quốc đến nay vẫn giữ thái độ dè dặt trong thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên. Nhưng với vụ thử lần này, không khí đang nghiêng về phía thắt chặt trừng phạt, và sẽ khó để Trung Quốc giữ nguyên quan điểm như trước đây tại Hội đồng Bảo an”, ông Choi nhận định.

Sau khi Triều Tiên thông báo thử hạt nhân hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng đưa ra tuyên bố tái khẳng định quan điểm “kiên quyết phản đối” Triều Tiên phát triển hạt nhân, “coi thường” cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh sẽ “tích cực tham gia” các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an tại New York vào tối 9/9 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hồi tháng 1, các chuyên gia như GS Shi Yinhong ở ĐH Nhân dân Trung Quốc, nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất “giận dữ” trước những hành động của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bình Nhưỡng được cho là đã không nói trước với Bắc Kinh về vụ thử lần đó. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm qua nói với báo chí Nhật Bản rằng, vụ thử lần này rõ ràng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ông Lưu nói rằng, vụ thử diễn ra “ngoài dự kiến”, cho thấy Bình Nhưỡng có thể đã thực hiện vụ thử lần này mà không tham vấn nước đồng minh lớn nhất của họ.

Quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc được cho là xấu đi từ khi Bình Nhưỡng hành hình ông Jang Seong-thaek – một chính trị gia thân Trung Quốc, chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cần tính toán lại

Vụ thử mới nhất của Triều Tiên cũng được dự báo sẽ khiến Hàn Quốc thay đổi chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng và có thể sẽ có những bước đi nhằm đưa nước láng giềng trở lại bàn đàm phán. Đối mặt áp lực quốc tế gia tăng, Trung Quốc có thể khởi động lại đề xuất đàm phán phi hạt nhân hóa và tiến tới ký hiệp ước hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, Seoul từ lâu đã từ bỏ mục tiêu khó đạt được đó, ít nhất trong thời gian này, yêu cầu Bình Nhưỡng trước tiên phải thay đổi chính sách hoặc tiếp tục đối mặt các biện pháp trừng phạt. “Dù Trung Quốc đồng ý đưa ra tuyên bố báo chí về vụ thử tên lửa đầu tuần này, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an là câu chuyện hoàn toàn khác để nói về vấn đề THAAD hay sự cần thiết phải mở lại các cuộc đàm phán 6 bên hoặc kênh đối thoại nào khác”, Korea Herald dẫn lời một quan chức ở Seoul. “Với cách lập luận của Seoul về việc lắp đặt THAAD, Trung Quốc có thể đề xuất đối thoại một hiệp định hòa bình nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân, nhưng đây là thách thức với Seoul”, vị quan chức nói.

Vẫn chưa rõ Trung Quốc có đồng ý với các biện  pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn từ Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên hay không, hay Bắc Kinh sẽ thay đổi quan điểm về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong, Hàn Quốc, cho rằng, Triều Tiên có thể đã nghĩ rằng, bất đồng giữa Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đối với kế hoạch triển khai THAAD giúp Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần này mà không hứng chịu hậu quả nào. “Dù chính phủ Hàn Quốc nói những biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay sẽ dẫn tới phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên, nhưng vụ thử lần này cho thấy các biện pháp trừng phạt đó vẫn có hạn chế”, ông Cheong nói.

Sáng 9/9, một trận động đất nhân tạo mạnh 5,3 độ richter được phát hiện gần địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên. Những trận động đất nhân tạo cũng được phát hiện ở khu vực này trước đây đều xuất phát từ các vụ thử hạt nhân. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy nhiều hoạt động tăng cường ở Punggye-ri - dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sắp thử hạt nhân lần thứ 5. Hôm qua là Quốc khánh Triều Tiên. Những dịp như thế này thường là lúc Bình Nhưỡng thể hiện sức mạnh quân sự. Ước tính, vụ nổ sáng qua có sức công phá 10 kiloton (bom hạt nhân Mỹ thả xuống Hiroshima trong Thế chiến 2 có sức công phá khoảng 15 kiloton), theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc. Vụ nổ khiến cửa kính nhiều ngôi nhà ở biên giới Triều Tiên-Trung Quốc bị vỡ.

Theo Theo Korea Herald, Yonhap, BBC
MỚI - NÓNG