Triều Tiên phóng 7 tên lửa ra biển

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một căn cứ quân sự hôm 12/3. Ảnh: Chosul Ilbo.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một căn cứ quân sự hôm 12/3. Ảnh: Chosul Ilbo.
TP - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, đêm 12/3, CHDCND Triều Tiên bắn 7 tên lửa đất đối không ra vùng biển phía đông nước này, dường như để phản ứng cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ, Yonhap đưa tin ngày 13/3.

Tên lửa được bắn từ một địa điểm gần thị trấn Sondok, nằm trong khuôn khổ một cuộc diễn tập có sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Vụ phóng tên lửa diễn ra một ngày trước khi cuộc tập trận Mỹ-Hàn “Giải pháp then chốt” kết thúc. Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng; Bình Nhưỡng lên án các cuộc diễn tập quân sự hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các tên lửa Triều Tiên vừa bắn thuộc loại SA-2 và SA-3 với tầm bắn khoảng vài chục ki-lô-mét và một tên lửa SA-5 tầm bắn khoảng 200km. Giới chức Hàn Quốc nói rằng, đây là lần đầu tiên Triều Tiên bắn thử tên lửa phòng không SA-5. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, họ xem động thái mới nhất của Triều Tiên là “biểu dương lực lượng”. 

Hàn Quốc và Mỹ khởi động các cuộc tập trận thường niên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” hôm 2/3, nhằm cải thiện sự phối hợp các lực lượng tác chiến và khả năng chiến đấu để ngăn chặn nguy cơ. Cùng ngày, Triều Tiên bắn 2 tên lửa tầm ngắn, được cho là tên lửa đạn đạo Scud, xuống vùng biển phía đông nước này, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả không khoan nhượng đối với các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thừa nhận, Triều Tiên không vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc khi bắn tên lửa đêm 12/3 (do nghị quyết chỉ cấm Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo), nhưng nước này đã không thông báo trước cho tàu thuyền tránh xa khu vực họ sẽ bắn tên lửa để đảm bảo an toàn.

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 13/3 đưa tin, ông Kim Jong-un đang chuyển hướng thúc đẩy phát triển quan hệ với Nga, trong khi vẫn giữ vững nền tảng quan hệ với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Mátxcơva và Bình Nhưỡng gần đây đạt được nhiều dấu hiệu tích cực. Ông Kim Jong-un được cho là đã đồng ý thăm Nga vào tháng 5. 

Đây có thể sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Kim ra nước ngoài, một động thái được giới phân tích cho là khác so với tiền lệ các nhà lãnh đạo trước của Triều Tiên thường chọn thăm Trung Quốc đầu tiên khi lên cầm quyền. 

Sự thắt chặt quan hệ giữa Nga và Triều Tiên nhìn bề ngoài dường như xuất phát một phần từ việc cùng đối đầu Mỹ trong bối cảnh Nga cần thêm đồng minh mới sau khi sáp nhập Crimea, còn Bình Nhưỡng cảm thấy được bảo vệ trước khả năng hỗ trợ của Mátxcơva, Leonid Petrov, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Úc, nhận định.  

Theo Bloomberg, điểm mấu chốt trong quan hệ Nga - Triều Tiên hiện nay là lợi ích kinh tế. Bình Nhưỡng muốn thúc đẩy quan hệ với Mátxcơva để ổn định và phát triển kinh tế, trong khi Nga cần tìm kiếm thị trường mới thay thế châu Âu. Chính phủ Nga đã hứa giúp Triều Tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng, tăng sản lượng than, dầu, gỗ bán cho nước này.

MỚI - NÓNG