Theo một quan chức thạo tin, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn đang phải vật lộn với thách thức kỹ thuật nhằm đảm bảo đầu đạn có thể hồi quyển. Công nghệ hồi quyển giúp đầu đạn của tên lửa đạn đạo chịu được nhiệt độ và áp suất cực cao trong giai đoạn quay trở lại bầu khí quyển và ma sát với không khí. Nếu công nghệ hồi quyển không tốt, đầu đạn tên lửa có thể bị chệch hướng hoặc vỡ tan trong quá trình lao xuống đất.
Giám đốc CIA Mike Pompep gần đây lưu ý rằng, Triều Tiên có thể chỉ vài tháng nữa là đạt được mục tiêu lắp đầu đạn vào tên lửa có thể tấn công Mỹ. Phát biểu trước Viện doanh nghiệp Mỹ ngày 23/1, ông Pompeo cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phát triển nhiều loại vũ khí cũng như khả năng phóng nhiều tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Triều Tiên có thể chỉ mất khoảng “vài tháng” để đạt đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Đánh giá mới nhất này là một phần nỗ lực nhằm tiếp tục tính toán những cải tiến mà Triều Tiên có thể bí mật đạt được kể từ tháng 11/2017 – khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa cuối cùng. Mỹ tin rằng Triều Tiên đã và đang nỗ lực cải tiến các động cơ tên lửa, các bệ phóng tên lửa di động và sản xuất đầu đạn hạt nhân. Một điều quan trọng vẫn chưa được biết đó là quy mô Triều Tiên có thể sản xuất các bộ phận tên lửa chứ không chỉ giới hạn ở các tên lửa được thử riêng rẽ cho tới nay.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thời điểm Triều Tiên có thể trực tiếp đe dọa Mỹ thì bất cứ quyết định nào về việc sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Bình Nhưỡng vẫn là một quyết định chính trị mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đưa ra.
Bên cạnh đó, các quan chức quân sự Mỹ vẫn tiếp tục nhấn mạnh thế tiến thoái lưỡng nạn: Tấn công phủ đầu sẽ đưa Mỹ vào vị thế của kẻ xâm lược. Tuy nhiên nếu một quả tên lửa được phóng hướng tới Mỹ, rất khó có thể nhanh chóng xác định nó có đầu đạn hạt nhân hay không và việc bắn hạ nó có gây nguy cơ cho các nước khác hay không.