Tuần trước, khoảng 500 binh lính Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận chung vốn đã bị đình hoãn hồi tháng Sáu khi Seoul và Washington muốn kéo CHDCND Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.
Theo tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên, các hoạt động quân sự nói trên vi phạm thỏa thuận quân sự toàn diện giữa Triều Tiên và Hàn Quốc (CMA) ngày 19/9 với điều khoản kêu gọi dừng “mọi hành động thù địch”.
Tờ báo Triều Tiên nói cuộc tập trận kéo dài hai tuần này “trực tiếp chống lại thỏa thuận quân sự liên Triều vốn hứa hẹn xóa bỏ các mối đe dọa chiến tranh trong thực tế, sự thù địch trên bán đảo Triều Tiên”.
Trước những phản ứng này, một phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lên tiếng phản bác, cho rằng các hoạt động tập trận chỉ là tập luyện phòng thủ với sự tham gia của các đơn vị quân sự nhỏ, dưới cấp tiểu đoàn (600-1500 quân-PV).
Nguồn cơn phản ứng từ phía Triều Tiên còn bắt nguồn từ cam kết chấm dứt tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc của tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng Sáu. Nhưng thỏa thuận Mỹ-Triều thiếu các điều khoản cụ thể và các cuộc đàm phán giữa đôi bên từ đó đến nay đã đi vào bế tắc, ít có tiến triển.
Tuần trước, Triều Tiên hủy bỏ một cuộc gặp đã lên kế hoạch với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại New York “bởi vì họ chưa sẵn sàng”, theo giải thích của đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley hôm thứ Sáu tuần trước. Một ngày sau, tờ Chosun Sinbo của Triều Tiên nói các cuộc đàm phán vẫn có thể mang lại kết quả. Nhưng báo này nhắc lại cảnh báo của Triều Tiên rằng nước này có thể khởi động lại các chương trình hạt nhân nếu Mỹ không nhân nhượng.
Cũng trong tuần trước, một cuộc tập trận lớn xung quanh lãnh thổ Nhật Bản đã được khởi động, với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và các tàu chiến Nhật Bản, Canada, và một trong các mục tiêu là nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng. “Đó là một động thái quân sự lỗi thời”, tờ Rodong Sinmun bình luận.
Hãng tin Yonhap dẫn ý kiến một số nhà quan sát nói việc Bình Nhưỡng lên án một hoạt động tập trận quy mô nhỏ nhằm mục đích củng cố tư thế của họ trước các cuộc đàm phàn với Mỹ và Hàn Quốc.
Điều này xem ra có cơ sở. Bởi cũng trong ngày hôm qua, có thông tin nói Triều Tiên đã bày tỏ thiện chí bằng việc gỡ bỏ 636 bãi mìn xung quanh khu vực làng đình chiến Bàn Môn Điếm trên biên giới với Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói với các nghị sỹ quốc hội rằng đó là một phần thỏa thuận CMA, theo Yonhap. Điều khoản của CMA bao gồm việc rút bớt quân và vũ khí ở biên giới.
“Không còn bãi mìn nào ở phần diện tích chúng ta kiểm soát và miền Bắc thông báo rằng họ đã gỡ bỏ hơn 600 bãi mìn”, Bộ trưởng Jeong nói tại một phiên họp của quốc hội.
Ông bộ trưởng cũng nói để thực thi các thỏa thuận quân sự, ông đã yêu cầu một khoản 8,87 triệu USD trong chương trình ngân sách năm tới.
Bộ trưởng Jeong nói thêm rằng Mỹ đang “tích cực hỗ trợ” thỏa thuận quân sự giữa hai miền Triều Tiên khi trích dẫn các chi tiết trong cuộc gặp giữa ông với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Lầu Năm Góc tháng trước.
Ngoài lề việc tập trận, quân đội Hàn Quốc đã bắt đầu cho phá dỡ 10 trong số 11 tiền đồn nhưng sẽ duy trì một boongke dọc bờ biển phía đông, vốn đã được hình thành ngay sau năm 1953, khi cuộc chiến Triều Tiên đã được đình lại. Triều Tiên, về phần mình, cũng duy trì một tiền đồn.