Trong cuộc họp với các lãnh đạo cao nhất của quân đội Triều Tiên hôm 1/4, ông Kim Jong-un nói rằng Washington và Seoul gây ra những xích mích gần đây và chà đạp lên những đề nghị hòa bình từ Bình Nhưỡng.
“Tình thế hiện nay rất nghiêm trọng”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm 2/4 trích lời ông Kim. Trên cương vị chỉ huy tối cao quân đội Triều Tiên, ông Kim nói với các quan chức cao nhất rằng, dù Triều Tiên đã có nhiều cử chỉ hòa giải, Hàn Quốc và Mỹ vẫn thực hiện các đợt tập trận quân sự chung mà Bình Nhưỡng coi là để tập dượt cho một cuộc xâm lược.
“Phớt lờ sự khoan dung và thiện chí của chúng ta, Mỹ và các lực lượng thù địch đang dã tâm đẩy mạnh các cuộc diễn tập nhằm thủ tiêu nền cộng hòa của chúng ta về chính trị, cô lập về kinh tế và nghiền nát về quân sự”, ông Kim nói.
Theo các chuyên gia, sức công phá của bom uranium cơ bản không mạnh hơn bom plutonium, nhưng dùng uranium thuận lợi hơn với Triều Tiên vì nước này có trữ lượng quặng uranium đáng kể. Bên cạnh đó, chương trình làm giàu uranium dễ che giấu hơn vì không cần lò phản ứng như plutonium và có thể được thực hiện bằng các máy ly tâm đặt trong tòa nhà nhỏ mà không tỏa nhiệt, khó bị phát hiện.
Quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không bao giờ tha thứ cho “chính sách thù địch của Mỹ” và sẽ “đập tan hoàn toàn chính sách đó”, nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố. Những tuyên bố này được coi là nhằm vào người dân trong nước vì tin của KCNA không được dịch ra tiếng Anh.
Chỉ 1 tháng trước, quan hệ liên Triều có dấu hiệu ấm lên. Vào tháng 2, Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức một số cuộc đối thoại cấp cao hiếm hoi, sau đó là đợt đoàn tụ gia đình hai miền sau hơn 3 năm gián đoạn.
Ngay cả khi hai đợt tập trận thường niên Mỹ - Hàn bắt đầu vào cuối tháng 2, những phản đối từ Bình Nhưỡng cũng không gay gắt và các cuộc đối thoại cấp cao vẫn được tổ chức. Nhưng tình hình trở nên căng thẳng trong vài tuần gần đây khi Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ phóng rocket và thử tên lửa, đỉnh điểm là vụ phóng hai tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng vươn tới Nhật Bản tháng trước.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hai vụ bắn tên lửa tầm trung của Triều Tiên và tuyên bố sẽ có hành động “thích đáng”, như đề nghị Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên xem xét mở rộng danh sách các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt. Triều Tiên và Hàn Quốc vừa đấu pháo dọc biên giới biển tranh chấp, nhưng không ai bị thương khiến tình hình thêm căng thẳng.
Triều Tiên dùng máy bay không người lái?
Hàn Quốc hôm 2/4 nói rằng, họ đang phân tích một máy bay không người lái đâm xuống hòn đảo giáp biên giới không lâu sau khi hai bên cùng nã pháo xuống biển. Chính quyền Hàn Quốc nói rằng, điều tra sơ bộ kết luận chiếc máy bay rơi xuống đảo Baengnyeong chiều 31/3 đến từ Triều Tiên.
Hôm 23/3, một máy bay không người lái tương tự được tìm thấy ở Paju, phía nam khu vực phi quân sự đang chia tách hai miền, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin. Máy bay này được trang bị một camera độ phân giải cao và đã chụp được một số bức ảnh các cơ sở quân sự cùng khu Phủ Tổng thống Hàn Quốc, theo Yonhap.
Một ngày trước khi hai miền đọ pháo, Triều Tiên cảnh báo có thể sẽ thực hiện một vụ thử hạt nhân mới, được cho là một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo. Dù các báo cáo tình báo của Hàn Quốc nói rằng, chưa có dấu hiệu Triều Tiên sắp thử hạt nhân, nhưng các nhà phân tích lưu ý Triều Tiên có thể tiếp tục cách thức như trước đây và sẽ thử dưới lòng đất.
Vụ thử hạt nhân năm ngoái có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nên nhiều người đoán rằng, Triều Tiên có thể sẽ chuyển sang thử thiết bị làm từ nguyên liệu uranium thay vì plutonium. Triều Tiên năm 2010 tiết lộ họ đang làm giàu uranium khi cho phép các chuyên gia quốc tế đến thăm cơ sở đặt máy ly tâm tại khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon.