Bài viết sau đây giới thiệu chân dung một người Pháp gốc Việt đang sở hữu khoảng 40 công ty.
Trong nhiều thập niên, ông Chuc Hoang sống ẩn mình sau các công ty hoạt động âm thầm như Tổng Công ty Thương mại Phương Đông, Công ty MI29 (nhà đầu tư 29) hay Quỹ địa ốc Wilson.
Doanh nhân giàu thứ 176 ở Pháp
Thế rồi trong những năm gần đây, ông Chuc Hoang đã bắt đầu tham gia mua cổ phần của các công ty có đăng ký trên thị trường chứng khoán như Bigben Interactive (doanh nghiệp Pháp chuyên phân phối phụ tùng thiết bị trò chơi điện tử và trò chơi điện tử ở châu Âu).
Tạp chí Challenges (Pháp) đã phát hiện ra ông, tính toán giá trị cổ phiếu của ông và đưa ông vào danh sách 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp. Trong danh sách này, ông Chuc Hoang đứng thứ hạng 176 với tài sản ước tính 290 triệu euro. Số tiền này chắc chắn được đánh giá không đúng mức bởi không phải toàn bộ tài sản của ông đều được thẩm định.
Đặc biệt nhà triệu phú kín đáo này đang tiến hành một phi vụ mà về bản chất có thể làm cho tài sản của ông phình thêm. Đó là lần đầu tiên ở tuổi 70, ông chào mua toàn bộ cổ phần của một công ty. Và đây là một cuộc chiến rất gay cấn đến kinh ngạc. Mục tiêu ông chọn là một tên tuổi sáng giá: Công ty Tháp Eiffel.
Công ty Tháp Eiffel được thành lập nhằm khai thác tháp Eiffel nổi tiếng rồi sau đó trở thành công ty kinh doanh bất động sản, sở hữu nhiều văn phòng ở khu vực thủ đô Paris. Công ty hiện đã sa vào nợ nần đầm đìa.
Người biến thù thành bạn
Cuối năm 2012, ông Chuc Hoang bắt đầu quan tâm đến Công ty Tháp Eiffel. Sau lần đầu tính toán không thành công, mùa xuân năm 2013, ông bắt đầu góp vốn bằng một hợp đồng ký kết với hai lãnh đạo công ty Mark Inch và Robert Waterland. Hai nhân vật sừng sỏ trong làng bất động sản này đã kiểm soát Công ty Tháp Eiffel 10 năm trước và đang cần bán lại cổ phần.
Chẳng bao lâu quan hệ giữa họ với ông Chuc Hoang trở nên xấu. Ông không nhận được hai vị trí trong hội đồng quản trị như thỏa thuận ban đầu. Những người thân của ông khẳng định ông cảm thấy như bị phản bội.
Nói chung ông là con người biết trọng chữ tín, chú trọng hoàn thành các hợp đồng cân đối và không đánh giá thấp các đối thủ. Luật sư Eric Delattre, một trong những cố vấn của ông từ 15 năm nay, xác nhận: “Thậm chí các đối thủ còn trở thành bạn bè của ông ấy”. Một đối thủ của ông (giấu tên) nhận xét: “Ông ấy cũng có thể rất cứng rắn, sử dụng mọi phương cách để chiến thắng”…
Quyết liệt mua công ty đến cùng
Đối với Công ty Tháp Eiffel, ông Chuc Hoang đã sử dụng vũ khí hạng nặng. Ông tố cáo các lãnh đạo công ty nhận lương quá cao, lạm dụng tài sản xã hội và kiện ra trước pháp luật.
Công ty Bảo hiểm xây dựng và công trình công cộng (SMABTP) nhảy vào cứu thua bằng cách chào mua cổ phần của Công ty Tháp Eiffel. Ông Chuc Hoang không nhả mồi, tiếp tục đưa ra giá chào mua 344 triệu euro.
Ngày 24/6, Cơ quan Quản lý thị trường tài chính của Pháp (AMF) chứng thực đề nghị mua của ông. Tuy nhiên, đề nghị mua này đã không thành công: Công ty Bảo hiểm xây dựng và công trình công cộng nhanh chóng nâng giá lên. Dù vậy sáng kiến của ông Chuc Hoang không phải vô ích.
Nhờ ông can thiệp, Công ty Bảo hiểm xây dựng và công trình công cộng phải đưa ra giá 58 euro mỗi cổ phiếu, tức tăng 21% so với giá ban đầu. Nhờ đó với tư cách nhà đầu tư lớn nhất chiếm 30,3% vốn của Công ty Tháp Eiffel, ông Chuc Hoang đã thu lợi đáng kể.
Dù vậy ông vẫn không rút đề nghị chào mua nhằm kiểm soát công ty, giảm chi phí, cải thiện khả năng sinh lợi và thu lợi nhuận dài hơi hơn. Một chuyên gia dự báo: “Sẽ còn hồi hộp cho đến hết thời hạn đề nghị chào mua vào tháng 8 và có thể sau đó nữa…”.
Lăn lộn trên thương trường
Ông Chuc Hoang không phải là tay chơi xì phé lơ tơ mơ. Luật sư Eric Delattre nhận xét: “Ông ấy thích có chiến lược, chiến thuật hẳn hoi”. Món bài mà ông đã chơi từ năm lên 10 tuổi đã dạy cho ông biết phải nhanh chóng đánh giá đối tác và đôi khi cũng phải bịp.
Sau khi tốt nghiệp Trường Bách khoa Paris, ông làm việc vài năm cho Quỹ Tiền gửi và ký thác rồi sau đó lao vào kinh doanh. Ông đã từng hợp tác với François Lévy, con trai ông chủ chuỗi cửa hàng Nouvelles Galeries. Hai người mua lại các cửa hàng bánh quy, cửa hàng thịt, Công ty Dược phẩm Dolisos.
Sau khi hai người chia tay, ông Chuc Hoang giữ lại các cửa hàng thịt và phát triển kinh doanh với nhãn hiệu Schmid, một tên tuổi dưa bắp cải lớn ở Paris. François Mitterrand được bầu làm tổng thống năm 1981, ông lo ngại đường lối của Đảng Xã hội tác động đến thị trường nên quyết định bán lại quyền khai thác các cơ sở nhưng vẫn giữ bất động sản. Sau đó bất động sản tăng giá, ông thắng lớn.
Phi vụ này được lặp lại vào năm 1995. Ngân hàng Vernes mất khả năng chi trả nên bán Chi nhánh Eurobail chuyên cho thuê tài chính bất động sản. Ông mua lại với giá 1 euro và tìm cách vực dậy. Bây giờ đó đã là con gà đẻ trứng vàng của ông.
Vài năm sau, ông làm một cú lớn hơn nữa khi mua lại các khoản nợ khó đòi của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs với giá bèo. Thành công kế tiếp của ông là mua cổ phần của Bigben Interactive (như đã nêu ở phần đầu).
Thất bại là mẹ thành công
Dĩ nhiên trên thương trường ông Chuc Hoang cũng đã bao phen thất bại. Thương vụ đầu tư vào khách sạn cuối những năm 1980 là một kỷ niệm buồn. Thương vụ mua lại hãng Majorette (chuyên sản xuất xe đồ chơi) vào năm 2008 cũng thất bại…
Dù vậy cuối cùng như luật sư Nicole Guedj (nguyên quốc vụ khanh dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, cố vấn cho ông Chuc Hoang một năm nay) nhận xét: “Với sự thận trọng và lòng can đảm của một nhà quản trị giỏi, ông Chuc Hoang đã lập được một tập đoàn đạt được thành tích đáng nể”…
Sự nghiệp này ông dự định trao lại cho con trai duy nhất của ông là Nicolas (40 tuổi) đang cộng tác với ông. Ông nói con trai ông sẽ thay ông nhưng thời gian chuyển giao phải là sau khi ông cầm được chìa khóa tháp Eiffel hoặc bán lại tháp với giá rất đắt.
Một quãng đời khác thường
Nhà triệu phú của tháp Eiffel là danh hiệu của Pháp dành cho một con người có cuộc đời khác thường, chào đời cách Paris đến gần 10.000 km: Tỉnh Thái Bình (miền Bắc Việt Nam) vào thời Đông Dương thuộc Pháp. Cha ông là thẩm phán, có thời gian làm chủ tọa tòa án quân sự…
Chiến tranh đã dạy cho ông nhiều bài học trong cuộc sống. Về trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954, ông nhớ lại: “Không thể tưởng tượng nổi những người nông dân chân trần hay đi xe đạp lại có thể hạ gục một nước lớn danh giá như Pháp”. 20 năm sau đó là cuộc trốn chạy của đại sứ Mỹ mang cờ sao rời bỏ Sài Gòn.
Hồi thời thiếu niên, ông Chuc Hoang đã sang Pháp học Trường Trung học Saint-Louis, rồi Trường Bách khoa Paris. Ông ra trường năm 1966, cùng khóa với Thierry Desmarest (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu hỏa Total) và Jean-François Roverato (nguyên Chủ tịch Công ty Xây dựng Eiffage).
Ông Chuc Hoang kể: “Khuôn mặt tôi giống dân châu Á nên đôi lúc có người gọi tôi là người Hoa. Thật ra tôi là người Pháp, người Pháp gốc Việt, kỹ sư bách khoa Pháp…”.
Được bà Christine Lagarde (nay là tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế) tặng thưởng Bắc đầu bội tinh, hiện nay ông thuộc số các nhà tài trợ chủ yếu cho Trường Bách khoa Paris. Một học bổng dành cho sinh viên Việt Nam đã được mang tên ông.
Theo Dạ Thảo