Tuyến kè bảo vệ bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) được đầu tư xây dựng từ năm 2008 nhằm chống sạt lở, bảo vệ sản xuất, tính mạng của người dân và tuyến đê biển xã Hiệp Thạnh. Kè chịu tác động của triều cường dâng cao, sóng lớn va đập mạnh, trực tiếp nên thường xuyên bị sụp, lún, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Vào đợt triều cường các ngày 17, 18 và 19/11 vừa qua, do triều cường dâng cao kết hợp sóng lớn, tuyến kè này đã bị sụp 1 vị trí (diện tích 150m2, ngang 15m, xuống chân mái kè 10m, độ sâu sụp từ 0,5m-2m) và lún 3 vị trí (diện tích 182m2, lún sâu từ 10-20cm).
Tại các vị trí sụp, lún, các cấu kiện bê tông hình lục giác bị mất liên kết, khả năng phát sinh thêm… Nếu không khắc phục kịp thời có nguy cơ gây vỡ kết cấu công trình, gây mất an toàn cho tuyến kè, làm ảnh hưởng đến khoảng 50ha đất sản xuất và đời sống của 30 hộ dân.
Khu vực sạt lở bờ biển ở thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Q.M |
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh giao UBND thị xã Duyên Hải thực hiện ngay việc cắm biển cảnh báo các khu vực bị sụp, lún; thông báo rộng rãi về tình hình sụp lún để người dân biết, chủ động trong sinh hoạt, sản xuất và đề phòng nguy cơ rủi ro. Cùng với đó, cần bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sụp, lún; thường xuyên báo cáo về Sở NN&PTNT.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó chủ động, xử lý diễn biến sự cố; hỗ trợ và tuyên truyền vận động các hộ dân nằm trong khu vực sụp, lún di dời đến nơi an toàn…
Sở NN&PTNT có nhiệm vụ phối hợp với UBND thị xã Duyên Hải theo dõi diễn biến, sẵn sàng phương án ứng phó; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, đề xuất UBND tỉnh xử lý kịp thời. Tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp phi công trình và công trình xử lý sự cố, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh theo quy định…
Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, đê bao, kè biển ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân. Nguyên nhân của tình trạng sạt lở là do triều cường dâng cao kết hợp gió lớn, thay đổi lưu tốc dòng chảy và mưa lớn làm vỡ kết cấu đất bờ và lòng sông. Bên cạnh đó, tác động do con người gây ra như đào ao nuôi trồng thủy sản sát bờ sông, bờ biển, xây dựng nhà ở ven bờ sông, khu vực bờ biển và việc khai thác cát trái phép… góp phần làm tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Để bảo vệ bờ biển và tài sản, đất đai, cuộc sống của người dân quanh khu vực bờ biển trên địa bàn 2 xã Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa, UBND thị xã Duyên Hải đã đề nghị tỉnh sớm đầu tư xây dựng công trình đoạn kè chiều dài 900m tại ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, ước kinh phí 105 tỷ đồng; công trình xây dựng kè dài 8km tại xã Trường Long Hòa, ước kinh phí 740 tỷ đồng.
Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó, tỉnh Trà Vinh được cấp bổ sung 200 tỷ đồng.