Ði lên từ chính trực
Bản lĩnh gì để trở thành một doanh nhân? Ông Lê Phước Vũ bắt đầu bằng câu trả lời: “Là một doanh nhân đứng đầu doanh nghiệp, trước tiên anh là cánh chim đầu đàn về ý chí, bản lĩnh, đạo đức, tinh thần và trách nhiệm. Nếu thiếu những yếu tố đó, khó xây dựng doanh nghiệp thành công” .
Cụ thể hơn, ông Vũ chia sẻ, điều hành Tập đoàn Hoa Sen từng có lúc rơi vào bế tắc, nhưng tinh thần của ông luôn phải kiên định. Ðồng tiền làm ra phải chân chính. Ông tâm sự rằng, “gặp” được Ðức Phật là một nhân duyên lớn nhất trong đời, giúp ông có điểm tựa tinh thần trước khi thành một doanh nhân.
“Sống chính trực thì an vui, vì không lo về trốn thuế, công an kinh tế mời mình đến làm việc. Tôi chỉ tập trung bán hàng, xây dựng thương hiệu, dùng tâm, trí, lực làm ăn. Còn nếu tối ngày chỉ lo đối phó, chỉ mất thời gian".
Ông Vũ tâm sự
Theo ông Vũ, môi trường chúng ta đang tạo cơ hội cho cách làm ăn chụp giật, dùng sự ma lanh để tạo ra của cải nhiều. Ðiều đó, thường không bền vững. Có những đại gia, họ kiếm tiền tỷ dễ dàng, nhưng sau đó bị cơ quan chức năng “sờ” đến. Có người đi hối lộ, nếu họ không phải trả giá bằng quả báo, thì con cháu họ sẽ gánh chịu, theo nhà Phật thì đó là nhân-quả.
Hoa Sen phát triển nhanh và bền vững, vì chúng tôi đã có nền tảng trung thực”- ông Vũ tâm sự.
Là người đi lên từ “không có gì”, ông Vũ chia sẻ, với những ai muốn làm doanh nhân, nếu có nhân duyên, sự may mắn, hãy nắm bắt cơ hội, đổ mồ hôi, động não thực sự, sáng tạo từ nền tảng cơ bản về đạo đức, tính trung thực. Một doanh nhân phải làm thực sự bằng trí óc và mồ hôi. Chỉ có người tử tế mới làm được doanh nhân. Còn tiền bạc giống như thuốc bổ. Nếu sức khỏe yếu, dùng đúng liều lượng thì tốt, nhưng dùng nhiều quá ảnh hưởng đến tính mạng.
Tin dùng người trẻ
Chắc cũng không có nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam mà hầu hết những giám đốc chi nhánh đều ở lứa tuổi 9X như ở Tập đoàn Hoa Sen. Về cách dùng người này, ông Vũ cho biết, Hoa Sen có trên 5.700 nhân viên, bình quân tuổi đời khoảng 22-30. Số nhân viên trên 30 chỉ 5-7% trong toàn Tập đoàn. Ðặc biệt hơn, Tập đoàn dù do cá nhân ông Vũ gây dựng, nhưng ông không dùng người gia đình để điều hành vì như thế “không hay nhiều hơn”. Thay vào đó, ông tìm cộng sự chính trực với mình để hành động.
Trong tuyển dụng, ông Vũ cũng có cách làm riêng. “Trước kia, khi quy mô nhỏ, ít tiền, tôi chỉ thuê nhân viên hoàn thành chương trình phổ thông trung học. Rồi sau đó, tuyển trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhưng bây giờ, muốn vào Tập đoàn làm việc, phải là sinh viên loại giỏi của trường có danh tiếng ở Việt Nam và ưu tiên cho sinh viên du học ở nước ngoài về” - ông Vũ nói.Logo của Tập đoàn cũng lấy hình ảnh hoa sen cách điệu, với tám cánh sen, tượng trưng cho Bát chính đạo của nhà Phật. Trong triết lý kinh doanh của ông Vũ, Bát chính đạo là hướng đến tính “Trung thực - Cộng đồng - Phát triển”.
Chính sách tuyển nhân lực trẻ, Hoa Sen triển khai trên toàn hệ thống, đến các đại lý và tuân thủ nghiêm ngặt quy định này. Ông Vũ cho rằng, nhân lực ở Việt Nam rất dồi dào, lương không quá cao, nhưng “chưa chuẩn”, nên khi làm việc “nhức đầu lắm”. Ðơn cử khi được nhận vào Tập đoàn, sinh viên sẽ được đào tạo lại trong môi trường văn hóa của Hoa Sen và phải là những người chính trực và tận tụy, nếu không “sẽ không quản trị nổi”. Khi bạn được đào tạo chuẩn rồi, “tâm bạn trắng, nhưng bạn chỉ cần có vết đen thì chúng tôi biết liền”. Ông Vũ kể từng sa thải cả Tổng giám đốc của Tập đoàn chỉ trong 18 ngày sử dụng vì tư lợi.
Theo ông Vũ, Tập đoàn có hàng nghìn nhân viên, nên phải dựa vào hệ thống quản trị, không thể điều hành bằng mệnh lệnh cá nhân. Tại Hoa Sen, ông gói gọn nó trong “10 chữ T”: “Trung thực-Trung thành-Tận tụy-Trí tuệ-Thân thiện”. Văn hóa này giúp ông “có tháng đi tới 20 ngày nhưng công việc vẫn thông suốt”.
Ðầu tư thần tốc, tầm nhìn xa
Ðầu tháng 6/2015, ông Vũ là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh tài vòng chung kết giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp- EY Entrepreneur Of The Year Thế giới ở Monaco, cùng 64 doanh nhân đạt giải này tại 52 quốc gia khác trên toàn cầu. Trong tháng 9/2015, Hoa Sen là công ty duy nhất của Việt Nam, cùng với 132 công ty khác trên thế giới lọt vào nhóm “doanh nghiệp tăng trưởng toàn cầu” do Diễn đàn Kinh tế thế giới bình chọn.
Ông Vũ nhận định, trong 20 năm tới, là cơ hội cực lớn của cả Việt Nam và khu vực ASEAN. Việt Nam sẽ tiếp cận nguồn vốn lớn của thế giới đổ về, khi nhiều nơi đầu tư không còn sinh lãi. Trong khi Mỹ, Nhật, châu Âu… đã phát triển đến ngưỡng. Trung Quốc, sau 30 năm qua phát triển nóng, quy mô quá lớn, cạnh tranh quá khốc liệt. Ông chủ Hoa Sen cho rằng, quan trọng là giải pháp dòng tiền. Tại sao nhiều tập đoàn phá sản? Vì họ bị đứt dòng tiền, không có khả năng tiêu thụ sản phẩm. Còn khác với các doanh nghiệp khác, hệ thống phân phối của họ thường là các đại lý độc lập, còn hệ thống chi nhánh của Hoa Sen hầu hết là do Tập đoàn sở hữu từ đất đai, nhà xưởng đến máy móc thiết bị. “Vì thế, Hoa Sen đã chủ động điều chỉnh chính sách bán hàng theo biến động thị trường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Ðây là một bí quyết giúp Hoa Sen vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua”- ông Vũ chia sẻ.
Ðể nắm bắt sự thay đổi của thời cuộc, nhìn thấy cơ hội kiếm tiền, những phương án đầu tư của Hoa Sen cũng “thần tốc như thời chiến” và luôn tuân thủ kỷ luật tăng trưởng. Chẳng hạn, mới đây, Hoa Sen xây dựng nhà máy sản xuất tôn thép tại Khu công nghiệp Ðông Hồi (Hoàng Mai, Nghệ An), với tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và thời gian từ lúc “quyết” đến triển khai dự án “thần tốc”…chỉ trong 21 ngày.
Theo ông Vũ, ba “nguyên tắc vàng” để Hoa Sen phát triển nhanh, bền vững là đầu tư bằng công nghệ, chất lượng tốt, làm cực nhanh và với chi phí tốt nhất.