Triển lãm Nguyên Trâu II: Vui trước hết!

Tác phẩm của Lê Đình Nguyên.
Tác phẩm của Lê Đình Nguyên.
TP - Ngay từ khi triển lãm  mới rậm rịch, Nguyên Trâu (tức họa sỹ Lê Đình Nguyên) đã “lụt” trong cơn mưa khen của bạn bè văn nghệ sỹ. Có những lời khen chân thành nhưng cũng không hiếm những lời khen  “té nước theo mưa”, còn người duyệt triển lãm Nguyên Trâu II chỉ bình một câu ngắn gọn: Triển lãm này vui trước hết!

Có vẻ họa sỹ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm) tiết kiệm lời khen với Nguyên Trâu? Nhưng anh giải thích: Làm nghệ thuật không dễ như mọi người nghĩ đâu vì tìm được một cái hay, cái mới, cái hấp dẫn còn hơn “đãi cát tìm vàng”, đầy gian lao. Vui đã là hay lắm rồi.

Trình làng đàn trâu trăm con

Tháng 1 /2010, Nguyên Trâu làm triển lãm đầu tiên, ở gallery 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội. Sau 7 năm, Nguyên Trâu trở lại, phá vỡ khuôn viên gallery chật hẹp để “bung lụa” ngay trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Anh trình làng gần 100 con trâu, biến hóa khôn lường, đúng với tuyên ngôn ban đầu: “Không đi theo đít  trâu”. 

Ở đây, người xem không chỉ thấy trâu trong lao động sản xuất ở nông thôn, mà còn thấy trâu trong đề tài chiến tranh, trâu trong thời bình… Bướng bỉnh và phóng túng, nên Lê Đình Nguyên đã làm những chuyện ít người tưởng tượng. 

Có câu: “Đàn gẩy tai trâu” nhưng Trâu- Đàn trong sáng tạo của Lê Đình Nguyên không hề tạo cảm giác đối nghịch hay chướng mắt. Tương tự như vậy, trâu- xe đạp của Lê Đình Nguyên chở cả hai thúng hoa cúc họa mi, rất cập nhật tình hình giới trẻ,  vẫn mơ mộng, duyên dáng như thường.

Triển lãm Nguyên Trâu II: Vui trước hết! ảnh 1

“Nguyên Trâu II” trước hết đưa người xem về nông thôn Bắc Bộ với trâu mặc áo tơi, trâu chở đèn dầu, trâu mang mạ non… Nhưng  nông thôn do Lê Đình Nguyên khắc họa bằng điêu khắc động không phải nông thôn u ám như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), không phải nông thôn đầy thương cảm trong “Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng lầy”.

 Nông thôn ở “Nguyên Trâu II” sinh động và ấm áp, tạo hình những chú trâu của Lê Đình Nguyên dù bay cao, bay xa, phá cách đến đâu cũng không vượt ra bàn tay của Rối. Niềm say mê loại hình nghệ thuật dân gian từ thuở bé đã ngấm vào Lê Đình Nguyên, tạo cho anh nguồn cảm hứng bất tận và bền vững. Ngay cả những con trâu được làm bằng chất liệu sắt cũng không khiến người xem thấy lạnh. Rất nhiều khán giả đã thích thú đứng bên “trâu bom” của Lê Đình Nguyên để chụp ảnh.

Về đâu “Nguyên Trâu III”?

Phải nói Lê Đình Nguyên vô tình lại hóa khôn, khi chọn gắn bó cuộc đời nghệ thuật cùng trâu. Nếu chọn sáng tạo nghệ thuật trên hình tượng chim bồ câu hay ngựa, thế nào anh cũng vấp phải sự so sánh. Nhưng với trâu, Lê Đình Nguyên cứ thoải mái bước đi, ít “đối thủ”, không chỉ trong mảng điêu khắc mà cả một số lĩnh vực nghệ thuật khác. Văn học hay điện ảnh Việt cũng chỉ thấy nổi lên: Tiểu thuyết “Con trâu” (Nguyễn Văn Bổng); Phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Sơn Nam; hội họa có Nguyễn Văn Cường cũng được đặt biệt danh “Cường trâu”… Song liên tiếp làm những cuộc trình diễn nghệ thuật chỉ với trâu như Lê Đình Nguyên thì xưa nay chưa thấy. Trâu  của Lê Đình Nguyên  ở Việt Nam đã là “hàng hiếm”, ra nước ngoài càng độc  hơn. Triển lãm thu hút nhiều khách ngoại quốc và chắc sau triển lãm sẽ có không ít “trâu Nguyên” được “du lịch” nước ngoài.

Triển lãm Nguyên Trâu II: Vui trước hết! ảnh 2

Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên đang làm tác phẩm.

Ngay từ triển lãm đầu tiên, Lê Đình Nguyên đã muốn sáng tạo một con trâu phi hiện thực: “Tôi không làm con trâu tả thật, tôi làm con trâu theo cách nhìn của tôi”. Trước đây, anh gây bất ngờ với “trâu cầu”, một con trâu với nhiều chân, trên lưng là tổ chim, gợi khát vọng hòa bình. Ở “Nguyên Trâu II” người ta thấy trâu bước từ ruộng đồng ra xã hội, đi cùng biến thiên của lịch sử, thăng trầm của đất nước. 

Nhưng  người xem sau màn chiêu đãi no đủ về thị giác và cảm xúc ở “Nguyên Trâu II” sẽ không khỏi băn khoăn: Đến “Nguyên Trâu III” không hiểu Lê Đình Nguyên sẽ làm gì?  Vừa rồi là: Trâu bom, trâu áo tơi, trâu cối xay, trâu đèn, trâu xe máy, trâu xe đạp… Rồi biết đâu sẽ có: Trâu đá bóng, trâu thổi còi nhân dịp World Cup sắp tới, Trâu đi học nhân dịp khai giảng năm học mới, Trâu nhảy múa, trâu ca hát v.v.. Biển đời sống giúp người sáng tạo bát ngát bơi nhưng nếu sa đà cũng không ổn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ dành cho “Nguyên Trâu II” những lời vui vẻ: “Hắn, là kẻ xông xênh, làm một điều cả Việt Nam này chưa từng thấy, chưa một kẻ nào làm được như hắn: Bỏ ra hơn tỉ VN đồng, ba năm như con trâu quần quật sáng tạo và lao động, làm một sinh nhật có một không hai ở Việt Nam” (Ý Nguyễn Văn Thọ là Nguyên Trâu làm triển lãm để mừng sinh nhật vợ-PV). Anh viết tiếp: “Hắn, thằng Trâu điên khua chiêng gõ mõ, sai người đánh kẻng, rung chuông náo động cả góc trời Hà Nội. Hơn 500 quan khách đã tới dự, đèn sao tưng bừng suốt từ tận chiều tối tới tận tối mịt. Hoa chất nhiều như núi”. 

MỚI - NÓNG