Triển khai thực hiện Đề án 32: Những kết quả đáng ghi nhận

Khám sức khỏe cho trẻ em tại Trung tâm CTXH tỉnh Nghệ An
Khám sức khỏe cho trẻ em tại Trung tâm CTXH tỉnh Nghệ An
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch phát triển ngành CTXH tại địa phương với những hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Bộ Lao động thương binh và xã hội và các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án theo 5 nhóm công việc chính: Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH; Củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH; Đào tạo, xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo và dạy nghề CTXH; Công tác tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nghề CTXH; Vận động tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Việc triển khai đồng bộ, rộng khắp trên toàn quốc đã mang lại kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề CTXH ở Việt Nam như 4 Nghị định, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6 Thông tư liên tịch; 4 Thông tư được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển nghề CTXH. Đáng chú ý là Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010 quy định chức danh, mã số, các ngạch viên chức CTXH; Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 647/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chăm sóc trẻ em mồi côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm hoạ dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020…

Hiện có trên 30 tỉnh, thành phố được hỗ trợ xây dựng trung tâm CTXH với 432 cơ sở với 35.000 cán bộ, nhân viên CTXH. Rất nhiều mô hình hoạt động tốt như: Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh…, đã cung cấp dịch vụ CTXH cho hàng ngàn lượt đối tượng xã hội cần được giúp đỡ, bảo vệ khẩn cấp, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo… Đã có 21 tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH với 8.784 người, đã góp phần trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế cần bảo trợ xã hội tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Đã có 20 trường đào tạo nghề hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề CTXH. Đề án 32 đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hoàn thiện kế hoạch phát triển, giáo dục đào tạo CTXH hệ cử nhân ở 40 trường đại học, cao đẳng đạt chỉ tiêu tuyển sinh 2.500 cử nhân/năm.

Công tác tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức của mọi người về nghề CTXH đã đạt được kết quả nhất định. Các cơ quan báo chí đã đưa hàng trăm, tin, bài liên quan đến nội dung phát triển nghề CTXH tại Việt Nam giúp nhân nhân và các cấp, các ngành hiểu biết về vai trò, nhiệm vụ và dịch vụ CTXH. Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng thiết lập và cập nhật thông tin cho web: http://congtacxahoi.molisa.gov.vn giúp các cán bộ nghiên cứu, giảng viên trường đại học, phóng viên và cán bộ CTXH ở các tỉnh, thành phố cùng những tổ chức liên quan… nắm bắt và cập nhật các thông tin mới, hữu ích để triển khai Đề án 32; Tăng cường vận động các đối tác nước ngoài hỗ trợ triển khai Đề án 32 qua nhiều dự án như: Dự án Hợp tác hỗ trợ phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2014 với tổ chức Atlantic Philanthropies, UNICEF; Hợp tác với tổ chức FHI về Phát triển CTXH trong lĩnh vực cai nghiện; Hợp tác với UNICEF, UNHCR trong Phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 32 cũng còn một số tồn tại như khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể; Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu thế về chất lượng, tính xã hội hoá chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập…; Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa được chuyên nghiệp. Đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới bước đầu hình thành tại một số địa phương; Công các đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng. Số lượng người dân đặc biệt là những đối tượng yếu thế như người người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH chưa cao. Những hạn chế này cần được khắc phục khi triển khai Đề án 32, giai đoạn 2015 - 2020. 

(Tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội - Đề án 32)

MỚI - NÓNG