Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, AI đang giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của loài người, thì chính giới khoa học lại bắt đầu lên tiếng cảnh báo về những mối đe dọa tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo.
Nếu AI trở nên vượt trội và "thống lĩnh" thế giới, loài người sẽ giống như đang lái xe lao xuống vực thẳm, và phải đối mặt với một tương lai bất ổn vì máy móc trở nên quá thông minh.
Nhận thức được nguy cơ này, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tổ chức một sự kiện nhằm kêu gọi mọi người phải thận trọng trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Họ đã cùng ký vào một bức thư kêu gọi các hãng công nghệ đang đầu tư cho các dự án AI phải luôn "thận trọng", nhằm đảm bảo AI có một tác động tích cực đối với nhân loại.
Nguy hiểm tiềm ẩn
Khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI) được xem như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. AI là một bộ phận của khoa học máy tính và do đó, phải được đặt trên những nguyên lý lý thuyết vững chắc, có khả năng ứng dụng được của lĩnh vực này.
Những nguyên lý này bao gồm: các cấu trúc dữ liệu dùng cho biểu diễn tri thức, các thuật toán cần thiết để áp dụng những tri thức đó, cùng các ngôn ngữ và kỹ thuật lập trình dùng cho việc cài đặt. Đây cũng là môn học, cung cấp các giải pháp cho các vấn đề của cuộc sống. Vì vậy, trí thông minh nhân tạo được ứng dụng nhiều trong mọi lĩnh vực như tin học, kinh tế, y học, kỹ thuật và quân sự, thậm chí cả trò chơi điện tử.
Chiến thắng của AlphaGo được đánh giá là một bước tiến khổng lồ của trí tuệ nhân tạo. Dù AlphaGo là một phần mềm nhưng lại vận hành trên nền tảng phần cứng được coi là mạnh nhất hiện nay, với bộ vi xử lý 48 nhân, có thể liên kết với hơn 1.200 cỗ máy tính khác để tiến hành các tác vụ với khả năng thực hiện hàng ngàn tỷ phép tính trong một giây. Ngoài ra, đặc điểm độc đáo nhất của AlphaGo là biết tự rút kinh nghiệm sau các trận đấu.
Trước khi thi đấu với Lee Se-dol, AlphaGo đã tự "tích lũy chiến thuật" từ hơn 30 triệu ván cờ vây. Việc AlphaGo đang chiếm ưu thế trước trí tuệ con người cho thấy những tiến bộ mới nhất về trí thông minh nhân tạo, đồng nghĩa sự xuất hiện của một chu kỳ đổi mới của các ngành công nghiệp khoa học và trí tuệ.
Thực tế, con người đã sống chung với AI từ lâu, thông qua những thành tựu trong lĩnh vực tin học, robot hay tự động hóa. Trong bối cảnh này, AI mới chỉ phát huy khả năng hẹp, chỉ có thể làm việc trong các nguyên tắc dựa trên phát minh của con người chứ không thể "suy nghĩ". Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo đã tạo ra hàng loạt phản ứng trái chiều, nơi thì ủng hộ, nơi thì phản đối.
Nhiều người lo ngại AI phát triển và đến một chừng mực nào đó sẽ vượt trội con người, đe dọa đến an toàn của nhân loại. Không thể phủ nhận rằng, năng lực lớn nhất của loại hình trí tuệ nhân tạo là bắt chước, sao chép não người và tương lai sẽ có các thế hệ máy, robot thông minh, độc lập và hành động theo ý định chủ quan. Thế nên, mối lo về AI là hoàn toàn có cơ sở.
Tờ Daily Mail (Anh) nhận định, trí tuệ nhân tạo giống "con quỷ đang ngái ngủ", có thể là dấu chấm hết cho nhân loại nếu phát triển đến mức hoàn thiện nhất. Khi AI trở nên phổ biến và thay thế mọi hoạt động của con người trong xã hội, lượng thất nghiệp sẽ gia tăng, kéo theo sự lệ thuộc nghiêm trọng vào máy móc.
AI thông minh hơn, con người sẽ nghe theo những quyết định của máy móc, và dần dần không thể tự chủ bản thân. Ở vào bối cảnh xã hội và các vấn đề ngày càng phức tạp hơn, con người sẽ đánh mất khả năng tự giải quyết, và không còn phát triển được nữa.
Khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI) được xem như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ siêu thông minh trong quân sự cũng gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, AI có thể dễ dàng bị khai thác để tự động kiểm soát kho vũ khí quân sự. Những hệ thống không người lái có thể giúp các quốc gia tham chiến mà không tổn thất một binh sĩ nào, cộng thêm việc tính toán chính xác sẽ giúp tăng khả năng chiến thắng.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, sự phát triển những loại hình trí tuệ nhân tạo kiểu này sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Khi đó, nguy cơ hủy diệt hiện hữu rõ ràng, và nền kinh tế thế giới vốn đang khó khăn sẽ lại càng tồi tệ hơn.
Con người chấp nhận sử dụng AI trong quân sự, đồng nghĩa với việc tự mình tiến thêm một bước đến sự diệt vong. Không ai có thể nói trước các sự cố có thể xảy ra, và khi ấy những hệ thống AI quân sự có thể gây nhiều hậu quả khủng khiếp.
Điều đáng lo ngại nhất đối với trí tuệ nhân tạo chính là các giới hạn của chúng. AI kết hợp với công nghệ nano có thể là bước tiến đột phá của khoa học, nhưng cũng có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với con người. Đây thực sự là "con dao hai lưỡi" vì các robot nano tự tạo ra năng lượng bằng cách ăn các chất hữu cơ từ cây cối và động vật, thậm chí là cả con người.
Nghe có vẻ giống trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Giới khoa học thiết kế những cỗ máy và lập trình AI để phục vụ con người. Tuy nhiên, việc lập trình các thiết bị AI để chúng không vượt qua các nguyên tắc mà con người nhận thức được, cũng như tránh khỏi những rắc rối hay rủi ro liên quan đến phần mềm, không phải là điều đơn giản.
Tìm cách kiểm soát
Nhìn chung, sự phát triển quá nhanh của trí tuệ nhân tạo thực sự làm dấy lên trong con người những mối lo lắng nhất định. Giới khoa học hiện đang xem xét những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tương lai nhân loại tiềm ẩn đằng sau những công nghệ siêu thông minh đang lũ lượt chào đời.
Theo một khảo sát mới đây, có tới 50% phản hồi cho rằng máy tính có thể đạt tới trình độ trí thông minh con người sau năm 2050 và tăng lên 90% vào năm 2075.
Dù có quan điểm cho rằng nỗi sợ về AI trong tương lai hay robot thông minh sẽ chế ngự loài người là điều phóng đại, nhưng đa phần đều thừa nhận trí tuệ nhân tạo cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Một số chuyên gia thừa nhận nghiêng về phía những lợi ích AI đem lại, như giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ con người trong những công việc nguy hiểm và nghiên cứu một số loại thuốc mới.
Tuy nhiên, không vì thế mà họ phủ định sạch trơn mặt tiêu cực, khi chưa một cá nhân nào hiểu đúng và đầy đủ về AI. Giờ đây, việc sử dụng AI giống như một đứa trẻ đang đùa giỡn cùng "một quả bom nổ chậm" mà không hề nhận ra sự nguy hiểm tiềm tàng của nó.
Trước tình hình này, các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) đang tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, nhằm phát triển một phương pháp tiếp cận mang tính an toàn và tạo ra công cụ hữu ích giám sát các hoạt động liên quan đến AI, đồng thời vẫn phải đảm bảo con người là trung tâm cho sự phát triển của công nghệ AI.
Bên cạnh đó, có thể dùng cộng đồng để kiểm soát trí tuệ nhân tạo, với điển hình là dự án OpenAI - đóng vai trò phát triển các kĩ thuật và sản phẩm trí tuệ nhân tạo, song đồng thời cũng đứng ra kiểm soát để trí tuệ nhân tạo không làm hại đến con người. Và như cái tên đã gợi ý, sản phẩm do OpenAI làm ra sẽ hoàn toàn miễn phí, mở cửa cho mọi người sử dụng.
Trí tuệ nhân tạo là một trong những sản phẩm phi thường của nhân loại. Sự phát triển kỹ thuật trí tuệ nhân tạo được thúc đẩy bởi sự khôn ngoan của con người. Hơn nữa, mặc dù xu hướng của trí tuệ nhân tạo ngày càng giống người hơn, nhưng về cơ bản nó vẫn chỉ là những cỗ máy phục vụ người.
Vì vậy, trong thời điểm này, chưa có lý do gì để hoảng loạn bởi trí tuệ nhân tạo cần có những bước tiến lớn trước khi nó có thể tương xứng với não bộ con người, nếu con người nhận thức sớm và có những biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa thích hợp ngay từ bây giờ.
Phải chấp nhận sự thật rằng, con người sẽ luôn dùng chính những công nghệ họ phát minh ra vào cả mục đích tốt lẫn mục đích xấu. Điều quan trọng là, cần lập ra các kế hoạch phát triển bền vững và an toàn, làm sao cho trí tuệ nhân tạo phát huy tốt nhất ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội mà vẫn phải thúc đẩy văn minh nhân loại.