Treo ấn, từ quan làm doanh nhân

Treo ấn, từ quan làm doanh nhân
TP - Tốt nghiệp trường Luật ở Thụy Sỹ, thông thạo hai ngoại ngữ, đang nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, thay vì chờ nhận sổ hưu, ông bất ngờ xin thôi việc, bước vào thương trường khi đã luống tuổi. Quyết định táo bạo của ông từng gây xôn xao một thời trong giới quan chức ở TPHCM.
Treo ấn, từ quan làm doanh nhân ảnh 1

Ông Lương Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM.

Sóng gió thương trường

Nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lương Văn Lý bây giờ đã là một chuyên gia tư vấn luật có uy tín, thành viên của Công ty Luật Phước và Các cộng sự (P&P)- một trong những công ty luật lớn nhất Việt Nam với đội ngũ luật sư lên đến gần 70 người. Khách hàng là doanh nghiệp (DN) nước ngoài chiếm 60 - 65%. Ông còn góp vốn vào hai công ty khác nhưng không trực tiếp điều hành.

Thấm thoắt hơn mười năm kể từ ngày rời chốn quan trường, dù sắp bước vào tuổi thất thập, ông Lương Văn Lý vẫn giữ cho mình một phong thái đĩnh đạc, lịch thiệp cùng lối nói chuyện khúc chiết, hóm hỉnh của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tốt nghiệp trường Luật Thụy Sỹ chuyên ngành Luật quốc tế, thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp, ông Lương Văn Lý về làm việc ở Bộ Ngoại giao năm 1976, được đề bạt làm Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM năm 1994 rồi chuyển sang làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM từ năm 2001.  

Ông Lý nhớ lại “Khi quyết định xin nghỉ việc ra kinh doanh tư nhân, tôi đắn đo, cân nhắc rất nhiều. Làm việc ở cơ quan nhà nước không cần lo lắng quá nhiều về cái sắp tới, tương lai đã định sẵn, làm việc theo phân công rồi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng các chính sách, nói chung là nhàn. Còn bung ra ngoài kinh doanh là đối mặt với cái bất định, không biết chuyện gì sẽ đến với mình do không lường hết được trở ngại và không đánh giá được chính xác khả năng thích ứng. Tôi lại chưa bao giờ trực tiếp kinh doanh. Quản lý một DN thì rất phức tạp, từ quản lý nhân sự, tài chính, đến năng lực cạnh tranh… Nói chung là một bước chuyển hoàn toàn mới. May mắn là tôi còn có các mối quan hệ, một nền tảng kiến thức và hậu phương vững chắc. Đó là sự ủng hộ hết mình của vợ tôi.

Năm 2007, ông Lý gom tiền tiết kiệm và huy động thêm nguồn tiền từ một số người quen thành lập công ty tư vấn đầu tư Đại Nam Long (DNL Partners) với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Và ông nếm ngay trái đắng khi mới tập tành kinh doanh. Công ty làm ăn không hiệu quả, không cạnh trạnh được với các DN tư vấn đàn anh, đàn chị. Và, ông nhanh chóng nhận ra nguyên nhân thất bại là do mình vừa thiếu kỹ năng, vừa non kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực quan trọng như quản lý, tổ chức công việc một doanh nghiệp, tiếp thị tìm khách hàng,… Trong khi mình là người quản lý duy nhất tự quyết định nhiều thứ. Để cho ra một báo cáo tư vấn kịp thời, có chất lượng, sát với thực tế, khả thi đối với khách hàng đòi hỏi nhiều thứ. Ngoài kiến thức của bản thân còn phải có kinh nghiệm và nhất là sự góp ý, phản biện của một tập thể.

Ông Lý kể: “Khách hàng của công ty lúc bấy giờ có người không nghiêm túc; ký hợp đồng nhưng không thực hiện nghĩa vụ của họ. Thậm chí có vụ, đến giai đoạn quyết định trong thương lượng với bên thứ ba thì khách hàng đột ngột biến mất. Liên hệ điện thoại, gửi mail không thấy phản hồi, DN tư vấn rơi vào tình trạng “đem con bỏ chợ”. Có khi còn bị phía đối tác “nắm áo”, quy trách nhiệm do chuyện làm ăn bỗng dưng tắc nghẽn không biết lý do. Có trường hợp công việc hoàn thành thì khách hàng chây ì hoặc “quên” trả tiền. Một công ty nhỏ như DNL Partners mà thường xuyên bị đứt quãng dòng tiền luân chuyển đương nhiên là rất khó khăn về tài chính”.

Quan trọng hơn, ông Lương Văn Lý nhận ra hạn chế cốt lõi của DN. DNL Parners có ngành nghề tư vấn đầu tư thì không được quyền tư vấn về pháp luật. Trong khi đó, nhiều khách hàng sau khi đã làm quen và tin tưởng công ty mong muốn công ty tiếp tục hỗ trợ nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết như thủ tục xuất nhập khẩu, thuế, lao động, ký hợp đồng với đối tác…

Do đó, đến năm 2010, DNL Partners ngưng hoạt động và ông Lý tham gia xây dựng công ty Luật Việt Long Thăng (VLT Lawyers) với đội ngũ nhân sự gồm 7 luật sư, chính thức hoạt động từ tháng 3/2011.

Nhưng, sóng gió vẫn chưa ngừng.

Treo ấn, từ quan làm doanh nhân ảnh 2 Cổng trụ sở Công ty Luật Phước & Các cộng sự.

Bài học bó đũa

Đó là sự cạnh tranh trên thị trường tư vấn pháp lý ngày càng gay gắt, đặc biệt là từ năm 2015 khi nhiều công ty luật quốc tế nổi tiếng đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, 95-96% công ty luật Việt Nam lúc ấy là những công ty nhỏ, quy mô tương đương với DN “siêu nhỏ” theo quy định của pháp luật, khó mà cạnh tranh với các công ty luật quốc tế có uy tín, lâu đời và tiềm lực tài chính dồi dào. VLT Lawyers không ngoại lệ.

Để tồn tại, con đường hiển nhiên nhất là các tổ chức hành nghề luật Việt Nam phải sáp nhập với nhau nhằm nâng cao khả năng tác nghiệp và năng lực cạnh tranh. Sau khi bàn bạc, trao đổi, VLT Lawyers thống nhất sáp nhập với một công ty luật thành lập từ năm 2003.

Tháng 7/2016, việc sáp nhập chính thức diễn ra. Ông Lý trầm ngâm: Công việc chủ yếu của tôi bây giờ vẫn là tư vấn luật vì đây là sở trường của mình.

Chia sẻ về quá trình làm ăn tư nhân, ông Lương Văn Lý nói, cá nhân ông chưa từng bị cán bộ nhũng nhiễu, làm khó và cũng chưa bao giờ sử dụng phong bì “lót tay” trong quan hệ xử lý công việc. Song khó khăn của các DN ông tham gia thường gặp phải hầu hết là do các quy định mà bản thân các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng, chưa biết thực hiện như thế nào.

Ông Lý nói, so với 10 năm trước, khi ông còn là lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các thủ tục đầu tư đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, đó là thời hạn giải quyết ngắn hơn, nhanh hơn. Nhiều thủ tục thực hiện trực tiếp qua mạng giúp rút ngắn thời gian giải quyết.

"Điều khiến DN bức xúc hiện nay là nhiều quy định chưa rõ ràng, thay đổi xoành xoạch. Kế hoạch kinh doanh của DN không thể ngắn hạn dưới 5 năm và lập trên cơ sở luật pháp hiện hành. Việc thay đổi bất ngờ của luật có thể làm phá sản kế hoạch, gây nhiều thiệt hại cho DN”, ông Lý cho biết.

Để tồn tại, con đường hiển nhiên nhất là các tổ chức hành nghề luật Việt Nam phải sáp nhập với nhau nhằm nâng cao khả năng tác nghiệp và năng lực cạnh tranh. Sau khi bàn bạc, trao đổi, VLT Lawyers thống nhất sáp nhập với một công ty luật thành lập từ năm 2003.

MỚI - NÓNG