Trên đe, dưới búa tự sự

Thợ đang rèn dao ở lò ông Hai Ơn.
Thợ đang rèn dao ở lò ông Hai Ơn.
TP - Cả đời gắn bó với búa và đe nhưng thu nhập chẳng là bao trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, với họ đó là niềm đam mê với nghề truyền thống.

Nghề rèn... rèn nghề

Nửa cuối tháng tư, nắng như đổ lửa, trong cơ sở chừng vài chục mét vuông của ông Nguyễn Văn Ơn (Hai Ơn), ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu) tiếng búa dội xuống đe không ngừng nghỉ từ ba thợ rèn lực lưỡng. Ông Hai Ơn loay hoay dưới hầm đốt lửa lò… Tất cả ướt đẫm mồ hôi. 

Dừng tay làm, ông Ơn vội leo lên mặt đất, tay nắm vạt áo lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Ông Ơn cho biết, Nghề rèn của xóm có bề dày gần trăm năm. Ở đây, đường sá đi lại còn khó khăn bởi sông ngòi chằng chịt nhưng vẫn nức tiếng gần xa bởi chất lượng của sản phẩm do thợ làm ra. Mọi người vẫn hay truyền tai nhau về loại dao vừa bén lại vừa bền nổi tiếng. Không chỉ sản xuất các loại dao lớn nhỏ để làm bếp mà các lò rèn còn làm nhiều sản phẩm khác như lưỡi búa, liềm, rựa, phảng, búa gò, đê cầm tay, cùng những dụng cụ phục vụ nông nghiệp như lưỡi cày, cán trục.

“Nghề rèn cũng như rèn nghề vậy, rèn càng lâu, càng kỹ thì món đồ làm ra càng tốt, càng bền. Một nông cụ rèn xong phải qua quá trình tôi luyện gian nan, đau đớn. Nung, đập, giũa, rèn… nhưng khi hoàn thành sẽ trở thành một dụng cụ giúp ích cho con người chứ không chỉ là cục sắt vô tri nữa”.

Ông Nguyễn Văn Ơn

Ông Hai Ơn kể: “Hơn chục năm trước, lúc nghề rèn hưng thịnh, lò đỏ lửa suốt ngày đêm mà vẫn không kịp đơn đặt hàng. Thời đó, cả xóm có tới 40 - 50 chục lò rèn nhưng số người theo nghề này lại không nhiều, vì đây không phải là công việc dễ dàng. Người có năng khiếu, học ít nhất cũng 3 năm, hoặc lâu hơn nữa”. Theo ông, để có thể thành công với nghề thì người học phải có thể lực tốt, có đôi tay khéo léo. Không chỉ vậy, sự tinh nhạy của đôi mắt cộng với tính kiên nhẫn, và hơn hết là phải yêu nghề mới có thể trở thành người thợ rèn thực sự”.

Nói về chất lượng sản phẩm, ông Hai Ơn cho biết, công cụ rèn sắt thép của những người thợ không phải là lò luyện kim hiện tại hay bí truyền gì mà chỉ sử dụng các lò rèn thủ công được đốt bằng loại than củi dầu có sức tỏa nhiệt cao, nhanh chóng làm mềm thanh sắt. Người ta ví nghề rèn như một nghề “nắn sắt”. Người thợ nắn tượng thì chỉ cần một nhưng thợ nắn sắt phải cần ba đến bốn người phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với nhau. Không có bất kỳ một khuôn mẫu nào mà tất cả nhờ vào đôi mắt quan sát, kinh nghiệm lâu năm trong nghề người thợ có thể kiểm soát được nhiệt độ lò nung và nhiệt độ của sắt thép. Sau khi nung không bị quá già hay quá non, người thợ phải xác định được độ chín của sắt thép để kịp đem nhúng vào chậu nước bên cạnh. Đây là công đoạn quyết định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được rèn chất lượng phải đạt độ cứng mà không giòn, dẻo mà không mềm, mọi thứ đều phải dung hòa.

“Trước đây, trong ấp có đến 40 - 50 lò rèn, nó trở thành thương hiệu nổi tiếng của tỉnh vang danh khắp vùng. Tuy nhiên, hiện nay làm ăn khó ăn nên nhiều người thua lỗ chuyển sang nghề khác, thậm chí bỏ xứ đi làm xa. Giờ trong ấp còn khoảng 6 lò hoạt động lâu dời duy trì đến nay”.

 Trưởng ấp Thống Nhất,

chị Lê Mỹ Xuyên

Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian, người Việt quan niệm mỗi ngành nghề đều có vị tổ khai sinh nghề và phù trợ thì nghề mới phát. Nghề rèn cũng vậy, những người thợ tôn thờ vị tổ nghề và mỗi lò rèn đều có lập bàn thờ tổ nghề, tổ lò là chỗ dựa tinh thần cho người làm nghề. Hàng ngày, thợ rèn phải cầm cây búa to để đập sắt nung, tạo hình cho sản phẩm. Họ phải đập hàng trăm nhát búa, vậy mà từng nhát búa phải nguyên lực, đều đặn chuẩn xác như nhau.

Trò chuyện với ông hồi lâu, hỏi bí quyết “giữ lửa” nghề của ông là gì trong khi nghề này hiện nay không còn thịnh như trước? Ông Hai Ơn cười đáp: “Nghề rèn cũng như rèn nghề vậy, rèn càng lâu, càng kỹ thì món đồ làm ra càng tốt, càng bền. Một nông cụ rèn xong phải qua quá trình tôi luyện gian nan, đau đớn. Nung, đập, giũa, rèn… nhưng khi hoàn thành sẽ trở thành một dụng cụ giúp ích cho con người chứ không chỉ là cục sắt vô tri nữa. Cũng như quá trình rèn luyện tính cách, năng lực của con người là cả một quá trình cố gắng, vượt qua khó khăn, với lòng kiên nhẫn, hay nói cách khác rèn nghề cũng là rèn người”, ông Hai Ơn nói.

Xóm rèn đã góp phần đáng kể trong đời sống hàng ngày, không chỉ phục vụ cho dân cư tại chỗ mà còn cho các vùng lân cận. Nhà nào cũng cần sử dụng dao, cuốc, búa, phảng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Ơn, ngày xưa, đường sá chưa thông suốt, những gia đình ở xa chợ, mỗi lần muốn mua cây dao, cái cuốc cũng bất tiện, có người phải chèo xuồng hàng chục cây số mới đến xóm lò rèn để mua đồ hoặc đơn giản để sửa lại con dao, cái cuốc. Từ đó, ngoài việc lò rèn mọc lên nhanh, nhiều thợ rèn đã sắm ghe để làm lò rèn lưu động đến các vùng sâu vùng xa phục vụ bà con.

Trên đe, dưới búa tự sự ảnh 1

Ông Bảy Chiến (bên trái) cùng thợ đang rèn trên ghe. Ảnh: Hồng Mụi

Ông Bảy Chiến, chủ ghe rèn gần 20 năm rong ruổi khắp các sông rạch chằng chịt của vùng miền Tây. Ông Bảy kể, đi đến đâu cũng được bà con ủng hộ, gặp người rộng rãi còn cho thêm tiền công vì quý nhau, chút đỉnh có là bao đâu, nhưng đó là sự động viên, niềm vui để những người thợ tiếp tục lênh đênh theo con nước đến những vùng xa xôi, nơi bà con đang cần. Theo ông Bảy Chiến, mỗi chuyến ghe có khi cả tháng mới về nhà 1 lần. Ông từng đi khắp các con kênh dọc theo các vùng xa như Giá Rai, Gò Quao, U Minh, Giồng Riềng, Tân Hiệp…

Sống chết vẫn phải giữ nghề

Cách lò rèn ông Hai Ơn vài chục mét, nghe vọng tiếng búa đập sắt từ lò rèn anh Trần Văn Điệp. Anh Điệp tay cầm búa, tay cầm que sắt đưa vào lò đang đỏ rực, nung xong mang ra đặt chắc chắn trên thanh sắt rồi tỉ mỉ rèn cho nhọn. Người nhễ nhại anh kéo vạt áo lau mồ hôi trên trán rồi quơ tay bật quạt gió mi ni đặt sau lưng. Anh Điệp năm nay 37 tuổi người đem nhẻm, gầy nhom vui vẻ nói: “Tôi phải tranh thủ làm cho kịp giao cho khách hơn trăm mũi chỉa vào chiều nay”.

Anh Điệp gắn bó với nghề hơn 20 năm nay và là đời thứ 3 trong dòng họ làm nghề rèn. Từ ông nội gầy dựng, truyền cho cha, cha anh Điệp mới mất cách nay hơn 1 năm và giờ tới anh tiếp nối. “Trước đây, làm nghề này còn “có ăn” nhưng giờ nhiều lò ở nơi khác mở, họ làm ẩu, chất lượng thấp nhưng lại gắn tên “dao Ngan Dừa” riết rồi khiến sản phẩm xịn mất uy tín, dần dần thật giả lẫn lộn, người tâm huyết với nghề trở nên khó sống. Từ đó, nghề rèn ngày càng “teo” lại không còn sung túc như chục năm trước nữa. Nghề này giờ làm khó ăn hơn trước, nhưng may là cũng đủ đắp đổi qua ngày, còn hơn phải đi làm thuê. Cho dù khó khăn cỡ nào đi nữa tôi cũng không bỏ nghề. Hơn nữa, đó cũng là tâm huyết của ông, cha truyền lại”, anh Điệp tâm sự.

Trên đe, dưới búa tự sự ảnh 2

Anh Trần Văn Điệp trong lò rèn của mình.

Bà Nguyễn Thị Cúc, 65 tuổi là mẹ của anh Điệp cho biết, nhờ nghề rèn này mà vợ chồng bà nuôi 8 người con, cất nhà cửa đàng hoàng, nhưng giờ cạnh tranh quá nên ngày kiếm vài trăm, hôm ế ẩm thì vài chục ngàn chỉ đủ sống qua ngày.

Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi ghé thăm lò rèn của ông Quách Văn Hây. Ông năm nay 70 tuổi, đang nằm nghỉ trên võng ngay tại lò, gần mé sông. Ông kể: “Mới hôm qua có hơn chục sinh viên đến đây phỏng vấn rồi quay phim, chụp hình để làm tư liệu phục vụ việc học hành gì đấy, tôi sẵn sàng giúp ngay. Ở đây trái đường, lại khuất sâu nhưng lại thỉnh thoảng vẫn có khách nơi khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm hoặc đến đây mua dao về xài. Họ nói đến tận lò mua cho chắc ăn, chứ mua của người bán dạo ngoài đường không yên tâm”.

Gia đình ông làm nghề tới con trai ông là đời thứ 4. Ông kể, đi đâu làm gì cũng không bỏ được nghề. Đến nay, dù đã 70 tuổi, cái tuổi nghỉ ngơi nhưng thấy còn khỏe nên ông vẫn tiếp tục làm cùng con cháu. “Mấy năm trước, nhà có ghe hơn chục tấn đi kinh doanh củi cùng con trai, giao lò lại cho con trai út làm, nhưng đi được vài tháng gặp mùa mưa. Chạng vạng tối, nằm trên ghe nghe ếch nhái kêu vang trời là nhớ nhà, nhớ nghề nên quay về tiếp tục làm cho đến nay”, ông Hây tâm sự.

“Cách nay hơn chục năm, lần đầu tôi đem sản phẩm đi hội chợ triển lãm. Lúc đó, đem vài chục cây dao theo để triển lãm chơi nhưng không ngờ khi bán được vài cây thì người dân xài thấy tốt nên mấy hôm sau kéo đến mua nhiều đến nỗi không đủ bán. Rồi họ còn đặt hàng kêu chở tới nhà nhưng mình đâu có phương tiện gì nên không dám nhận lời”, ông kể.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.