Trẻ thiếu kỹ năng đối phó đuối nước

Ông Ngũ Duy Anh.
Ông Ngũ Duy Anh.
TP - Cả chục học sinh bị đuối nước trong vài ngày qua khiến dư luận như bị sốc. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT) thừa nhận, thực tế hiện nay việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường hầu như chưa triển khai được.

Ông Ngũ Duy Anh cho biết: Việt Nam hiện đứng đầu các nước trong khu vực về tai nạn đuối nước. Đuối nước dẫn đến tử vong ở trẻ em, học sinh, chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Nguyên nhân do phần nhiều học sinh không biết bơi; học sinh thiếu kỹ năng để phòng, tránh đuối nước. Trẻ chưa biết nhận biết những khu vực ao, hồ, sông suối, những nơi có nguy cơ cao có thể xảy ra tai nạn đuối nước; chưa có kỹ năng để tự đối phó; thiếu kỹ năng, cách thức tiếp cận để cứu người bị đuối nước nên có nhiều trường hợp xảy ra đuối nước tập thể; thiếu sự giám sát của người lớn.

Hàng loạt các vụ đuối nước vừa qua cho thấy học sinh gần như không được đào tạo kỹ năng?

Tôi thấy đa số tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh đều do không biết bơi, chỉ số ít em biết bơi nhưng vẫn gặp nạn.

Khi một em trong nhóm bị đuối nước, các em khác sẽ tìm cách để cứu bạn, tuy nhiên các em lại thiếu kỹ năng, không biết cách tiếp cận để cứu bạn, mà chỉ biết bơi ra để trực tiếp vớ lấy bạn để lôi vào (mà như chúng ta đã biết, khi người bị đuối nước, trong lúc vùng vẫy vớ được cái gì sẽ bám rất chặt), do vậy có nhiều trường hợp bị tử vong tập thể rất đáng tiếc.

Thông thường việc dạy và học bơi thường chỉ chú trọng đến việc học để biết bơi, ít quan tâm đến việc học các kỹ năng ứng phó khi gặp những tình huống, sự cố trong quá trình tham gia bơi lội, nên khi gặp sự cố các em thường bị lúng túng, không kiểm soát được bản thân và rất dễ dẫn đến bị tai nạn đuối nước.

Được biết Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch phát triển môn bơi trong trường học. Vậy kết quả ra sao, thưa ông?

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa môn bơi vào là môn học tự chọn từ rất lâu (từ những năm 1980) vào chương trình giáo dục thể chất trong trường phổ thông đã tuy nhiên việc triển khai còn gặp vô cùng khó khăn. Tháng 2/2010, Bộ GD&ĐT ra văn bản triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong đó đã xác định dạy bơi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2015, cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai được mô hình dạy bơi trong các trường.

Bộ GD&ĐT cũng phải thẳng thắn thừa nhận là việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường ở các cấp học hầu như chưa triển khai được do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến số lượng trường học được đầu tư bể bơi là rất ít (hầu như chưa có) chỉ có 1 số trường điểm, trường chuẩn quốc gia (số trường này rất ít). Đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn yếu và thiếu, hơn nữa, trường không có bể bơi họ cũng không có cơ sở vật chất để dạy. Việc triển khai công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước nói chung hiện nay và trong nhà trường nói riêng mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền nhận thức giáo dục hành vi.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.