Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, vừa được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ở San Diego (Mỹ).
Trong nghiên cứu, Faraz Ahmad, tiến sĩ chuyên khoa tim thuộc Trường Đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ), cùng các cộng sự đã theo dõi và xem xét dữ liệu y tế của hơn 18.000 người, trong khoảng thời gian trên 40 năm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, những người bị béo phì, cao huyết áp và tiểu đường ở tuổi 45, được chẩn đoán suy tim sớm hơn trung bình từ 11-13 năm so với những người không mắc phải các yếu tố nguy cơ này.
Cụ thể, độ tuổi trung bình được chẩn đoán suy tim là 80 đối với nam và 82 đối với nữ không mắc phải các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim ở độ tuổi 45, so với độ tuổi trung bình được chẩn đoán suy tim vào cuối thập niên 60 tuổi đối với nam và đầu thập niên 70 tuổi đối với nữ trong số những người mắc phải các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim ở độ tuổi 45.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, những người mắc phải một hoặc 2 trong số 3 yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, thường phát triển chứng suy tim sớm hơn trung bình từ 3 - 11 năm so với những người không mắc phải các yếu tố nguy cơ nào.
Tiến sĩ Ahmad khuyến cáo, những phát hiện này của chúng tôi có thể giúp mọi người nâng cao nhận thức về việc phòng tránh các yếu tố nguy cơ chính gây suy tim khi về già.
Trong đó việc tuân thủ lối sống lành mạnh như thực hiện chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, không hút thuốc lá, thường xuyên rèn luyện thể chất, tầm soát trầm cảm… ngay từ khi còn trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chứng suy tim ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người tại Mỹ. Chứng suy tim không chỉ làm suy giảm chức năng tim mà còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các triệu chứng phổ biến ở người suy tim bao gồm mệt mỏi, viêm, ho mãn tính hoặc thở khò khè. Đặc biệt có khoảng 1/2 số bệnh nhân suy tim dẫn đến tử vong trong vòng năm năm sau chẩn đoán.