"Ton tó (con chó)", "ton ăn tá (Con ăn cá)"... là những phát âm ngọng nghịu, đớt đấy hay gặp ở trẻ mới tập nói mà nhiều người thích thú vì dễ thương. Tuy nhiên, theo BS Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai mũi họng BV Nhi Đồng 1, hầu hết trẻ nói ngọng là khong bình thường, vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý mà cha mẹ không ngờ tới.
Viêm tai giữa
Mỗi lần cậu con trai ba tuổi mở miệng là cả nhà chị Duyên cười nắc nẻ vì bé ngọng líu ngọng lo, hầu như chỉ phát âm mỗi chữ c, “con cào cố, con cào cẹ” (con chào bố, con chào mẹ). Chị Duyên hay đùa với chồng: “Chắc mỗi bài hát: con cò con cắn con cò cha là con mình không ngọng”. Chuyện bé nói ngọng lúc đầu cả nhà chị Duyên thấy bình thường, thậm chí vui, vì trông ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Tuy nhiên, đến khi ba-năm tuổi mà con vẫn không thể phát âm rõ, dù tối nào vợ chồng chị cũng chơi đùa, sửa cho con từng chữ, chị Duyên quyết định đưa con đến BV Nhi Đồng 1 khám thì mới té ngửa: con chị nói ngọng vì bị viêm tai giữa (VTG) nên sức nghe kém, khiến phát âm không chuẩn. May mắn bé mới bị điếc độ I nên còn có cơ hội phục hồi khả năng nghe và nói. Sau một tháng điều trị bệnh VTG và bảy tháng tập vật lý trị liệu, bé đã phát âm bình thường.
BS Đặng Hoàng Sơn cho biết, khi trẻ nói ngọng, nhiều người thường “buộc tội” họng - lưỡi, nhưng có một thực tế mà khoa Tai mũi họng BV Nhi Đồng 1 thường gặp là: chủ yếu trẻ nói ngọng do bị VTG, thậm chí có trường hợp trẻ bị điếc đến độ II mà người nhà không hay. VTG là bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới hai tuổi và đây là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ chậm nói, nói ngọng mà cha mẹ ít ngờ tới.
Do VTG mới khởi phát không có triệu chứng rõ ràng: trẻ không sốt, không bị chảy mủ ra ngoài tai… hơn nữa trẻ còn nhỏ chưa nói được nên cha mẹ thường không phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ngoài ra, còn một sai lầm thường gặp là khi bé bị sốt, tai chảy mủ thì cha mẹ tự mua thuốc kháng sinh cho bé uống, thấy đỡ thì dừng.
Hay ngay cả khi đưa con đi BS, thông thường phác đồ điều trị VTG phải từ hai-ba tuần, nhưng thấy con ổn thì cha mẹ ngưng thuốc vì tâm lý sợ kháng sinh. Vì vậy, bệnh VTG dễ có nguy cơ tái phát, tiến triển nặng hơn, gây tổn thương xương chũm, có thể thủng màng nhĩ khiến trẻ bị điếc, nghe không rõ, bị méo tiếng nên chậm nói và nói ngọng. Đặc biệt, VTG nghiêm trọng, ở cấp độ II trẻ sẽ bị điếc hai bên và bị ngọng vĩnh viễn, không khắc phục được.
Dính thắng lưỡi
Dính thắng lưỡi là một dạng dị tật bẩm sinh ở trẻ, do dây thắng lưỡi ngắn, hoặc dính dây thắng lưỡi làm lưỡi bé không linh động, dẫn đến phát âm khó khăn, ngọng nghịu. Dính thắng lưỡi có hai dạng: dính thắng lưỡi hoàn toàn và dính một phần do thắng lưỡi ngắn. Bệnh lý này thường gặp ở bé trai và có khoảng 4-5% trẻ sơ sinh bị dị tật dính thắng lưỡi.
Trường hợp dính thắng lưỡi hoàn toàn phụ huynh có thể nhận diện được bằng cách quan sát lưỡi của bé: nếu bé không thể thè lưỡi dài, không liếm môi được là bị dính thắng lưỡi. Trẻ bị dính thắng lưỡi gặp khó khăn khi bú nên tăng cân chậm và chậm nói hay nói ngọng. Cách điều trị dị tật này khá đơn giản là bấm dính thắng lưỡi càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, phụ huynh thường không phát hiện sớm bệnh lý này nên chỉ đến khi tình trạng nặng hơn hoặc tình cờ khám bệnh này lại “lòi” thêm bệnh khác. Chị Cao Quỳnh Y., ở chung cư Chu Văn An, Q. Bình Thạnh, TP.HCM kể: “Bé nhà mình được 21 tháng tuổi, cháu chỉ 11kg, nhưng nói khá nhiều.
Tuy nhiên, phân nửa là nói ngọng như: đi ngủ thành đi nhủ, đi về thành đi bề, con khỉ thành con hỉ. Mình cứ tưởng bé bị ngọng sinh lý nên chẳng lo, nhưng tình cờ một lần đi khám bệnh, BS bảo cái thắng lưỡi của con mình hơi dày làm cho lưỡi khó cong lên để phát âm nên bị nói ngọng, làm bé chậm tăng cân, và BS khuyên nên bấm thắng lưỡi cho bé. Quả thật, sau khi bấm thắng lưỡi, kết hợp ba mẹ chỉnh sửa phát âm cho con, tật nói ngọng của bé đã được khắc phục và bé cũng ăn uống tốt, tăng cân khá hơn”.
Bên cạnh đó, trẻ nói ngọng còn do thanh quản bị tổn thương khiến âm thanh không tròn hay bị liệt lưỡi, lệch khớp cắn (hai khớp thái dương hàm bị lệch do răng mọc lệch hay trẻ bị té); amiđan to cũng là nguyên nhân khiến trẻ nói chuyện đớt đát, ngọng nghịu.
Theo BS Đặng Hoàng Sơn, trừ yếu tố liên quan đến giọng địa phương, vùng miền hoặc người giữ trẻ nói ngọng, đớt, thì trẻ nói ngọng là không bình thường, đặc biệt qua ba tuổi mà trẻ vẫn nói ngọng là có dấu hiệu của bệnh lý nên cha mẹ cần đưa con đi khám.
Để hạn chế việc trẻ nói ngọng, phụ huynh cần lưu ý: khi trò chuyện với trẻ phải nói rõ ràng, không nói đớt, nói nhại vì trẻ sẽ bắt chước; thấy trẻ nói sai, nói ngọng phải sửa ngay; chọn người chăm sóc trẻ nói chuyện dễ nghe, phát âm đúng; không cho trẻ xem ti vi, máy tính quá nhiều vì làm cung phản xạ nghe nói gián đoạn, lúc đó sẽ hình thành phản xạ nhìn - nói, làm hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Đặc biệt, khi trẻ bị cảm, cần quan tâm đến tổn thương tai ở trẻ, điều trị ngay và thông nhĩ, vá nhĩ sớm để phục hồi chức năng nghe - nói của trẻ. Trường hợp phụ huynh nghi ngờ trẻ nói ngọng do bệnh lý thì việc trước tiên là đưa con đến BV khám, tìm ra nguyên nhân chính xác để điều trị kịp thời. Sau đó tìm phương pháp uốn nắn, chỉnh sửa khắc phục tật nói ngọng, nói đớt của con.