Con tôi hơn 5 tháng tuổi, mấy ngày gần đây tôi thấy cháu quấy khóc nhiều, nướu sưng đỏ, biếng ăn. Tôi nghĩ cháu mọc răng nhưng lại không thấy con sốt, chảy nước dãi là những triệu chứng thông thường khi bé mọc răng. Liệu tôi có phải đưa con đến bệnh viện khám không ạ? (Nguyễn Thuỳ Liên, Trấn Yên, Yên Bái).
Th.s - BS Nguyễn Anh Sơn:
Răng bắt đầu mọc khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi và tiếp tục cho đến 3 tuổi. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ có nướu mềm thấy khó chịu. Bạn hãy giúp trẻ thoa nướu bằng ngón tay hay một cái muỗng nhỏ được làm lạnh. Bạn cũng có thể sử dụng gel hoặc thuốc giảm đau khi trẻ mọc răng.
Bé nhà em mọc chiếc răng đầu tiên khi đã 9 tháng tuổi, khi nào thì bé sẽ mọc đủ hàm răng sữa, thưa BS? Liệu mọc răng muộn như vậy có ảnh hưởng gì tới hàm răng vĩnh viễn sau này của bé không? Bé có bị còi xương khi mọc răng quá muộn như vậy không ạ? Xin cảm ơn BS. (Vũ Nhi Anh, Đống Đa, Hà Nội).
Th.s - BS Nguyễn Anh Sơn:
Những chiếc răng sữa đầu tiên của bé mọc vào lúc bé được khoảng 6 tháng tuổi, và bé có đủ 20 chiếc răng sữa khi được khoảng hai đến hai tuổi rưỡi.
Quá trình thay răng thường kéo dài đến khoảng 12 tuổi, lúc đó trẻ đã có 28 răng trong bộ răng vĩnh viễn, 4 chiếc răng hàm cuối cùng còn gọi là răng khôn sẽ mọc lên trong độ tuổi 20 khi khung hàm đã phát triển đầy đủ, đủ chỗ cho bộ răng vĩnh viễn bao gồm 32 chiếc.
Số lượng răng là một trong những dấu hiệu dùng để theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ. Những chiếc răng đầu tiên mọc lên báo hiệu trẻ có thể bắt đầu ăn các thức ăn đặc hơn sữa.
Số răng của trẻ có liên quan đến số tháng tuổi: thông thường số răng bằng số tháng tuổi trừ đi 4. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ: có vài trẻ sinh ra đã có sẵn 1-2 răng, hoặc có một số trẻ đến 8-9 tháng mà vẫn chưa mọc chiếc răng cửa đầu tiên.
Những vấn đề này có thể hoàn toàn là sinh lý, nếu như trẻ vẫn phát triển tốt về tất cả mọi mặt khác: thể chất và tinh thần. Điều cần quan tâm là phát hiện sớm các trường hợp chậm mọc răng có liên quan đến thiếu dinh dưỡng, thiếu canxi, còi xương do thiếu vitamin D... để kịp thời cải thiện chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ cho phù hợp.
Trẻ chậm mọc răng thường do thiếu canxi để phát triển các mầm răng. Thức ăn chính của trẻ là sữa. Sữa là loại thức ăn giàu canxi nhất và dễ hấp thu nhất nên trẻ không thiếu nguồn cung cấp canxi, trừ những trẻ bú mẹ mà mẹ ăn uống kiêng khem làm giảm chất lượng của nguồn sữa.
Khi trẻ chậm mọc răng, nên kết hợp thêm các dấu hiệu của một tình trạng thiếu dinh dưỡng chung như chậm phát triển cân nặng, chiều cao và các triệu chứng của còi xương như ngủ không ngon giấc ban đêm, hay giật mình khóc thét, có những cơn khóc ngất tím cả người, đổ mồ hôi trộm ban đêm, bẹp hộp sọ, lồng ngực lép, thóp rộng... thì chậm mọc răng ở trẻ là do còi xương.
Cần gia tăng khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ, nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn động vật, chất béo... Việc bổ sung thêm vitamin D và canxi dưới dạng thuốc là cần thiết tuy nhiên phải được chỉ định của bác sĩ. Các bà mẹ không được tự ý sử dụng vitamin D, vì có thể làm trẻ bị ngộ độc khi dùng liều cao hoặc thời gian dùng quá dài.