Trẻ chán ăn, càng ép càng… biếng

Việc nhồi nhét trẻ ăn vô hình chung cha mẹ đang gây bệnh cho trẻ (Ảnh minh họa)
Việc nhồi nhét trẻ ăn vô hình chung cha mẹ đang gây bệnh cho trẻ (Ảnh minh họa)
Cha mẹ nào cũng muốn con ăn nhiều và ép ăn lấy được. Vì sợ con còi cọc, chỉ cần con chán ăn là ra sức “nhồi. Thế nhưng, tình yêu thương thiếu khoa học đó sẽ khiến trẻ càng biếng ăn.

Sinh bệnh biếng ăn tâm lý vì bị ép ăn

Thực tế có nhiều bà mẹ quá đề cao chế độ dinh dưỡng của trẻ, chỉ cần con không ăn một bữa hoặc ít hơn mọi ngày là đã căng thẳng. Và khi đó, việc cố đè con ra “nhồi” xảy ra. Nhiều gia đình cố ép cho trẻ ăn đủ trong khi trẻ không chịu ăn, ngậm, nhè hoặc khóc mỗi lần đến bữa; trẻ không muốn ăn hoặc ăn xong bị nôn, bố mẹ lại ép cho con ăn tiếp… Do luôn bị ép ăn trước khi đói, dần dần trẻ sẽ sinh ra biếng ăn tâm lý. Thậm chí, có trẻ phải cấp cứu vì ép ăn.

Trường hợp bé Nhím, 14 tháng (Hà Nội) là một ví dụ. Thấy con hơi gầy so với những bé cùng tháng ở xóm, ba mẹ bé quyết định thực hiện một chương trình “vỗ béo”. Mỗi bữa mẹ bé ép cháu ăn một bát cơm đầy và uống thêm sữa. Lúc nào bé tỏ vẻ không muốn ăn là chị đặt chiếc roi bên cạnh canh chừng. Nhiều khi sợ quá, bé liền nuốt chửng và không ít lần đã bị sặc. Và sau một tháng, bé lên được 5gr nhưng thường xuyên ợ hơi ngay cả khi đói. Đưa con đi khám, bố mẹ bé mới giật mình khi bác sỹ kết luận bé có dấu hiệu của bệnh dạ dày.

Hay cháu Nguyễn Thị Liên, 8 tháng (Phú Thọ) lười ăn nên mỗi lần đến giờ ăn mẹ thường vật ngửa ép cháu ăn, mặc cho cháu khóc. Mỗi lần cho bé ăn là một người giữ, một người cậy miệng bé để đổ sữa, cháo vào miệng rồi trợn mắt dọa dẫm con cho đến khi bé ăn hết khẩu phần mới thôi. Vừa qua, cháu đã phải cấp cứu do sặc cháo.

Ths.Bs kế hoạch dinh dưỡng Nguyễn Trọng An - Nguyên Cục phó Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho hay, trẻ chán ăn có nhiều nguyên nhân. Biếng ăn tâm lý đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân do các cha mẹ cứ lo ép, nhồi nhét cho con ăn khiến trẻ không thoải mái khi ăn nên sinh biếng ăn. Thực ra, không phải cứ “nhồi” cho con ăn thật nhiều là trẻ sẽ béo tốt, lên cân, phát triển khỏe mạnh. Trẻ không chỉ không tiêu hóa được, hấp thụ ít mà còn ảnh hưởng tâm lý và tinh thần. Cố gắng cho trẻ ăn vừa đủ trong không khí thoải mái với một bữa ăn ngon miệng, trẻ sẽ hấp thu tốt, lên cân nhanh. Trẻ có thể bỏ một hai bữa cũng không ảnh hưởng gì.

Cha mẹ cũng đừng nghĩ rằng con to béo đã là tốt. Những trẻ thừa cân, béo phì khi 45 tuổi trở lên sẽ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, đột quỵ… cao hơn với trẻ khác. Trong 5 năm đầu đời, tác động yếu tố di truyền là rất ít mà chủ yếu chế độ dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng ở đây không chỉ ăn, uống mà còn là tinh thần. Cha mẹ cần tôn trọng việc ăn uống của con kể cả khi trẻ từ chối, đừng quá chú trọng tới chế độ dinh dưỡng mà quên đi sự phát triển tinh thần, thể chất của trẻ. Điều đó sẽ giúp trẻ phát triển tốt.

“Việc ép buộc, quát mắng, thậm chí lấy roi ra dọa…hoặc bóp mồm cho con ăn sẽ gây sang chấn tâm lý ở trẻ. Khi bị ép ăn đã tạo ra sự căng thẳng, sợ hãi ở trẻ. Kéo theo đó khiến trẻ bị stress kéo dài, rối nhiễu về tâm lý hoặc có thể sinh ra phản ứng ngược là trẻ không ăn nữa dẫn tới suy dinh dưỡng. Chúng ta không thể lường được hết các bệnh tật gây ra do sức ép từ tâm lý. Đặc biệt trẻ có thể sinh ra nói lắp, mắc bệnh đái dầm, quậy phá, trầm cảm, tăng động…” – Ths.BS Nguyễn Trọng An.

Cách “trị” chán ăn ở trẻ

Để “trị” chứng biếng ăn ở trẻ, theo BS Trọng An phụ thuộc vào từng nguyên nhân. Chẳng hạn, bé có thể chán ăn do không hợp khẩu vị, món ăn đơn điệu. Cha mẹ hãy nhớ “tô màu cho bát bột” – hôm nay màu đỏ, ngày mai bát bột có màu xanh của rau nghiền, ngày kia có màu nâu của chút gan gà, ngày kìa bát bột có màu vàng của bí ngô... Tức là, thường xuyên thay đổi món ăn cho trẻ và chế biến từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Các loại thực phẩm cần được chế biến đúng cách để tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ kích thích trẻ ăn ngon hơn, tránh nhàm chán. Bữa ăn cần đảm bảo 4 nhóm thức ăn là đạm, đường, mỡ…

Để giúp trẻ ngon miệng nên thực hiện cách sau:

- Trong quá trình trẻ ăn, nên để trẻ ăn một cách thoải mái, được tự do lựa chọn thức ăn… tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong khi ăn để trẻ chọn những món ưa thích. Nên tách riêng từng món, thay vì trộn lẫn.

- Không nên cho trẻ ăn đồ ngọt, uống sữa hay nước trái cây gần trước bữa ăn dẫn tới tình trạng giả no, trẻ không có sự thèm muốn với các món ăn.

- Rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ giấc và khoa học. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều vào một thời điểm hay một bữa. Trẻ nhỏ cần ăn ít một và làm nhiều bữa phụ.

- Hỗ trợ men tiêu hóa sống trước bữa ăn 30 phút giúp cho em bé tiêu thức ăn nhanh, đói nhanh. Khi đói thì bé sẽ đòi ăn nhưng cần sự hướng dẫn của bác sỹ. Ngoài ra cần định kỳ 6 tháng phải tẩy giun cho trẻ, đặc biệt trẻ ở nông thôn.

- Kích thích cảm giác thèm ăn của trẻ bằng sữa chua. Mỗi ngày, trẻ chỉ cần cung cấp cho cơ thể 226g sữa chua có nghĩa là đã bổ sung 20% lượng protein cần thiết và 30% - 40% nhu cầu canxi cho cơ thể - giúp trẻ tăng trưởng chiều cao.

Còn với những trẻ biếng ăn có liên quan đến bệnh lý, đặc biệt gây sụt cân cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt, giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tăng cân. Tốt nhất nên đến khám chuyên khoa. Có thể thêm vitamin B1, men tiêu hóa với những trẻ thiếu cân, thiếu tháng. Hoặc những trẻ bị còi xương, thiếu máu thì bác sỹ sẽ cho những thuốc hỗ trợ để trẻ cải thiện vấn đề ăn.

Theo Phương Thuận

Theo Giadinh.net.vn
MỚI - NÓNG