Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và quyết định lùi thời điểm thông qua sang Kỳ họp thứ 9 (diễn ra vào tháng 5 tới), để có thời gian tiếp tục nghiên cứu, rà soát tổng kết các quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của Quốc hội.
Qua tổng hợp ý kiến của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH và thảo luận tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng thông tin một số nội dung của dự thảo luật vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay thì cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên 37 tới 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa.
Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc hội, nhiều ý kiến nhất trí với việc cần đơn giản hóa, giảm tầng nấc, không nên phân biệt thành quá nhiều loại chức danh trong Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, vì Hội đồng, Ủy ban hoạt động theo nguyên tắc tập thể, mỗi thành viên đều có tiếng nói và quyền biểu quyết như nhau. Nhiều ý kiến cũng đề nghị giữ lại chức danh Ủy viên Thường trực để thể hiện tốt hơn vai trò, vị thế của đại biểu, thuận tiện trong quá trình công tác.
Về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, đây là nội dung rất quan trọng, còn có ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội; có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Nội dung này được đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn để nâng thành Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội với đầy đủ thẩm quyền thẩm tra, giám sát, kiến nghị như các Ủy ban khác hoặc thành lập cơ quan Thanh tra Quốc hội để có thể xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến kiến nghị của công dân, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, như vậy thì cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn, kiến nghị sửa đổi đồng bộ chức năng, nhiệm vụ của các quan khác của Quốc hội hoặc trong bộ máy nhà nước.
Đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn đối với ĐBQH
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, trong đó, ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; cần luật hóa vấn đề đánh giá, phân loại đối với ĐBQH chuyên trách ở địa phương; nghiên cứu đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sao cho gắn gọn, phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo phạm vi hoạt động của Ủy ban phụ trách.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị xác định vị trí đặc biệt quan trọng của Quốc hội trong bộ máy nhà nước; tránh xu hướng hành chính hoá tổ chức và hoạt động của Quốc hội bằng việc quy định nhiều tầng nấc trong tổ chức các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; coi ĐBQH là hạt nhân trung tâm của Quốc hội để xác định đúng nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu và có cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nên coi đoàn ĐBQH là cơ quan của Quốc hội. Đây là tổ chức để tạo điều kiện cho ĐBQH ở địa phương hoạt động, kết nối giữa ĐBQH với các cơ quan của Quốc hội. Ông đề nghị giữ nguyên như hiện tại.
Về các đề án chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần xin ý kiến Bộ Chính trí trước khi đưa ra Quốc hội quyết định.