Có ĐB hầu như không phát biểu bao giờ
Theo Luật, ĐBQH phải thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình như thế nào, thưa ông?
Hiến pháp 1992 quy định “ĐBQH phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu” của mình. Tổng kết Hiến pháp 1992 nhiều ý kiến cho rằng đã là ĐB thì phải hết mình phục vụ cho công tác, nếu chỉ nói “dành thời gian” thì chưa chính xác, giống như anh chỉ làm thêm việc đó thôi.
Chính vì vậy Hiến pháp sửa đổi đã quy định rõ hơn “ĐBQH có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu”. Quy định rõ trách nhiệm của ĐB rồi, anh phải toàn tâm toàn ý để làm nhiệm vụ của người đại biểu.
Quan sát tại các kỳ họp thì ý kiến đóng góp vào các báo cáo, các dự án luật chủ yếu vẫn là ĐB chuyên trách. Ở các đoàn thì phó đoàn chuyên trách phát biểu hăng hái nhất, còn những ĐB khác cũng ít phát biểu hoặc chỉ phát biểu thảo luận ở tổ. Có những ĐB hầu như không phát biểu bao giờ.
Như ông nói, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động QH là phải tăng ĐB chuyên trách, vậy tăng theo hướng nào?
Đổi mới hoạt động QH là quá trình, không thể làm ngay được trong một lúc, dù đây cũng là vấn đề bức thiết. QH nhiều nước đều có tỷ lệ 100% ĐB chuyên trách. Chúng ta cũng chủ trương ĐBQH hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, nhưng tỷ lệ ĐB chuyên trách còn thấp.
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
“Quan sát tại các kỳ họp thì ý kiến đóng góp vào các báo cáo, các dự án luật chủ yếu vẫn là ĐB chuyên trách. Ở các đoàn thì phó đoàn chuyên trách phát biểu hăng hái nhất, còn những ĐB khác cũng ít phát biểu hoặc chỉ phát biểu thảo luận ở tổ. Có những ĐB hầu như không phát biểu bao giờ”.
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
Cho nên chủ trương tăng ĐB chuyên trách sẽ phải thực hiện. Trước mắt nhiều người cho rằng nên tập trung số ĐB chuyên trách các cơ quan của QH ở trung ương như các Ủy ban, Hội đồng dân tộc. Cụ thể tăng số lượng phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban Hội đồng dân tộc, để đáp ứng yêu cầu công việc.
Còn ở các địa phương, chắc sẽ phải tính toán thêm. Hiện nay chỉ có Đoàn ĐBQH TPHCM, Hà Nội là có 2 ĐB chuyên trách, còn lại đều chỉ có 1 ĐB chuyên trách thôi. Nếu tăng mỗi đoàn lên 2 người phải tính cụ thể, phải gắn với chức trách, nhiệm vụ, sao cho hoạt động có hiệu quả. Nếu không khéo, tăng thêm người mà không biết tổ chức sẽ còn bất cập, lãng phí.
Đừng để ĐB ngồi chờ việc
QH khóa tới có thể tăng ĐB chuyên trách lên bao nhiêu phần trăm và đi liền với đó cần có giải pháp gì, có nên luật hóa tỷ lệ ĐB chuyên trách vào Luật tổ chức Quốc hội đang xem xét sửa đổi không?
Hiện nay số ĐB chuyên trách trong QH chưa cao, mới khoảng trên 30%. Chủ trương của chúng ta là phấn đấu nâng lên cao hơn. Lâu dài, chúng ta mong muốn tỷ lệ này ít nhất phải đạt 50% nhưng trong nhiệm kỳ tới, vì nhiều lý do có thể nâng lên một tỷ lệ nhất định thôi.
Qua thông tin từ các hội thảo và một số đề án, theo tôi có thể tăng lên ít nhất từ 40-45% ĐB chuyên trách. Chủ trương là chúng ta kiện toàn, hoàn thiện bộ máy của QH cũng như các cơ quan của QH theo quy định tại Hiến pháp mới.
Như vậy phải nâng chất lượng ĐBQH và nâng tỷ lệ ĐB chuyên trách lên mức phù hợp, nhưng tỷ lệ bao nhiêu, còn phải bàn thêm nữa. Nếu đưa ngay vào luật thì khó về sau, bởi nó còn liên quan cả công tác cán bộ chung của cả hệ thống chính trị của chúng ta.
Vậy vì sao đã có chủ trương nâng số lượng ĐB QH chuyên trách lên nhưng thực tế lại tăng rất chậm và khó đạt mục tiêu?
Nếu tăng ĐB chuyên trách, chúng ta có thể sẽ mở ra nhiều hoạt động khác của QH như các hội nghị chuyên trách, cho ý kiến đối với các dự án luật. Chất lượng hoạt động QH và chất lượng làm luật sẽ tốt hơn. Nhưng cái chính là phải có sự đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế.
Hoạt động QH và làm luật của ta có đặc thù, cần có sự liên hoàn từ các khâu. Hiện nay, các dự án luật vẫn chủ yếu do Chính phủ trình sang để các cơ quan chuyên môn của QH thẩm tra. Nếu tăng thêm người mà các khâu phối hợp không tốt có khi lại xảy ra tình trạng ngồi chờ việc. Chỉ cần khâu chuẩn bị dự án luật không kịp thời, sẽ xảy ra dồn toa nhưng nhiều lúc cũng phải chờ đợi, không phát huy được, rất lãng phí.
Hiện nay chúng ta đang dự thảo Luật tổ chức QH sửa đổi để năm sau thông qua, trong đó quy định cụ thể hơn về mặt tổ chức, có thể tăng thêm số lượng các cơ quan, các ủy ban của QH, số lượng, thành phần ĐB cũng sẽ phải tính đến hợp lý hơn. Tuy nhiên, đấy là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa. Đổi mới tổ chức, bộ máy QH phải có sự đồng bộ, nếu không sẽ không hiệu quả.
Cảm ơn ông.