Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” diễn ra sáng nay 1/4 tại Hà Nội, nhà sử học Lê Văn Lan phân tích dưới góc nhìn sử học về hiện tượng cúng vong, trục vong, giải nghiệp.
“Ở Việt Nam, những gì từ thời cận đại vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Những vấn đề thực thể từ thời trung cổ vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Đấy là đặc điểm phát triển có tính quy luật của Việt Nam. Điều này lí giải vì sao, ở thời hiện đại rồi mà vẫn còn cúng vong, trục vong, giải nghiệp. Đó là sản phẩm từ thời trung cổ, thậm chí từ thời nguyên thủy. Nhưng vẫn có kiếp sống kéo dài như thế, đến tận hôm nay”, ông nói.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng cần có sự vào cuộc của nhà quản lý để dẹp loạn u mê |
Ông đề xuất cần vai trò của cơ quan quản lý văn hóa xã hội. “Một thời chúng ta làm rất chặt chẽ, nghiêm khắc nhưng hiện nay lại xuất hiện nhiều bất cập. Vì vậy, để trở lại thế cân bằng thì chúng ta cần phải nâng trình độ dân trí”, nhà sử học Lê Văn Lan nói. Ông cho rằng những hình thức thực hành tâm linh như CLB Tình người khiến cho con người khiếp nhược, “nỗi khiếp nhược của người nguyên thủy không thể là nỗi khiếp nhược của người hiện đại”. Ông kiến nghị cơ quan chức năng phải hành động ngay để chấm dứt việc này.
Thực hành tâm linh là nhu cầu tự thân và đáng tôn trọng của mỗi người, tuy nhiên có những việc đi vào mê lầm. Để không rơi vào mê tín, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng chúng ta cần thực hành phù hợp với sự phát triển xã hội, ở lát cắt của thời gian nào thì cần có niềm tin phù hợp. Phù hợp với chuẩn mực, phù hợp với phẩm chất của người tin và thực hành tín ngưỡng sao có chánh tín và không mê tín. “Bình tĩnh, sáng suốt và tỉnh táo, đó là những phẩm chất cần có cộng với sự chủ động để không bị rủ rê”, ông nói.
Thượng tọa Thích Minh Quang, UV Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Chánh Văn phòng TƯ. GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam phân tích, nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng, cầu bình an cho gia đình, người thân là nhu cầu chính đáng của nhân dân, Phật tử. Điều này quy định trong Hiến pháp 2013, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tất cả tôn giáo đều bình đẳng.
Thượng tọa Thích Minh Quang kêu gọi Phật tử, người dân không ngừng tự tu học, thực hành chánh tín |
“Ở đây chúng ta phân biệt đồng dị, tín ngưỡng ở các tôn giáo. Ở Việt Nam, các Phật tử đều theo tín ngưỡng cũng theo tôn giáo. Có người quy y Tam bảo, có người lần đầu tiên đến với chùa, vậy nên chúng ta nên có cái nhìn tổng thể. Ở đây những người đến với đạo Phật, đạo là con đường, Phật là giác ngộ. Giác ngộ về bản thân cuộc đời, thế giới. Cuộc đời là vô thường, sinh, lão, bệnh tử. Chúng ta giác ngộ bản thân từ đó tu tập đem lại an lạc chính mình và những người xung quanh”, Thượng tọa nói.
Bản chất của đạo Phật chính là giác ngộ, giải thoát nhưng một số người chưa hiểu biết đã biến Đức Phật thành ông thần để cầu xin. “Tôi vẫn nói đùa, các vị khoán cho Phật nhiều việc quá. Tôi có quan sát, thực tế, có những đối tượng đến chùa nhiều khi đến bằng cảm tình, hoặc ông bà cha mẹ tổ tiên đến chùa thì tôi cũng đi chùa, hoặc cầu phát tài, mua may bán đắt. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, quần chúng đến chùa tu theo đạo ngày càng đông. Tôi mong các Phật tử cố gắng hiểu nghi lễ cầu cúng chỉ là phương tiện, từ đó mỗi chúng ta lại phải tự tu học tinh tiến giác ngộ”, Thượng tọa nói.