Các tăng ni sinh, phật tử tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã trồng hàng ngàn cây xanh trong khuôn viên, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi “1 tỷ cây xanh trong 5 năm” của Chính phủ. Không gian này chính là vườn "lộc uyển" phủ xanh các loại cây trồng, ước tính 10 ngàn cây giúp chống xói mòn rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, tạo điểm nhấn cho quần thể Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Gióng-Tượng Gióng-Chùa Non.
Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG VN chia sẻ: “Đức Phật đã chọn rừng xanh là nơi đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn. Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Ngài đã đứng yên bất động trong một tuần chỉ để nhìn cây bồ đề, để biểu lộ lòng biết ơn đối với cội cây đã che chở mưa nắng cho Ngài trong suốt thời gian tu tập. Đó là một bài học vĩ đại về lòng biết ơn mà Đức Phật gửi lại cho muôn đời và người đệ tử Phật”.
Việc trồng cây xanh là đang tạo lại môi trường sống, hiểu được tầm quan trọng của rừng, rừng sẽ giữ được nước ngầm, chống được hạn hán, lũ lụt. Hòa thượng Thích Thanh Quyết cũng nói rằng, việc tạo lại rừng cây là giúp nâng cao tâm hồn con người, nếu có nhiều rừng cây xanh, đời sống tâm hồn con người sẽ thay đổi, sẽ tốt hơn rất nhiều.
Hàng ngàn cây xanh trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội |
“Cây xanh không chỉ giúp con người duy trì sự sống mà còn có sự tương tác với con người trên lĩnh vực tâm linh. Sống giữa một thế giới ít cây xanh, tâm hồn con người cũng sẽ cằn cỗi, khô khan. Vì vậy, đến một nơi có nhiều cây xanh, tự nhiên chúng ta có cảm giác con người sống ở đó hiền lành, tử tế hơn”, Hoà thượng Thích Thanh Quyết nói.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội long trọng tổ chức Lễ Kính mừng Khánh đản Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày 31/3. Bồ Tát Quán Thế Âm là hình ảnh vị Phật gần gũi với người dân Việt Nam. Hình ảnh của ngài được thị hiện như: Phật Mẫu Man Nương, tứ Pháp Phật (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Phật Bà Quan Âm, Phật Bà Chùa Hương, Bà Chúa Ba, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử...
Tổ chức ngày vía Quán Thế Âm trở thành một lễ hội lớn của các ngôi chùa, tự viện trên khắp cả nước. Bồ Tát gắn với đời sống tâm linh của mỗi vị tu hành và bà con phật tử.