Tranh cãi việc cho mô tô vào đường cao tốc

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Nếu được phép vào đường cao tốc, mô tô phải lưu thông chung làn với ô tô, chạy với vận tốc từ 100 km/giờ trở lên trong điều kiện mưa to, gió lớn, tầm nhìn hạn chế,… thì có đảm bảo an toàn, đặc biệt là lái xe mô tô phân khối lớn thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện chiếm 70-80%. 

Một số chuyên gia cho rằng cho xe mô tô phân khối lớn đi vào đường cao tốc sẽ càng làm tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp hơn.

Trong khi đó nhiều lái xe ô tô cảm thấy bất an. Theo ông Phan Thanh Hải, lái xe khách hãng xe Hoa Mai, đường cao tốc ở Việt Nam không có làn xe dành riêng cho mô tô. Nếu được phép vào đường cao tốc, mô tô phân khối lớn chạy hỗn hợp trên các làn đường dành cho ô tô.

“Khi chạy trên đường cao tốc với tốc độ 80 -120 km/giờ, lái xe ô tô rất mệt mỏi vì phải liên tục xử lý để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các xe. Nếu cho mô tô vào nữa sẽ làm nhiều lái xe ô tô bị rối, sẽ rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến các vụ tai nạn liên hoàn. Ô tô đang chạy 100 -120 km/giờ mà mô tô chạy phía trước té ngã thì làm sao phanh kịp? Phanh gấp trong lúc đang chạy nhanh như vậy xe rất dễ lật, gây nguy hiểm cho hành khách trên xe”- ông Hải nói.

Theo một số chuyên gia, nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đều cho xe phân khối lớn vào cao tốc nhưng tốc độ bị hạn chế hơn so với ô tô. Nhật Bản hạn chế vận tốc mô tô là 70 - 100 km/giờ và xe phải từ 550 phân khối trở lên.

Thạc sỹ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho biết tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc của Việt Nam chỉ dành cho ô tô. Ở một số nước tuy cho mô tô phân khối lớn vào đường cao tốc nhưng mô tô có làn riêng. Đường cao tốc ở các nước thường có làn đường rộng, trong khi đó, cao tốc ở Việt Nam làn đường hẹp, nhiều nhánh rẽ nên rất nguy hiểm nếu cho mô tô phân khối lớn đi vào đường cao tốc.

“Tôi mượn chiếc 750 phân khối chạy thử và sợ hết hồn. Chỉ cần vô số 1 và sau 30 giây là đạt tốc độ 100 km/giờ. Đó chỉ mới là 750 phân khối, trong khi hiện nay trong làng chơi mô tô 1.000 phân khối là bình thường, thậm chí 1.200 và cả 1.800 phân khối nhưng người điều khiển chỉ cần có bằng A2”. 

Ông Nguyễn Đức Bình, lái xe Honda LA 250 phân khối

Tuy rất hào hứng nhưng chính một số biker cũng bày tỏ sự lo ngại. Ông Nguyễn Đức Bình, thành viên một đội mô tô phân khối lớn ở quận 1 nói: Chạy trên đường cao tốc, trong điều kiện nắng ráo, yên gió thì không sao. Chỉ sợ lưu thông trong điều kiện mưa to, gió lớn, tầm nhìn bị hạn chế. Ô tô có cần gạt nước, lúc nào cũng quan sát được. Mưa cũng không chạm đến những người ngồi trong ô tô. Còn người điều khiển mô tô thì khác. Chạy với tốc độ 80 -120 km/giờ như ô tô, hạt mưa quất vào người, vào mặt như trời giáng, ai chịu nổi? Không lẽ vừa chạy, vừa lấy tay vuốt nước mưa để nhìn thấy đường đi? Có đảm bảo an toàn không? 

“Đường cao tốc ở Việt Nam thường đi qua địa hình trống, gió rất mạnh. Nếu tay lái yếu, lái xe rất dễ té ngã” - ông Bình nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.