Tranh cãi gay gắt về kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa của Vương quốc Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bài phát biểu tối qua.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bài phát biểu tối qua.
TPO - Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với những chỉ trích ngay sau khi có bài phát biểu tới toàn thể người dân nước này nhằm thông báo các bước tiếp theo sẽ được thực hiện nhằm nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tối ngày hôm qua (theo giờ Anh), với việc các chính trị gia tại đảo quốc sương mù cho rằng kế hoạch của ông Johnson khá khó hiểu, mơ hồ và “gây chia rẽ”.

Trong bài phát biểu được trực tiếp từ phố Downing, thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nếu như điều kiện cho phép, các trường học và một số cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không cần thiết ở nước này có thể mở cửa trở lại vào đầu tháng sau, đồng thời chính phủ Anh cũng sẽ cho phép người dân trở lại các công sở làm việc trong trường hợp họ không thể làm việc tại nhà.

Vị thủ tướng 55 tuổi cũng nhấn mạnh đây không phải là một thời điểm thích hợp để nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc và chính phủ Anh sẽ có một cách tiếp cận rất thận trọng trong vấn đề này với sự tư vấn của chuyên gia khoa học nhằm đề phòng trường hợp “làn sóng chết người thứ hai” của virus corona mới sẽ xảy ra tại xứ sở sương mù.

Mặc dù không đề cập đến các chi tiết cụ thể, ông Johnson đã thông báo với người dân Anh về kế hoạch của chính phủ nước này trong việc giảm dần các lệnh giới nghiêm do dịch COVID-19 ở nước này. Trong đó, từ thứ 4 tuần này nhiều hoạt động ngoài trời sẽ được cho phép ở Anh, bao gồm việc tập thể dục với số lần không giới hạn, các cảnh đẹp như bãi biển và công viên quốc gia sẽ được mở cửa trở lại và các môn thể thao như câu cá, đánh golf và tennis cũng sẽ được diễn ra với điều kiện người chơi trong một nhóm là các thành viên của cùng một gia đình.

Tranh cãi gay gắt về kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa của Vương quốc Anh ảnh 1 Một bãi biển tại thành phố Brighton (phía Nam nước Anh).

Nếu như tình hình dịch bệnh tại Anh cơ bản được đẩy lùi, các trường mầm non, tiểu học, và cửa hàng kinh doanh đồ dùng không thiết yếu sẽ được mở cửa một phần từ ngày 1/6. Đồng thời, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Anh là ngành công nghiệp dịch vụ với các quán cà phê và nhà hàng có không gian ngoài trời, cùng với các nơi thờ tự và rạp chiếu phim được áp dụng các quy tắc giãn cách xã hội, sẽ có thể quay trở lại kinh doanh sớm nhất là từ đầu tháng 7.

Tuy nhiên, những thông điệp được thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra đã ngay lập tức vấp phải những sự chỉ trích đến từ các chính trị gia tại đảo quốc sương mù, trong đó có lãnh đạo của các quốc gia còn lại trong Vương quốc Anh là xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland khi họ phản đối việc ông Johnson thay đổi câu slogan trong công tác phòng chống dịch COVID-19 từ ở nhà “nhiều nhất có thể” (stay at home) sang cảnh giác “với các nguy cơ” (stay alert) khi nó có thể đem đến sự mơ hồ cho người dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công Đảng đối lập là ông Keir Starmer cũng cho rằng chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra những hướng dẫn cụ thể trong việc di chuyển giữa các địa điểm trong nước này bằng các phương tiện giao thông công cộng, khi những thống kê đã chỉ ra rằng việc áp dụng các quy tắc giãn cách xã hội sẽ khiến số lượng người có thể sử dụng các phương tiện này giảm đến 90%.

Tranh cãi gay gắt về kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa của Vương quốc Anh ảnh 2 Tàu điện ngầm (Tube) là phương tiện giao thông công cộng không thể thiếu với đa số người dân tại thủ đô London.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có buổi giải trình chi tiết hơn về cách tiếp cận trong việc nới lỏng lệnh phong tỏa và đề ra lộ trình nhằm mở cửa lại nền kinh tế trước Hạ viện Anh trong ngày hôm nay, tuy nhiên từ bài phát biểu của vị thủ tướng 55 tuổi, có thể thấy đa số các quy định trong lệnh phong tỏa toàn quốc được chính phủ Anh áp dụng kể từ cuối tháng 3 vẫn sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Theo The Guardian
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.