Trạng thái đột ngột

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tình cờ đọc lại bài báo cũ đăng cách đây tròn 5 năm. Nhắc lại một sự lạ vừa diễn ra thời điểm đó: “ Chủ tịch TP HCM xử lý vụ khiếu kiện 20 năm trong... 20 phút”. Để kết nối câu chuyện tương tự xảy ra hồi tháng 1/2015 cũng tại thành phố này, khi ông Bí thư “30 phút giải quyết vụ khiếu nại 10 năm”.

Những “phép màu” đột ngột như vậy dù quá ít, nhưng đủ sức trở thành kinh điển, và nói lên nhiều điều.

Vừa ra rạp xem bộ phim siêu anh hùng mới của Mỹ. Có câu “Khi bạn có thể nhìn thấy nhiều tương lai khác nhau như tôi, bạn sẽ không còn tin vào sự tuyệt đối”. Câu thoại trên là của một siêu nhân nhờ cái mũ mang tên Định mệnh nên có thể nhìn thấy rất nhiều loại tương lai. Góc độ thông thường ta vẫn nghĩ mỗi phận người chỉ có một đáp số ở tương lai, có người tương lai là thành quả, có người là hậu quả. Kết quả đó phụ thuộc vào từng bước chân ở hiện tại.

Nhưng có khi nào, như mấy gia đình suốt hàng chục năm ôm đơn khiếu kiện kia, một buổi sáng đẹp trời vẫn nguyên hành trình mệt mỏi ấy, nghĩ rằng sẽ gặp được một “ông bụt”, để chỉ trong ít phút có thể xoay ngược ngay số phận?

Đi trên đường, ta thấy đèn đỏ chỉ tính bằng giây thôi mà nhiều người cũng không đủ kiên nhẫn chờ, để rồi đánh mất cả đời người. Nhưng đó là kiểu “gieo tính cách gặt số phận” như dân gian vẫn nói. Còn số đông nghiêm túc chấp hành?

Câu chuyện học sinh phổ thông phải đi học quá sớm “ngủ không đủ giấc” đang xôn xao, khiến ngành giáo dục một số nơi phải quyết định lùi lại giờ vào lớp, có thể cũng là một ví dụ kinh điển về “tấm chăn hẹp” nơi đời sống này. Người này kéo người kia sẽ hở. Lùi giờ học, nghĩa là trẻ con sẽ được tăng thêm chút thời gian ngủ nghỉ, tái tạo năng lượng, thế còn giờ giấc đi làm của cha mẹ? Còn nạn ùn tắc, kẹt xe giờ cao điểm khi tất cả cùng lúc đổ xô ra đường?

Thực ra việc bố trí lệch giờ học, giờ làm giúp hạn chế ùn tắc giao thông cũng đã bàn nát nhiều năm trước. Cũng như phương án quy định xe chẵn lẻ vào thành phố một thời. Hay như phương án thu phí xe ô tô vào nội đô ở mấy thành phố lớn hiện đang tranh cãi. Phương pháp hợp lý, nhưng mọi thứ về hạ tầng kỹ thuật thì chưa kịp đáp ứng. Phương tiện công cộng nào thay thế? Vụ này làm sao có thể “đi tắt đón đầu” để áp dụng chung phương pháp như các nước tiên tiến?

Hay như việc hoãn tăng lương cơ bản để “kìm chế lạm phát” như đề xuất của Bộ Tài chính. Biện pháp này có vẻ hợp lý nếu thiên về kỹ thuật quản trị rủi ro tài chính. Những liệu rồi có như “tấm chăn hẹp” kia không, khi bị “kéo hở” nhất là hàng triệu người lao động đang căng sức chống lại cơn lốc trượt giá? Biện pháp nào cân bằng, để ấm yên đều cho các bên, dù có thể chưa được như mong muốn?

Hôm qua, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn nữa”, chứ “không điều hành, chuyển trạng thái một cách đột ngột”.

Đột ngột, như không ít những quy định đã và đang phải “điều chỉnh trạng thái” một cách khó lường.

MỚI - NÓNG