Trang mới Thượng thành Huế: Ấm lòng người đi

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Ngọc Thọ trong một lần dự bữa cơm tất niên đầu tiên với dân Thượng thành di cư về nơi ở mới tại Hương Sơ, TP Huế
Ông Phan Ngọc Thọ trong một lần dự bữa cơm tất niên đầu tiên với dân Thượng thành di cư về nơi ở mới tại Hương Sơ, TP Huế
TP - Đề án di dân Kinh thành Huế qua 3 năm triển khai thực hiện đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, tạo sự an tâm nhất định cho những lượt di dân tiếp theo.

Khung chính sách “vì dân”

Đầu năm 2021, tại các khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế) đã có hơn 1.300 hộ dân Thượng thành thực hiện các thủ tục nhận đất phân lô, hơn 500 hộ xây nhà và chuyển vào sinh sống. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những gia đình chuẩn bị rời xa Kinh thành lại nặng trĩu những lo lắng của riêng mình. Tuy vậy, những mối bận tâm của dân di cư nhanh chóng được giải tỏa.

Trang mới Thượng thành Huế: Ấm lòng người đi ảnh 1

Đối thoại với chính quyền, người dân thật sự phấn khởi, ấm lòng trước khung chính sách mới “vì dân” liên quan Đề án di dân Kinh thành Huế

Có đất ở tại khu vực di dời thuộc Kinh thành Huế đã hơn 50 năm, ông Phan Minh Dũng (trú đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP Huế) từng có những tháng ngày sống trong lo lắng. Ông Dũng là người được dòng họ phân ở và cai quản một căn nhà thờ họ trên khu vực Thượng thành. Xét theo quy định, trường hợp của ông thuộc diện con cháu, đồng thừa kế mảnh đất kể trên. Ông lo rằng, bản thân không thuộc diện bố trí đất tái định cư. Ông Dũng tìm gặp lãnh đạo tỉnh, thành phố Huế, giới chức địa phương để mong được giải đáp. Mới đây, ông Dũng như trút bỏ hết gánh nặng đeo bám lâu nay. Qua rà soát danh sách và các quy định trong khung chính sách được điều chỉnh, bổ sung, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế khẳng định, trường hợp này được bố trí đất tái định cư. “Tôi và gia đình thực sự quá mừng rỡ và xúc động. Đây là việc làm thể hiện sự quan tâm của chính quyền thực hiện chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin cho dân”, ông Dũng cảm kích.

Ông Nguyễn Hữu Văn (sống khu vực Eo Bầu - Kinh thành Huế) từng mất ăn mất ngủ vì lo không được bố trí tái định cư, do gặp những trở ngại tương tự hộ ông Dũng. Tuy nhiên, qua trao đổi mới đây với lãnh đạo tỉnh và thành phố Huế, ông Văn mừng rơi nước mắt khi sắp được bố trí đất tái định cư để xây một căn nhà mới “mơ ước” tại Hương Sơ. “Mừng lắm! Khi nghe thông báo khung chính sách được điều chỉnh, bổ sung và được giải đáp thắc mắc, tôi không tin vào tai mình. Quá phấn khởi! Sắp tới gia đình tôi sẽ được bố trí đất xây nhà để ổn định cuộc sống. Tôi sẽ là người tiên phong tháo dỡ nhà cửa nơi cũ để bàn giao mặt bằng cho nhà nước”, ông Văn cho biết.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thời gian qua với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và sự nỗ lực của chính quyền, ban ngành địa phương, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế diễn ra thuận lợi, nhận được sự đồng thuận cao từ phía các hộ dân thuộc dự án và cả dư luận. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp như nêu ở trên có đơn kiến nghị về bồi thường, tái định cư... Theo đó, UBND TP Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tổng hợp, phân loại các đơn kiến nghị để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Tin vui đã đến với dân di cư Kinh thành Huế. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản phê duyệt điều chỉnh, bổ sung và áp dụng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, cho biết, khung chính sách được điều chỉnh, bổ sung, áp dụng lần này có nhiều thuận lợi cho dân trong dự án hơn khung chính sách trước.

Ấm áp những lần cơm tất niên

Dân diện di dời khu vực Kinh thành Huế không chỉ được giải quyết, tháo gỡ từng vướng mắc, mà bà con còn nhận được lời khẳng định mang tính “bảo đảm” từ người đứng đầu chính quyền tỉnh: “Tỉnh, thành phố Huế làm tất cả những gì có thể để có khung chính sách thông thoáng, tối ưu như hiện nay và đã được Chính phủ thông qua để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bà con. Mục tiêu xuyên suốt là tạo điều kiện cho bà con có nơi ăn, chốn ở ổn định, tốt hơn nơi ở cũ, đảm bảo các điều kiện để phát triển cuộc sống về lâu dài”.

Người dân cảm thấy ấm lòng khi thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo các cấp đối với việc di dân Kinh thành Huế. Cho đến nay, chưa có cuộc di dân nào với quy mô rất lớn như ở Kinh thành Huế lại nhận được sự quan tâm, động viên thăm hỏi của nhiều lãnh đạo Trung ương đến như vậy. Đích thân Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng nhiều lần về khu vực giải tỏa Thượng thành, rồi lại tìm ra vùng tái định cư Hương Sơ để theo sát tình hình thực hiện Đề án di dân và cũng để gần gũi, thấu hiểu, kịp thời lắng nghe ý nguyện của bà con.

Đến bây giờ, nhiều người dân Thượng thành vẫn còn nhớ bữa cơm tất niên đầy bất ngờ và ý nghĩa, với sự có mặt của ông Phan Ngọc Thọ hồi Tết Canh Tý 2020. Đó là mâm cơm tất niên cuối cùng của nhiều gia đình tại vùng Thượng thành trước khi rời đi. Họ không chỉ xúc động khi đón lãnh đạo tỉnh đến dùng cơm tất niên, bất ngờ được nhận phong bao lì xì mừng tuổi mà còn nghe những lời động viên, chia sẻ, giải đáp để bà con cảm thấy yên tâm, ấm lòng trước khi rời khỏi Thượng thành. Để rồi sau đó một năm, họ lại đón “ông Thọ” - danh xưng thân mật mà người dân dành cho Chủ tịch tỉnh, cùng ăn một bữa cơm tất niên khác đầy phấn khởi. Bữa cơm tất niên đầu tiên nơi vùng đất mới Hương Sơ trong Tết Tân Sửu.

“Phát hiện cán bộ tiêu cực, xin gọi ngay cho tôi”

Hôm đó, vừa dùng cơm tất niên Tân Sửu với dân, cả ông Thọ và Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định luôn bày tỏ thành ý và mong muốn bà con sớm an cư lạc nghiệp, có một công ăn việc làm phù hợp. Theo ông Thọ, khoảng cách giữa khu tái định cư mới và nơi ở cũ tại Thượng thành, Eo Bầu không xa, nên bà con có thể tiếp tục làm công việc mà họ đang làm. Trên thực tế, không chỉ quay lại nơi cũ duy trì mưu sinh, dân di cư Thượng thành bắt đầu định hình những công việc, nghề mới tại quê mới Hương Sơ như buôn bán tạp hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, điện máy, điện lạnh, cà phê, lập quán ăn... “Ngày trước, tui ngày hai buổi cắp rổ khoai sắn luộc từ Thượng thành lang thang bán dạo khắp các phố phường. Nhà ổ chuột, ra đường thấy nhà lầu cao tầng là không dám ngước nhìn. Nay về nơi mới, hai vợ chồng cố gắng xoay xở làm được căn nhà hai tầng này. Thú thật, tui chả dám mơ mình có ngôi nhà như ri. Tui bán tạp hóa tại đây cũng đã có khách, chồng làm nghề mộc tại xưởng cũ. Cuộc sống xem như ổn và đỡ vất vả hơn trước”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (từng trú phường Thuận Thành) chia sẻ.

Nhớ buổi gặp mặt đối thoại hồi đầu tháng 3/2021 để giải quyết kiến nghị khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Trong quá trình xây dựng khung chính sách di dân khỏi Kinh thành Huế, sự minh bạch, không có tiêu cực là việc làm chúng tôi đặt lên hàng đầu. Vậy nếu bà con phát hiện cán bộ nào tiêu cực, hãy chỉ mặt đặt tên ra rồi gọi điện thoại ngay cho tôi. Tôi chỉ đạo công an xử lý ngay”. Dưới hội trường dậy vang tiếng vỗ tay của dân. Họ thật sự ấm lòng…

Đề án di dân Kinh thành Huế thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG