3g sáng ngày 5/6, vừa nghỉ ngơi sau nhiều giờ quần thảo trên sông Hàn tìm kiếm các nạn nhân, ông Đặng Ngọc Anh, tài công tàu du lịch sông Hàn kể lại khoảnh khắc cứu người: “Lúc đó tàu tui đang chở khách hướng từ cầu Nguyễn Văn Trỗi về, thấy chiếc tàu Thảo Vân vừa sáng đèn giữa sông bỗng nhiên tắt vụt, tôi nói với anh em hình như tàu này chìm rồi chạy thẳng tới.
Tới nơi thì nghe mọi người hô hoán kêu cứu, tàu tôi quăng phao bè cho họ bám vào, sau đó đưa lên thuyền tôi và một số ca nô khác chở vào bờ”. Trong số những người được tàu cứu lên, có một du khách người Malaysia trong tình trạng đuối sức, mọi người lập tức hô hấp nhân tạo và đã cứu được vị khách này.
Ông Lê Văn Phú, nhân viên tàu du lịch Phú Quý vẫn chưa quên được lúc cứu một bé gái: “Tui thấy chỉ còn hai bàn tay cháu nổi trên mặt nước là lao tới chụp ngay rồi kéo cháu lên thuyền. Lúc này cháu đã lịm đi, tôi xốc ngược người cháu lại thì nước, máu trong miệng trào ra. Tôi bấm thì thấy mạch vẫn còn đập, lát sau thì cháu thở đều”. Đến chiều tối 5/6, ông và các nhân viên của tàu vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm dù đã rất mệt.
Không riêng những con tàu này, sáng sớm 6/5, hàng chục tàu cá, thợ lặn đã tập trung về sông Hàn phối hợp tìm kiếm.
Giữa cái nắng tháng sáu nẻ đầu, bên bờ sông Hàn những lán trại dã chiến cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn được dựng lên. Sau một đêm trắng “bới tung” sông Hàn, các chiến sĩ, người nhái, thợ lặn vẫn không hề tỏ ra mệt mỏi. Họ ngồi ăn cơm trưa, nghỉ ngơi chừng nửa tiếng là lại lao mình xuống sông tiếp tục công tác tìm kiếm.
Trực tiếp ra sông kiểm tra, đôn đốc các lực lượng, ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao cách triển khai tìm kiếm cứu nạn của chính quyền Đà Nẵng.
“Thành phố đã làm rất kịp thời, bố trí lực lượng dày dặn, huy động 1.000 người từ quân đội, biên phòng, thợ lặn, bố trí lực lượng đi bộ dọc hai bên bờ sông để thăm dò thông tin của người dân. Tôi cũng đánh giá rất cao việc Đà Nẵng kịp thời giăng lưới ngay cửa sông đề phòng thi thể các nạn nhân có thể trôi ra biển”, ông nói.