Cuối mùa cua suối, nơi gần nhà hiếm cua nên họ lặn lội tới những con suối xa ở Gia Lai. Không chỉ nhóm 3 người của anh Trung, từ tháng Giêng đến tháng Tư Âm lịch, nhiều nông dân ở huyện Tây Sơn đi khắp các con suối từ Bình Định đến tận Gia Lai để lùng bắt cua.
Nếu là cua đồng, ban ngày người ta có thể đi móc, nầm. Họ dùng thanh tre vót nhọn một đầu và chọc vào hang cua theo chiều ngang để giữ cho con cua không thể thụt vào sâu trong hang được. Trong khi đó, ở suối chủ yếu là cua chỉ bắt được nhiều vào ban đêm. Giống cua này có lưng có màu vàng nâu, càng hơi đỏ tía. Người dân mua về làm riêu cua, hoặc xay nát làm thức ăn nuôi tôm. Cua ăn côn trùng, lá cây, sống trong hang hốc đá dưới khóm cây bên các dòng suối trên rừng. Những ngày này, nước suối mát nên cua thường ra khỏi hang đi tìm thức ăn.
Vượt quãng đường 60 km, nhóm anh Trung tới được con suối Xà Quần (đoạn chảy qua xã An Thành, huyện Đắk Pơ, Gia Lai) lúc 18h. Đang vào mùa khô nên suối chỉ còn một dòng chảy nhỏ luồn lách giữa những khe đá. Đi về phía hạ lưu, mọi người nghỉ ngơi trên những tảng đá giữa dòng. Anh Trần Văn Trung chia sẻ: "Mình thấy dấu vết của cua rồi, chờ đêm xuống cua bò ra tìm mồi là đi soi. Giờ tranh thủ nghỉ ngơi, ăn cuốn bánh đợi mặt trời xuống núi".
Cua suối thường là giống cua Thái Lan, lưng có màu vàng nâu, càng hơi đỏ tía.
Nhọc nhằn không chỉ ở đường đi mà còn những bất trắc khi di chuyển đường trường trong đêm. "Ớn nhất là đi soi cua gặp rắn cả trên bờ và dưới nước. Hồi mới đi, tôi bao phen dựng tóc gáy nhưng giờ quen rồi. Soi cua chỉ cần nhanh tay nhanh mắt là được", anh Trung nói.
Trước khi đi, cả nhóm kiểm tra kỹ lưỡng phương tiện, chuẩn bị thêm chai dầu gió bôi phòng thân. "Mình đi bắt cua kiếm cơm, công việc tự làm nào có cái gì bảo hộ đâu. Gặp rắn tránh rắn, gặp thứ gì nguy hiểm thì ráng mà tránh chứ biết làm sao hơn", anh Thi tâm sự.
Anh Phương làm thợ đá hoa cương ở Sài Gòn. Hết mùa xây dựng, anh về nhà làm mùa và tranh thủ đi soi cua. Năm nay là năm thứ hai anh đi bắt cua suối. Hồi đầu, anh chỉ đi những con suối gần nhà, sau đi nơi xa hơn để bắt được nhiều cua.
Khi bóng tối phủ lên những ngọn đồi, chỉ có ánh đèn pin le lói là nguồn sáng dẫn đường. Cả nhóm đi gần nhau, ánh sáng đủ soi cua dưới suối và soi được mặt người. "Mình đi đường xa, lại ở rừng, ở suối nên phải đi gần để còn hỗ trợ, tránh thất lạc giữa đêm", anh Phương cho hay.
Những con suối mùa cạn là nơi người dân đi soi cua.
Hơn 5 giờ đồng hồ bì bõm trên con suối Xà Quần, suối Cà Tung (thị trấn Đắk Pơ) và suối cầu Thầu Dầu (Đắk Pơ) nhóm soi được 15 kg cua. Cả nhóm lên bờ, buộc kỹ bao đựng cua, nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị hành trình trở về.
"Giá cua lên xuống thất thường lắm, như tối nay bắt xong về bán được 33.000 đồng một kg nhưng ngày mai có khi giá xuống 20.000 đồng một kg hoặc cao hơn. Mấy bữa trước, giá cua hơn 50.000 đồng một kg, cứ đi 3 ngày là nhóm tôi kiếm được 2 triệu đồng. Tuy cực nhưng có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống", anh Trung cho hay.