Trần Tú của ‘Người phán xử’: ‘Ngoài đời, tôi có lối sống chẳng giống ai'

Trần Tú của ‘Người phán xử’: ‘Ngoài đời, tôi có lối sống chẳng giống ai'
TPO - "Tôi không thích làm người nổi tiếng, bởi người nổi tiếng họ chịu được antifan chửi, còn tôi thì không!", diễn viên Doãn Quốc Đam chia sẻ.

Liên hệ với diễn viên Doãn Quốc Đam- người vào vai Trần Tú trong phim “Người phán xử”, tôi khá bất ngờ vì anh thẳng thừng từ chối phỏng vấn. Lý do mà nam diễn viên đưa ra chỉ đơn giản là không thích lên báo. Gặng hỏi, tôi bất ngờ hơn về một Trần Tú ở ngoài đời. Tự nhận mình là kẻ khùng, Doãn Quốc Đam thú nhận anh rất thích làm những cái người khác không làm. “Ví dụ bạn bè được lên báo nhiều, film đang hot. Còn mình sao phải giống họ?”.

Quốc Đam lý giải thêm: “Thế này này. Tôi thích câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Nếu hay, nếu giỏi thì để người khác đánh giá mình. Chứ không phải mình lên báo rồi chia sẻ và khoe khoang tài năng. Nếu thật sự yêu quý mình, khán giả phải mất công tìm kiếm chứ không phải lên mạng gõ một cái là ra luôn. Tôi lại càng không thích ai quan tâm quá nhiều vào cuộc sống đời thường. Nói thật nếu không phải do anh em, bạn bè khuyên nhiều quá thì tôi cũng khoá follow trên FB. Bạn sẽ chẳng tìm thấy tôi nếu không phải là bạn bè của mình. Nói thật với bạn, tôi cũng không hợp với việc làm người nổi tiếng. Người nổi tiếng họ chịu được antifan chửi. Nhưng tôi thì không. Chửi tôi, tôi không thể im lặng bỏ qua và coi như không có gì được. Cho nên trước đây khi nhận quá nhiều những lời chửi làm tôi khó chịu. Họ ghét tôi không phải vì ghét vai diễn mà theo kiểu: bản thân họ không làm được gì hay ho, thấy người khác hay hơn mình, được báo chí tung hô, nhiều người yêu mến đâm ra nhỏ nhen và ghen ghét. Thậm chí hạ nhục người khác. Tôi không hiểu vì sao có những thanh niên vô lý tới mức chỉ vì bạn gái họ thích mình, hay nhắc đến mình cũng nhắn tin chửi. Vậy nên, tôi chặn  hết. Không phải vì tôi sợ mà tôi muốn họ hiểu rõ rằng tôi không có nhu cầu làm quen với những thành phần như các bạn. Hãy tránh xa cuộc đời tôi!”.

Về nhân vật Trần Tú trong phim Người phán xử, anh cảm thấy thích thú và hài lòng với hình tượng nhân vật này không?

Tôi chưa hài lòng lắm vì tạo hình đúng nguyên gốc của chuyên gia hoá trang gửi cho tôi còn chất hơn nhiều. Tuy nhiên phải ghi hình song song một bộ film nữa nên tôi không thể cắt tóc theo đúng tạo hình của chuyên gia hoá trang đã gửi.

Cảm xúc thực của anh khi nhận kịch bản về Trần Tú ra sao?

Cảm xúc là thích thú tuy nhiên có điều không quá bất ngờ vì lại là một vai phản diện nữa!

Trần Tú của ‘Người phán xử’: ‘Ngoài đời, tôi có lối sống chẳng giống ai' ảnh 1 Quốc Đam tự đặt ra nguyên tắc không chia sẻ điều gì liên quan tới diễn biến phim "Người phán xử".

Anh chuẩn bị những gì cho vai diễn của mình?

Cũng như các vai diễn khác tôi đều phải tự đi mua phục trang và làm tạo hình cho riêng mình. Tôi ghi chú các nhân vật mình đã gặp ở ngoài đời ra và bắt đầu chắt lọc. Tôi có thói quen hay ghi lại tính cách của những người ngoài cuộc sống mà tôi thấy họ có tính cách đặc biệt và các tật, lỗi của họ.

Giả sử được làm đạo diễn, anh có muốn thay đổi tình tiết, cái kết phim hay nhân vật nào trong phim không?

Đừng cho tôi làm đạo diễn vì nó sẽ là thảm hoạ!

Một Quốc Đam ở ngoài đời khác với Trần Tú trong phim như thế nào?

Ngoài đời tôi lành hơn, ít va chạm với ai, cũng không quá quảng giao tuy nhiên cũng chẳng khó gần. Nói thật tôi chỉ khó gần với những người không có văn hoá. Rất dễ gần với những người hiểu đời, hiểu xã hội và hiểu chính họ là ai trong cái vũ trụ này! Nói cách khác đó là những người biết sống. Tính tôi thích gì là tôi làm, không bận tâm lắm người khác nói gì. Thêm nữa, gu ăn mặc của tôi có phần quái dị hơn người khác! Nói chung ngoài đời tôi là người có lối sống chẳng giống ai!

Trần Tú của ‘Người phán xử’: ‘Ngoài đời, tôi có lối sống chẳng giống ai' ảnh 2 Quốc Đam tự nhận mình là "kẻ khùng".

Tại sao anh tự nhận mình là “kẻ khùng”?

Không chỉ tôi thấy mà bạn bè ai cũng thấy tôi khùng. Vì cách nghĩ và lối sống đi ngược lại với mọi người xung quanh. Làm những việc mà chả ai làm nhưng tôi thích thử dù thất bại nhưng vẫn muốn thử. Thử làm để biết năng lực mình đến đâu.

Có vẻ như Quốc Đam là người không ngại va chạm và anh cũng không phải một diễn viên “dễ bảo”?

Tôi hơi cứng đầu nhưng không phải không biết nghe, không biết nghĩ. Tôi thích khi đạo diễn muốn tôi thoại câu đó, làm hành động đó thì hãy giải thích, chứng minh và thuyết phục tôi để tôi hiểu thì tôi nghe. Và ngược lại tôi cũng thích họ hiểu ý kiến của tôi. Vì trên hết là tôi muốn làm film nó phải thật chứ đừng quá phi lý.

Tính toán cho vai diễn, làm theo ý mình- đó mới Quốc Đam phải không?

Có nhiều người nói tôi diễn bản năng. Tôi nhận là có đôi khi cao hứng. Tuy nhiên tôi chưa diễn một đoạn nào mà không tính trước mình sẽ diễn cái gì. Cái tính toán đó có thể đúng và có thể sai nhưng cứ phải tính toán kỹ mới ổn. Tôi ít khi cầm kịch bản mà sẽ chăm vào học thuộc thoại như một con vẹt. Việc đầu tiên là tôi đọc thoại và nắm nội dung, nhớ thoại của bạn diễn để chia thoại mình sẽ chen vào câu nào của bạn sao cho mềm, mượt. Và câu thoại nào thừa không cần thiết có thể diễn bằng hành động thì tự tôi sẽ sửa hoặc cắt câu đó đi. Rồi sau cùng tôi mới học thuộc thoại của mình.

Người ta nói, Trần Tú trong phim khôn còn Quốc Đam ngoài đời dại. Anh nghĩ sao?

Ở đời đâu ai lúc nào khôn cả. Vì thế nói tôi dại là bình thường. Tôi không tính toán quá nhiều vào việc làm bộ film này mình sẽ nổi tiếng hay hot hit gì đó. Tôi cứ làm theo cách mình nghĩ để thoả cái máu me chinh phục nhân vật của mình mà không cần quan tâm là film sẽ hot hay không! Vì hot là do lòng khán giả!

Cảm ơn anh đã chia sẻ cùng chúng tôi!

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.