Trận tập kích táo bạo của tàu ngầm Đức vào căn cứ Anh năm 1939

Vụ tấn công của U-47 được đánh giá là táo bạo nhất Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia.
Vụ tấn công của U-47 được đánh giá là táo bạo nhất Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia.
Một tàu ngầm Đức lợi dụng thủy triều áp sát căn cứ hải quân Anh, đánh chìm thiết giáp hạm Royal Oak và gây hoang mang cho lực lượng này.

Ngày 14/10/1939, chỉ một tháng sau khi Thế chiến II bắt đầu, một tàu ngầm U-47 của phát xít Đức lặng lẽ áp sát căn cứ hải quân Scapa Flow của Anh trên quần đảo Orkney, mở đầu cho trận đánh táo bạo nhất của lực lượng tàu ngầm Đức trong cuộc chiến, theo Scout.

Được sự hỗ trợ của tình báo không ảnh chất lượng cao, U-47 nổi lên và mất 30 phút để phát hiện thiết giáp hạm HMS Royal Oak neo đậu cách đó 4 km về phía bắc. Lúc 0h58, thuyền trưởng Gunther Prien của tàu U-47 ra lệnh phóng ba quả ngư lôi, mở màn trận phục thù của Đức sau thất bại dưới tay hải quân Anh trong Thế chiến I.

Hải quân Đức năm 1919 đã phải ngậm ngùi tự đánh chìm 62/74 tàu chiến ở Scapa Flow sau thất bại trước Anh và phe Đồng minh. Chuyên gia quân sự Chuck Lyons cho rằng nhiệm vụ của tàu ngầm U-47 lần này chính là để phục hận sự việc ở Scapa Flow, đồng thời làm hải quân Anh mất tinh thần. Tuy nhiên, việc xuyên thủng lớp phòng thủ của căn cứ hải quân Anh không hề dễ dàng.

Hải quân Anh triển khai nhiều tàu chiến án ngữ lối ra vào khu neo đậu của căn cứ Scapa Flow, đồng thời bố trí lưới chống tàu ngầm dưới biển, khiến căn cứ này gần như bất khả xâm phạm trước tàu ngầm đối phương.

Tuy nhiên quân Đức đã biết lợi dụng thủy triều để thực hiện vụ xâm nhập táo bạo. Họ tính toán rằng tối 14/10 là thời điểm thủy triều lên cao nhất trong năm, cho phép tàu ngầm vượt qua các chướng ngại vật, vào sâu khu neo đậu của tàu chiến Anh. U-27 chầm chậm tiến vào Scapa Flow trong vòng 4 giờ, rồi lặn xuống khi phát hiện tàu tuần tra đối phương.

0h27 ngày 15/10, U-47 đến Scapa Flow và phát hiện thiết giáp hạm Royal Oak. Được hạ thủy năm 1914, thiết giáp hạm Royal Oak từng tham gia các trận hải chiến lớn trong Thế chiến I. Đến năm 1939, nó vẫn là một tàu chiến ấn tượng, dù không còn phù hợp cho nhiệm vụ tiền tuyến.

Trận tập kích táo bạo của tàu ngầm Đức vào căn cứ Anh năm 1939 ảnh 1

Lộ trình đột nhập và tấn công của U-47. Đồ họa: Don Holloway.

Lúc 0h58, tàu ngầm U-47 phóng ba quả ngư lôi vào thiết giáp hạm Anh. Quả đầu tiên làm đứt dây neo tàu Royal Oak, hai quả còn lại trượt mục tiêu. Thuyền trưởng Prien ra lệnh bắn tiếp một ngư lôi từ ống phóng phía đuôi U-47 nhưng vẫn trượt.

Kíp phóng ngư lôi mũi tàu nhanh chóng nạp đạn và tiếp tục bắn thêm ba quả ngư lôi trúng tàu Royal Oak. Lúc 1h16, khói lửa bốc lên từ chiến hạm Anh, nước biển liên tục tràn qua lỗ thủng ở giữa tàu khiến nó bắt đầu chìm.

Khi lính Anh bật đèn pha và tiến hành chiến dịch cứu nạn Royal Oak, U-47 quay đầu tăng tốc thoát ly khỏi Scapa Flow, để lại chiến hạm Anh đang chìm phía sau. Royal Oak bị trúng ngư lôi ở kho đạn phía đuôi, khiến 833 trong tổng số 1.234 thủy thủ thiệt mạng. Rất nhiều người khi đó đang ngủ dưới hầm tàu và bị mắc kẹt sau vụ nổ.

Thuyền trưởng Prien cùng thủy thủ đoàn U-47 trở về căn cứ ở Kriel và được trao tặng huân chương. Winston Churchill, khi đó mới là bộ trưởng hải quân Anh, gọi vụ tấn công cảng Scapa Flow là "cuộc tập kích táo bạo, vận dụng mọi kỹ năng của hải quân chuyên nghiệp".

Việc thiết giáp hạm Royal Oak bị chìm không ảnh hưởng đến ưu thế hải quân Anh, nhưng đã giáng đòn nặng nề vào tinh thần chiến đấu của các binh sĩ. Vụ tập kích cho thấy khu neo đậu bất khả xâm phạm của họ trên thực tế rất dễ bị tấn công.

Sau trận tập kích của U-47, căn cứ Scapa Flow bị đóng cửa để nâng cấp khả năng phòng thủ. Sau khi được mở trở lại, nó vẫn đóng vai trò căn cứ hải quân chủ lực của Anh trong giai đoạn sau của Thế chiến II.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.