Nhảm nhí lên ngôi
“Thi thoảng, tôi cũng nhìn vào những video nhảm có lượt xem rất cao trong khi những video mang giá trị tích cực như của mình lại ít người quan tâm hơn. Đây là sự không công bằng, một bên đầu tư rất nhiều cả về nội dung lẫn hình thức, một bên ít đầu tư, đăng nhảm nhí, không giá trị nhưng nhận sự tương tác cao hơn” - chia sẻ của anh Đồng Văn Hùng (ở Thái Nguyên), chủ kênh Youtube “Ẩm thực mẹ làm” và cũng là đại diện của Việt Nam tham gia sự kiện Youtube FanFest năm 2020. Với hơn 700 nghìn lượt đăng ký theo dõi và được đánh giá sáng tạo nội dung bình dị, gần gũi nhưng kênh của anh Hùng có lượt tương tác vẫn kém hơn nhiều video có nội dung nhảm nhí, tiêu cực.
Đơn cử, kênh của Khá Bảnh với những video chửi bậy, đốt xe từng đạt 2 triệu lượt đăng ký. Chính đối tượng giang hồ mạng này từng khoe, có tháng nhận được 450 triệu đồng từ Youtube. Theo anh Đồng Văn Hùng, nếu làm nội dung lành mạnh, người sản xuất phải bỏ nhiều công sức xây dựng, tối ưu hóa tìm kiếm nội dung… như anh từng trồng một cây rồi quay video nó lớn lên mất hàng tháng trời. “Ngược lại, các video nhảm không cần vốn, chỉ việc đăng lên sẽ có người xem, chia sẻ đẩy tương tác bởi nội dung sốc của nó. Người xem không nhận thức được cái mình đang xem và chia sẻ nên những video nhảm thường có lượt tương tác cao. Thậm chí, bên người sản xuất nội dung nhảm có khi còn không biết lượt xem của mình lên hay không” - anh Hùng nói.
Chủ kênh “Ẩm thực mẹ làm” nói thêm: “Tôi thấy cứ 10 bạn nhỏ thì có khoảng 8 - 9 em thường xem video nhảm, đây là tỉ lệ khá lớn nên mong các bạn sản xuất nội dung hiểu ra vấn đề, hãy sáng tạo nội dung có ý nghĩa, có giá trị để đăng lên mạng. Những video thấy nhảm quá, mình không nên sản xuất hoặc đăng lên, bởi như vậy có thể gây ảnh hưởng xấu tới các bạn trẻ”.
Thực tế, lo ngại video tiêu cực ảnh hưởng xấu tới trẻ em như anh Hùng suy nghĩ không phải không có căn cứ. Ngày 12/10, một bé gái 5 tuổi ở TPHCM đã tử vong trong tình trạng treo cổ bằng khăn voan. Theo gia đình, cháu bé thường xem video hoạt hình Peppa Pig (cô heo Peppa) mà nguyên bản của nó là phim hoạt hình từ nước Anh, phát sóng lần đầu năm 2004.
Tuy nhiên, bộ phim này được nhiều người “nhái” lại, tạo các biến thể bạo lực như tự nhổ răng, dùng dao cắt tay và thậm chí là tự sát. Trước đó, một bé trai 7 tuổi cũng ở TPHCM đã học theo thử thách “thắt cổ nhưng vẫn thở được”, may mắn cháu được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Trường hợp khác, một bé trai ở Cần Thơ phải nhập viện cấp cứu vì học theo siêu nhân phun lửa dẫn tới bị bỏng.
Giai đoạn trước năm 2020, Việt Nam và nhiều nước khác đã phát hiện các thử thách video “Cá voi xanh” hoặc “Momo” trên mạng xã hội hướng dẫn, dụ dỗ trẻ em, thanh thiếu niên tự sát. Những thử thách này thường hướng dẫn người xem làm một số việc đơn giản như xem phim kinh dị, dậy lúc nửa đêm… rồi tiến tới tự hủy hoại bản thân và cuối cùng là tự sát. Trên Youtube hiện nay, tra từ khóa “thử thách” sẽ ra nhiều kết quả đáng kinh ngạc như 24 giờ làm chó, thử thách 24h sống trong quan tài, thử thách đốt nhà… và chúng nhận được lượng tương tác lớn. Cũng trên Youtube, các video hướng dẫn “đập đá”, hút cần, “xào ke” hoặc kể về việc sử dụng ma túy xuất hiện đầy rẫy, bất cứ đối tượng nào đều có thể xem. Những video tương tự như vậy cũng xuất hiện trên nền tảng Tiktok.
“Hãy báo cáo, đừng tương tác”
Đây là quan điểm của anh Trần Văn Lâm - một kỹ sư công nghệ thông tin tại Hà Nội. Theo anh, các mạng xã hội sẽ ưu tiên những nội dung nhận được sự tương tác cao, không phân biệt khen hay chê, thậm chí người xem bình luận chửi người đăng cũng giúp tăng tương tác. Với một video nhảm, mọi tìm kiếm hoặc tranh luận, thể hiện quan điểm bằng bình luận đều giúp nó tối ưu hóa SEO, dễ tiếp cận người xem. Như vậy, quan điểm chống video nhảm lại vô tình giúp nội dung này tăng tương tác trong khi chủ video vừa xem thiên hạ cãi nhau về sản phẩm của mình vừa “đếm view”.
“Nếu thấy các kênh có nội dung không phù hợp, mọi người nên báo cáo nó vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng để Facebook, Google biết và xử lý. Trường hợp không có thời gian, mình nên chặn kênh này hoặc ít nhất hãy bỏ qua luôn, đừng nhấn dislike (không thích) hoặc bình luận bởi như vậy sẽ làm tăng tương tác cho nội dung không lành mạnh, giúp nó đến được với nhiều người hơn. Có những video, dù lượng dislike nhiều hơn like nhưng vẫn lên top bình thường, nói đơn giản là mình càng chửi họ càng ra tiền” - anh Lâm nói.
Anh Vũ Xuân Tiến (ở Hà Nội) cho biết mình đang sở hữu 2 kênh Youtube và khẳng định, khi đăng video, mạng xã hội này luôn hỏi nội dung có phù hợp hay không, có dành cho trẻ em hay không đồng thời người đăng có thể giới hạn tuổi của người xem.
Tuy nhiên, nhiều Youtuber thiếu trung thực hoặc không nhận thức hết tác hại của video mình đưa lên khiến trẻ em có thể tiếp cận nội dung không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Được hỏi phụ huynh có thể làm gì để giúp con em mình không kích vào các video nhảm, anh Tiến đưa ra lời khuyên cài đặt Youtube Kid bởi đây là phần mềm dành riêng cho trẻ em, nội dung được kiểm duyệt kỹ hơn so với kênh người lớn và có nhiều video bổ ích, giúp trẻ em học tập.
Tuy vậy, anh Tiến cho rằng: “Bố mẹ hãy dành thời gian ở bên con, vừa học, vừa xem cùng con để có thể kiểm soát được cả nội dung lẫn thời gian xem. Tôi thấy bố mẹ bây giờ cũng lười chơi với con, nó nhõng nhẽo là sẵn sàng đưa điện thoại cho chơi để người lớn thảnh thơi. Các con tôi cũng hay xem các kênh thử thách sinh tồn như sống trong rừng nhưng trường hợp thắt cổ vì bắt chước video giờ tôi mới biết. Youtube sáng tạo sân chơi riêng cho trẻ em nhưng đôi khi vẫn có trường hợp đáng tiếc và việc này khó tránh bởi ngay cả người lớn đôi khi còn chưa kiểm soát được mọi thứ trên tài khoản mạng xã hội của mình”.
“Nếu thấy các kênh có nội dung không phù hợp, mọi người nên báo cáo nó vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng để Facebook, Google biết và xử lý. Trường hợp không có thời gian, mình nên chặn kênh này hoặc ít nhất hãy bỏ qua luôn, đừng nhấn dislike (không thích) hoặc bình luận bởi như vậy sẽ làm tăng tương tác cho nội dung không lành mạnh, giúp nó đến được với nhiều người hơn. Có những video, dù lượng dislike nhiều hơn like nhưng vẫn lên top bình thường, nói đơn giản là mình càng chửi họ càng ra tiền”, anh Trần Văn Lâm - một kỹ sư công nghệ thông tin tại Hà Nội nói.